![]() |
Giá cả nhiều mặt hàng đang tăng từng ngày. |
Các địa phương, bộ ngành đều cho biết sẽ không có chuyện khan hiếm, thiếu nguồn hàng phục vụ tết, thậm chí đến nay hầu hết các tỉnh cũng đều khẳng định đã chuẩn bị đủ cơ cấu và số lượng hàng hoá cung ứng cho dịp Tết. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã có chủ đạo cần chuẩn bị tốt nguồn hàng, kiểm soát giá cả hợp lý... Thế nhưng giá cả thị trường vẫn đang là mũi tên đi lên.
Tăng giá theo ngày
Ngày 3.1, bà Nguyễn Thị Sâm - một người dân ở Hào Nam - Hà Nội - cho biết: Giá cả đang tăng từng ngày và tôi rất lo lắng về vấn đề giá cả trong dịp Tết Nguyên đán tới. Theo bà Sâm thì so với cách đây vài ngày, mỗi kilôgram thịt lợn đều đã nhích lên 2.000đ - 3.000đ tuỳ loại. Nếu so với 10 ngày trước đây thì mức tăng đã đạt khoảng trên dưới 5.000đ/kg.
Cùng có cảm giác lo lắng, chị Minh Dung (Nam Đồng - Hà Nội) nói: Cách đây 4 ngày, tôi đi mua hàng và được chủ hàng cảnh báo: "Hàng hoá sẽ tăng nhiều. Tuy nhiên, không ngờ hôm đó giá bia Heineken là khoảng 270.000đ/thùng; đến hôm 3.1, tôi mua đã là 280.000/thùng. Tại siêu thị, giá còn cao hơn với 300.000đ/thùng tương đương với 12.500đ/lon.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Lao Động, chỉ trong vài ngày qua, giá cả của hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm tiêu dùng hàng ngày và cũng là những nhu yếu phẩm trong dịp tết bắt đầu xu hướng tăng mạnh. Theo các chủ đại lý, cửa hàng, bản thân họ cũng... không biết vì sao giá cả lại tăng nhanh. Khi được hỏi thì các đầu mối chỉ thông báo rằng giá tăng (?).
Có tác động tâm lý và làm giá
Theo Bộ Công thương và các DN, siêu thị lớn ngay từ tháng 11 và 12.2007, công tác chỉ đạo các địa phương dự trữ hàng hoá đã được thực hiện. Hầu hết các địa phương cũng khẳng định việc chuẩn bị hàng tết đã đảm bảo 100%.
Tuy nhiên bản thân Bộ Công thương và các DN, các địa phương đều cho rằng khó có thể đảm bảo mức giá bình ổn như hiện nay. Các nhà quản lý thì cho rằng mức tăng giá có thể từ 10% cho đến 15%. Thế nhưng, nhiều chuyên gia và người dân lo ngại hơn thì cho rằng tuỳ mặt hàng mà mức tăng cục bộ có thể vượt con số này.
Tuy vậy, khá nhiều chuyên gia nhấn mạnh và cảnh báo về yếu tố tâm lý và tiểu xảo làm giá. Đây thực sự đã trở thành căn bệnh mạn tính, có biểu hiện chu kỳ, diễn ra nhiều năm nay, nhưng chưa có biện pháp khắc phục.
Ông Tuấn Anh (Bộ Công thương) cho rằng: Năm nào cũng vậy, cứ gần tết là hàng hoá tăng giá, mặc dù không hẳn do khan hiếm nguồn hàng. Thực chất của vấn đề chính là do yếu tố "ăn tết" của người VN còn nặng hơn "chơi tết".
Dựa vào yếu tố này và do thị trường có xu hướng cầu cục bộ, người tiêu dùng khó tránh khỏi việc bị các đầu mối làm giá. Bên cạnh đó, việc tăng lương cũng tác động tiêu cực đến xu thế ăn theo trong thời gian nhạy cảm này.
Kiểm soát được không?
Đầu tháng 1.2008, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các địa phương chuẩn bị tốt nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hoá của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý năm 2008 với giá cả hợp lý. Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ động thực hiện các biện pháp để kiểm soát giá cả ngay từ đầu năm 2008.
Tuy vậy, người dân vẫn chưa hết lo ngại. Một chuyên gia phân tích: Thị trường hàng hoá tiêu dùng nhu yếu phẩm dịp tết chủ yếu phân phối qua các kênh bán lẻ của thị trường tự do. Vì thế nếu chỉ kiểm soát được giá cả đầu nguồn là các DN, siêu thị, đầu mối lớn thì qua các kênh trung gian này; giá cả của hàng hoá sẽ bị đội lên cùng với chi phí vận chuyển và yếu tố làm giá.
Từ đây, chuyên gia này cho rằng biện pháp kiểm soát toàn diện; trong đó chú trọng thị trường tự do dù khó nhưng lại là chìa khoá để giải toả sức ép giá cả. Cụ thể, cùng với việc kiểm soát giá đầu mối thì khâu lưu thông là đặc biệt quan trọng.
Bên cạnh đó, để kiểm soát thị trường tự do thì DN nhà nước tại các địa phương cần có vai trò chủ lực. Nếu như hàng hoá đủ, năng lực phân phối của các DN này đảm bảo thì đây sẽ là yếu tố giúp bình ổn mặt bằng giá tại thị trường tự do.
Đặc biệt, chuyên gia này cũng đề nghị việc kiểm soát cần thường xuyên và rộng khắp; bởi nếu không, người tiêu dùng vẫn gánh chịu hậu quả; trong khi đó nếu bị phát hiện và phạt hành chính thì đó cũng vẫn là "bắt cóc bỏ đĩa" khi mọi sự đã rồi.