IPO Vietinbank: "Kịch bản" Vietcombank sẽ lặp lại?

Giá khởi điểm: Sẽ là 100.000 đồng?

Đây có lẽ là thông tin gây "sốc" nhất trong cuộc họp báo ngắn. Theo những thông tin mà Chủ tịch HĐQT của NH này cung cấp, Vietinbank sẽ bán 25% vốn của NH này, tương đương khoảng gần 3.000 tỉ đồng VĐL.

Được biết, hiện tổng vốn điều lệ và lợi nhuận từ các quỹ để lại của Vietinbank khoảng trên 10.000 tỉ đồng. Tổng vốn này sẽ được tính tương đương 75% vốn của Vietinbank, thuộc sở hữu nhà nước. 25% còn lại sẽ IPO là vốn phát hành thêm, do các cổ đông nắm giữ. Nếu theo đúng kế hoạch, đến 2009, Vietinbank sẽ CPH tiếp 24%, giảm tỉ lệ nắm giữ của nhà nước trong NH xuống còn 51%.

Cũng theo ông Phạm Huy Hùng, nhiều khả năng Vietinbank sẽ thực hiện theo các bước đi mà Vietcombank vừa triển khai khi IPO. Cụ thể sẽ IPO trong nước trước, bán cho đối tác nước ngoài sau và giá khởi điểm của Vietinbank cũng có thể sẽ là 100.000 đồng/CP.

Ông Hùng cho biết, mức giá khởi điểm này đã được cân nhắc kỹ trên cơ sở tham khảo từ đơn vị tư vấn và đánh giá tiềm năng của NH này.

Trả lời phỏng vấn của PV Lao Động: Liệu việc IPO trong nước trước có lặp lại kịch bản của Vietcombank: Kém sôi động, giá đấu thành công bình quân thấp mà nguyên nhân chính là NĐT chưa nhìn thấy sự đột phá của NH, đặc biệt khi chưa rõ đối tác chiến lược nước ngoài?

Ông Hùng thừa nhận đó cũng là vấn đề cần phải cân nhắc. Tuy nhiên, ông kỳ vọng là NĐT sẽ "hưởng ứng" với phiên IPO này nhiệt tình hơn do những chỉ số tài chính, mạng lưới, thị phần, thương hiệu của NH này khá tốt và thị trường quý I/2008 kỳ vọng sẽ có những phản ứng tích cực.

Những chỉ số căn bản

Tổng tài sản của Vietinbank trước khi IPO đạt 180.000 tỉ đồng. Vietinbank hiện có 140 chi nhánh, 150 phòng giao dịch và trên 500 điểm giao dịch trên toàn quốc với đội ngũ nhân viên lên đến 14.000 người, đứng thứ 2 trong hệ thống NH về số lượng nhân viên (sau NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN). Lợi nhuận luỹ kế để lại tính đến hết năm 2007 vào khoảng trên 2.000 tỉ đồng.

Những thông tin được công bố cho thấy, tỉ lệ nợ xấu của NH năm 2007 đã giảm xuống so với những năm trước (còn 1,3%, tương đương 1.500 tỉ đồng). Tuy nhiên, trích lập dự phòng rủi ro chuyển sang năm 2008 của NH đã đạt 1.800 tỉ đồng và đây là lý do để Vietinbank khẳng định đã làm chủ được tình hình tài chính; lợi nhuận năm 2007 đạt mức tăng trưởng 90% so với năm 2006 - cũng là một con số khá ấn tượng.

Để mở rộng thị phần và hướng tới mục tiêu một  NH đa năng, những năm qua, Vietinbank đã rất chú trọng mở rộng mảng dịch vụ cho các khách hàng DN nhỏ và vừa và khách hàng cá nhân.

Tính đến hết năm 2007, mảng khách hàng DNNN trước đây là thế mạnh của NH chỉ còn chiếm 30% tổng dự nợ, trong khi đó, khách hàng DN nhỏ và vừa chiếm tới 50%. Ông Hùng khẳng định, Vietinbank sẽ tiếp tục củng cố hệ thống mạng lưới và đẩy mạnh hoạt động NH bán lẻ, NH từ xa, NH Internet trong những năm tới.

Những câu hỏi chưa được trả lời

Cho đến thời điểm hiện tại, một số quan tâm của NĐT liên quan đến việc IPO Vietinbank chưa có câu trả lời: Thặng dư vốn sau IPO sẽ được sử dụng như thế nào? Ông Hùng cho biết: Đây là quyết định thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, Vietinbank đang dự kiến sẽ trình Chính phủ chấp thuận phương án để lại cho Vietinbank, coi như vốn đầu tư của Nhà nước trong quỹ đầu tư của NH này.

Việc thứ hai: Chưa nhìn thấy đối tác chiến lược nước ngoài của Vietinbank. Nếu kịch bản Vietcombank lặp lại, không ít NĐT đặt câu hỏi: Liệu đối tác chiến lược nước ngoài có chấp nhận mua Vietinbank với mức giá trúng thầu bình quân như quy định với Vietcombank hiện nay?
 
Mặc dù nhà lãnh đạo cao nhất của NH này khẳng định, sẽ chỉ lựa chọn 1 đối tác chiến lược nước ngoài và theo thông tin từ tổ chức tư vấn, đối tác này sẵn sàng trả giá cao để sở hữu CP Vietinbank, song thị trường mới là câu trả lời cuối cùng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây