Thêm những nhận định lạc quan

 
 
Hiện tại, ở Đông Nam Á, TTCK Việt Nam là một đối thủ cạnh tranh nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) với một thị trường trẻ và giàu tiềm năng là Myanmar.

Định hướng tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung gỡ khó cho nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong năm 2014, được kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XIII đưa ra đã củng cố niềm tin cho giới đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Đây là cơ sở để thị trường khởi sắc hơn, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu được lợi từ chính sách. 

“Vững giá” cổ phiếu lớn 

Sau khi kết quả kinh doanh quý III/2013 cũng như 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) được công bố trong tháng 10, bước sang tháng 11, TTCK đã thể hiện nhiều tín hiệu khởi sắc. Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng, dòng tiền ngoại tiếp tục chảy khá mạnh vào hai sàn với giá trị mua ròng lên tới 270 tỷ đồng. 

Không ngạc nhiên khi các mã cổ phiếu lớn tiếp tục được khối ngoại giao dịch khá mạnh và hầu hết là tăng mua, như các cổ phiếu OGC, SSI, HAG… Đặc biệt, cổ phiếu HAG đã có sự tăng trưởng khá, khoảng trên dưới 10% kể từ thời điểm lĩnh vực đầu tư bền vững cho thể thao (bóng đá trẻ) của Hoàng Anh Gia Lai bước đầu gặt hái thành công. Điều này cho thấy, giới đầu tư không hề thờ ơ với những tin tốt của DN, đặc biệt là DNNY lớn. 

Con số lợi nhuận 3 quý đầu năm của Top 10 DN lớn niêm yết trên sàn chiếm gần 80% tổng lợi nhuận các DNNY tiếp tục cho thấy, sức mạnh của nhóm cổ phiếu blue - chips. Điều này lý giải vì sao “sóng tăng” đợt này các blue- chips vẫn làm nhiệm vụ dẫn dắt và trong những phiên tăng, có đến 2/3 số cổ phiếu trong nhóm VN 30 và HNX 30 tăng giá... 

Bên cạnh sự tăng ổn định hoặc giữ được thị giá trong những phiên điều chỉnh của nhóm cổ phiếu lớn, đầu tháng 11, nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng liên tục tăng mạnh nhờ vào nhiều thông tin tích cực được công bố trong thời gian vừa qua. Đó là việc Bộ Xây dựng công bố tồn kho bất động sản giảm mạnh, phân khúc nhà chung cư đang ấm lên.

Bên cạnh đó, Bộ này đã ban hành Thông tư 18/2013/TT - BXD nới rộng nhiều quy định về điều kiện và đối tượng vay vốn hỗ trợ nhà ở nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng và dự thảo quyết định về việc thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội…

Tăng mạnh nhất là những mã cổ phiếu “tầm trung” như Địa ốc Hoàng Quân (HQC), Tập đoàn Đất Xanh (DXG), Đại Thiên Lộc (DTL) và Nhà Khang Điền (KDH)… 

Theo báo cáo chiến lược đầu tư tháng 11/2013 của Công ty chứng khoán Rồng Việt, mốc 500 điểm của thị trường vẫn chưa thực vững chắc, các chỉ số tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp. Điểm tích cực là dòng tiền vẫn đang có nhu cầu tích lũy cổ phiếu tại vùng giá hiện tại và điều này giúp cho thanh khoản trở nên đặc biệt sôi động trong thời gian gần đây. 

Trong khu vực Đông Nam Á, TTCK Việt Nam là một đối thủ cạnh tranh nguồn vốn FII với một thị trường Myanmar. Tuy nhiên, do những cải cách đi trước nên Việt Nam có ưu thế hơn và giá cổ phiếu hiện tại là rất phù hợp để giới đầu tư quốc tế tham gia. 

Cùng với các cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng, nhóm cổ phiếu thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong thời gian qua là các DN có vốn hóa trung bình và thấp, nhóm cổ phiếu chưa lấy lại được mức tăng trưởng của giai đoạn đầu năm.

Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong hai tháng cuối năm, tuy nhiên vì đặc tính của nhóm cổ phiếu này mang yếu tố đầu cơ cao nên sẽ phù hợp hơn đối với nhà đầu tư có khả năng chấp nhận rủi ro. 

Nhận định lạc quan 

Mới đây, Hãng truyền thông Chanel News Asia đã đưa ra nhận định, TTCK Việt Nam có thể kết thúc năm 2013 với vị trí là một trong những thị trường có mức tăng điểm tốt nhất châu Á. Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 20%. 

Trao đổi với Chanel News Asia, ông Daryl Liew, Giám đốc quản lý danh mục của Công ty Reyl Singapore cho rằng, TTCK Việt Nam đang khôi phục lại niềm tin trong giới đầu tư quốc tế, vì mức giá hấp dẫn và triển vọng phục hồi kinh tế.

Hiện tại, ở Đông Nam Á, TTCK Việt Nam là một đối thủ cạnh tranh nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) với một thị trường trẻ và giàu tiềm năng là Myanmar. Tuy nhiên, do những cải cách đi trước nên Việt Nam có ưu thế hơn trong cuộc đua này bởi giá cổ phiếu ở Việt Nam hiện tại là rất phù hợp để giới đầu tư quốc tế tham gia. 

Cũng có cái nhìn tích cực về TTCK Việt Nam, ông Thomas W. Shreve, Tổng giám đốc Recapital Investment Group (Indonesia), phát biểu: “Kể từ năm 2008 đến nay, giá cổ phiếu tại Việt Nam đã giảm sâu trong khi nhiều DN vẫn có giá trị tài sản cao, tiềm năng phục hồi lớn. Bởi nền kinh tế Việt Nam hiện nay dù đang trải qua một số khó khăn, thách thức, nhưng vẫn tốt hơn tình hình ở Indonesia hồi những năm 1997 - 1998 mà chúng tôi đã vượt qua và thành công”. 

Như để minh chứng cho nhận định trên, vừa qua, Recapital Investment Group đã mua thêm 30 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (NVT), và hiện chiếm 35,87% vốn điều lệ của Công ty này. Ông Thomas W. Shreve rất tin tưởng khoản đầu tư nói trên sẽ cho sinh lời tốt trong tương lai khi nền kinh tế Việt Nam ấm lên.

Có thể khẳng định, khá nhiều quỹ đầu tư trong khu vực vẫn dành sự quan tâm đối với các DNNY tại Việt Nam và lạc quan nền kinh tế Việt Nam sẽ từng bước vượt qua khó khăn, trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao như những năm trước.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây