Đến thời điểm này, TTCK sau nhiều điều chỉnh, đang thể hiện xu thế phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, NHNN không thể không nới rộng “cánh cửa hẹp” mang tên 03.
Đã hết sứ mạng lịch sử?
Không thể phủ nhận tác động tích cực mang tính lịch sử của biện pháp điều tiết do NHNN đưa ra này! Theo TS. Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế Tp.HCM, thời điểm ban hành Chỉ thị 03 là cần thiết bởi các nguyên nhân sau: Thứ nhất, kiểm soát rủi ro đối với các NHTM. Thứ hai, góp phần hạ nhiệt TTCK trong cơn sốt.
Còn TS. Vũ Thành Tự Anh, Phó giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng: Sự biến động của TTCK có thể có tác động lớn và trực tiếp đến các thị trường còn lại. Nếu có rủi ro ở TTCK thì ngân hàng và thị trường đất đai cũng bị ảnh hưởng và khi ảnh hưởng đủ lớn thì có thể gây nên khủng hoảng cho nền kinh tế. Cộng thêm vào đó là lo ngại của Nhà nước về lạm phát. Từ những yếu tố đó, việc NHNN đưa ra một biện pháp nào đó là cần thiết.
Thực tế, Chỉ thị 03 ra đời có tác dụng làm cho một số NĐT theo phong trào biết dừng lại kịp thời. Còn giới đầu tư chuyên nghiệp bắt đầu tính toán, đánh giá lại danh mục cũng như quá trình đầu tư. Trong giai đoạn cuối năm 2006, đầu năm 2007, giá nhiều loại cổ phiếu đã đi quá xa giá trị thực. Khi ấy, TTCK tăng trưởng nóng, dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán chưa làm ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, thời điểm đó, nếu không đưa ra biện pháp kiềm chế thì sẽ rất nguy hiểm khi có rủi ro xảy ra. Đặc biệt là đối với những cổ phiếu trên thị trường phi tập trung, khả năng rủi ro là rất lớn. NHNN đã lập tức ban hành Chỉ thị 03 khi nhận ra những dấu hiệu nguy hiểm của TTCK. Nhất là xuất hiện hiện tượng các NĐT chạy theo phong trào, họ mua cổ phiếu mà không cần biết về doanh nghiệp và các thông tin có liên quan. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu giao dịch trên OTC cũng bị đẩy lên nhanh chóng. Và đúng như mong đợi của NHNN, Chỉ thị 03 ra đời đã có tác động định hướng thị trường, giảm thiểu rủi ro đáng kể cho ngân hàng cũng như NĐT.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi thị trường đã có nhiều biến động, các cổ phiếu blue-chips, trong đó có cổ phiếu ngân hàng đã được điều chỉnh lại sau một thời gian dài lên giá quá cao; một số cổ phiếu của công ty nhỏ không được đông đảo NĐT quan tâm trước đó nay tăng giá trở lại. Có thể nói, tính hợp lý trên thị trường đã dễ nhận thấy so với trước khi Chỉ thị 03 ban hành. Vì thế, có thể nói, “sứ mạng lịch sử” của tỷ lệ 3% đã kết thúc.
Cần một sự thay đổi hợp lý
Vấn đề điều chỉnh mức giới hạn 3% giới hạn cho vay đầu tư chứng khoán đã được nhiều người tiên liệu từ trước, mặc dù chẳng ai biết khi nào NHNN sẽ điều chỉnh và điều chỉnh như thế nào?
Việc đưa ra Chỉ thị 03 với tỷ lệ 3% cho vay đầu tư chứng khoán theo ông Tự Anh là không cần thiết. Ông cho hay, việc đưa mức trần 3%, tức là trói các ngân hàng trong hoạt động kinh doanh cho vay đầu tư chứng khoán mà vẫn không tác động được với khu vực còn lại và không biết chắc mức độ an toàn của hệ thống như thế nào? Như vậy, NHNN vẫn nắm đằng lưỡi chứ không phải nắm đằng chuôi.
Ông Lịch cũng khẳng định, giai đoạn hiện nay cần đánh giá lại Chỉ thị 03 để có sự điều chỉnh phù hợp. Việc khống chế tỷ lệ dư nợ 3% đối với các ngân hàng trong việc cho vay cầm cố chứng khoán là không còn tính thuyết phục. Vì trên thực tế, các ngân hàng thương mại không giống nhau về quy mô, cơ cấu vốn, cơ cấu nợ, trình độ quản lý và khả năng đánh giá rủi ro...
Không chỉ các NĐT, các chuyên gia ngoài ngành, mà ngay cả trong nội bộ NHNN, tuy vẫn nhất trí về tính cần thiết của Chỉ thị 03, nhưng cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến đề nghị xem xét, điều chỉnh tỷ lệ 3%. Tham khảo quốc tế cho thấy, hầu hết các nước trừ Ấn Độ khống chế 5%, cơ quan giám sát tài chính hoặc ngân hàng trung ương không có quy định hoặc giám sát đặc biệt với cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán của các tổ chức tín dụng nói chung, trừ từng ngân hàng cụ thể và trong từng trường hợp nhất định có yêu cầu giám sát.
Dự đoán việc sửa đổi Chỉ thị 03 có thể diễn ra trước 31/12/2007. Ba phương án có thể đặt ra: Hoặc là gia hạn thời gian thực hiện tỷ lệ 3% thêm 6 tháng nữa; Hoặc là điều chỉnh nâng tỷ lệ cho vay chứng khoán lên mức cao hơn; Hoặc quy định mức đối với từng ngân hàng cụ thể; Hoặc là vừa lùi thời hạn vừa nâng mức khống chế.
Rõ ràng, dù điều chỉnh theo phương án nào thì quyết định của NHNN sẽ tác động mạnh vào chiều hướng của TTCK. Các NĐT, các tổ chức kinh doanh chứng khoán hiện đang rất quan tâm, hướng mọi giác quan, nghe ngóng động tĩnh từ các nhà quản lý tại NHNN.