Tín dụng đen: Còn đất sống vì... tâm lý

 
 
Với những vụ việc vỡ nợ liên tiếp xảy ra, có thể nói tín dụng đen như những chiếc vòi bạch tuộc len lỏi khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn.

Liên tiếp trong thời gian qua, hàng loạt các vụ vỡ nợ liên quan đến tín dụng đen liên tiếp xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Trong một diễn biến mới nhất, nhiều người dân ở TP Hội An (Quảng Nam) hoang mang, lo lắng vì Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần T “ôm” hơn 15 tỷ đồng rời khỏi nhiệm sở.

Tâm lý muốn làm giàu chóng vánh và những lỗ hổng pháp lý trong việc xử lý hành vi huy động vốn với lãi suất cao đã khiến nhiều người dân đem tiền tích góp của mình tham gia vào đường dây tín dụng đen.

Tràn lan từ làng ra phố

Theo thống kê của Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, chỉ trong vòng 2 năm gần đây đã có hơn 4.300 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” được xử lý, trong đó có gần 2.000 vụ liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... với số tiền thiệt hại lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, cả nước đã xảy ra 128 vụ lừa đảo, 124 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến tín dụng đen. Tội phạm từ tín dụng đen có 4 vụ giết người, 28 vụ cướp tài sản, 98 vụ cưỡng đoạt tài sản, 55 vụ hủy hoại tài sản.

Trước đó, những ngày đầu tháng 10/2013, tất cả mọi người từ CBVC đến giới tiểu thương, người buôn bán nhỏ và nông dân tại TT Nam Phước và xã Duy Vinh bàng hoàng khi nghe tin bà chủ shop YUMY - Trần Thị Quỳnh Nga tuyên bố vỡ nợ với số tiền hơn 60 tỷ đồng. Thủ đoạn của người này cũng tương tự như những vụ vỡ nợ trước là sau khi tạo dựng uy tín của mình, Nga bắt đầu “bắn tiếng” đang cần tiền đầu tư vào một dự án lớn tại TP HCM. Tiền đầu tư vào dự án này được trả lãi suất 15%/tháng. Với lãi suất cao gấp hơn 10 lần so với lãi suất gửi ngân hàng nên nhiều người nhẹ dạ, ham lãi đã mạnh dạn đầu tư vào dự án chẳng bao giờ có thực này để rồi ôm hận.

Tại Đà Nẵng, những ngày cuối tháng 10/2013, cũng rộ lên trường hợp một cán bộ ngân hàng bị vỡ nợ, mất khả năng thanh toán trên 20 tỷ đồng khiến hàng chục người cho vay điêu đứng liên quan đến Nguyễn Thị Thùy Hương là Phó phòng Kế toán - Ngân hàng Sài Gòn Công thương - chi nhánh Đà Nẵng. Làm việc với cơ quan chức năng, vợ chồng Hương thừa nhận là có vay với hình thức “lãi nóng” để “chữa cháy” cho việc làm ăn thua lỗ với số tiền lên đến 20,1 tỷ đồng.

Đó là những vụ tiêu biểu, ngoài ra còn có thể kể đến hàng loạt các vụ khác mà giá trị thiệt hại phải tính bằng tiền tỉ như vụ án liên quan đến bà Nguyễn Thiên Trang – 10 tỉ đồng; tiệm cầm đồ Tuấn Minh – 5 tỉ đồng;…. và hàng trăm vụ vỡ nợ tín dụng đen quy mô từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng như ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… 

Với những vụ việc vỡ nợ liên tiếp xảy ra, có thể nói tín dụng đen như những chiếc vòi bạch tuộc len lỏi khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Nguyên nhân của vấn nạn rất đơn giản, những đối tượng huy động vốn đánh đúng vào lòng tham từ việc được trả lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng. Vì vậy, nhiều người mang tài sản của bản thân, gia đình đến ngân hàng thế chấp vay vốn, sau đó cho vay lại với lãi suất cao hơn, trong khi người vay vốn lại không có tài sản gì đảm bảo cho việc trả nợ. Và lòng tham cũng như sự nhẹ dạ của các nạn nhân còn bị gia tăng thêm bởi bề ngoài “hào nhoáng, thành đạt” và thủ đoạn tinh vi trong việc huy động vốn.

Giải pháp nào hiệu quả ?

Tín dụng đen nở rộ là lòng tham của người dân trước lãi suất quá cao của chủ nợ mặc dù các các hành vi cho vay với lãi suất như trên đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bởi theo quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự, trong giao dịch tín dụng, lãi suất cho vay không được quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. Đối chiếu với quy định này, các mức lãi suất cao như trên đều có thể được xếp vào hành vi cho vay nặng lãi. 

Một thống kê không chính thức cho rằng, nguồn tín dụng đen hiện nay chiếm xấp xỉ 30% tín dụng ngân hàng, với quy mô khoảng 50 tỉ USD. Với một con số lớn như vậy, có lẽ, không ai là không nhận ra tín dụng đen đang trở thành thảm họa của nền kinh tế. Song, để ngăn chặn nó lại không phải là điều đơn giản.

Dưới góc nhìn của mình, LS Phạm Văn Thanh - Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam chia sẻ: hoạt động tín dụng đen khó kiểm tra, xử lý một cách triệt để vì nó chỉ diễn ra ngầm giữa các cá nhân, không có một thủ tục vay mượn chính thức nào. Hơn nữa, trong hoạt động tín dụng “đen”, cả người cho vay và người đi vay đều cùng có lỗi, và vì vậy, họ phải gánh chịu hậu quả. Ngoài ra, hình phạt cho các hành vi này chưa đủ sức răn đe. Chẳng hạn, hình phạt cao nhất với tội cho vay nặng lãi theo Điều 163 BLHS năm 2009 là phạt tù 3 năm và phạt tiến tới 10 lần số lợi nhuận đối với hành vi cho vay nặng lãi thu lợi bất chính lớn và có tính chất chuyên bóc lột. Nhưng xác định thế nào là thu lợi bất chính lớn và có tính chuyên bóc lột thì hoàn toàn không dễ dàng vì rất khó tìm được bằng chứng.

“Theo tôi, người dân cần tỉnh táo, không nên lóa mắt trước những lời hứa hẹn. Quá trình thực hiện các giao dịch nên tham khảo sự tư vấn của những người có kinh nghiệm về luật và tín dụng để tránh rơi vào cái bẫy tín dụng “đen” - Luật sư Thanh khuyến cáo.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây