![]() |
Lượng tiền gửi bằng ngoại tệ đăng tăng nhanh hơn so với tiền gửi VND. |
Tổng giám đốc một NHCP thừa nhận, nguồn cung ngoại tệ vào NH giảm dần nên không đủ để đáp ứng đầu ra. Theo lý giải của vị tổng giám đốc này, 3 tháng vừa qua kim ngạch xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong khi nhập khẩu vẫn không giảm nên lượng ngoại tệ NH mất cân đối khi xuất khẩu giảm.
Tại trung tâm kinh tế lớn là TP. HCM, theo số liệu thống kê thì tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN trên địa bàn tháng 11 ước thực hiện 1.432,8 triệu USD, giảm 9,7% so với tháng trước, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của DN tháng 11 ước thực hiện 1.458,8 triệu USD, tăng 0,4% so tháng trước.
Cũng theo vị tổng giám đốc trên, việc mất cân đối ngoại tệ hiện chưa trầm trọng như hồi giữa năm khi tỷ giá trên thị trường tự do có lúc trên 19.000 VND/USD. Tuy nhiên, đã có một số dấu hiệu cho thấy "bệnh cũ" trên thị trường ngoại tệ lại xuất hiện. Cụ thể, tỷ giá trên thị trường tự do vẫn giữ ở mức khá cao chứng tỏ cầu ngoại tệ trên thị trường này khá lớn, nguyên nhân có thể do nhu cầu mua USD nhập hàng lớn hoặc do người dân thấy tỷ giá tăng trong tháng vừa qua đã mua ngoại tệ để dịch chuyển tiền gửi VND sang ngoại tệ.
Nhìn vào con số thống kê của NHNN có thể thấy lượng tiền gửi bằng ngoại tệ đăng tăng nhanh hơn so với tiền gửi VND. Trong tháng 10/2008, số dư tiền gửi VND chỉ tăng 2,16%, thấp hơn mức tăng 4,39% của tháng 9 nhưng số dư tiền gửi ngoại tệ tăng 3,18%. Đến tháng 11/2008 thì sự dịch chuyển rõ hơn nhiều, riêng khu vực TP. HCM, vốn huy động tháng 11/2008 đạt 559.208 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước. Trong đó, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 29% tổng vốn huy động, tăng 41,8% so cùng kỳ, còn vốn huy động VND chỉ tăng 19% so với cùng kỳ.
Theo một chuyên gia ngân hàng, tỷ giá mấy ngày cuối tuần qua đã có dấu hiệu chững lại, đây là một điều cần thiết trong điều hành thị trường ngoại tệ. Thực tế cho thấy, việc để tỷ giá tăng quá nhanh (tăng thêm gần 300 đồng/USD trong tháng 11 vừa qua) sẽ gây ra những phản ứng không tốt, cụ thể là găm giữ ngoại tệ không bán cho ngân hàng của doanh nghiệp và người dân, khiến ngân hàng đã thiếu nguồn cung lại càng thiếu hơn.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh xuất khẩu đang có dấu hiệu suy giảm thì việc đẩy tỷ giá lên để hỗ trợ xuất khẩu rất cần sự khéo léo, bởi nếu không sẽ phản tác dụng khi tình trạng găm giữ ngoại tệ diễn ra trên diện rộng. Kinh nghiệm vào giữa năm khi tỷ giá tăng mạnh đã khiến người dân đổ xô mua ngoại tệ, doanh nghiệp xuất khẩu có ngoại tệ không bán cho ngân hàng. Để xử lý tình huống đó, NHNN sẽ phải bơm ra rất nhiều ngoại tệ để can thiệp.
Trong một số diễn đàn gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Cụ thể, nên can thiệp để duy trì tỷ giá từ nay tới cuối năm ở mức khoảng 17.000 VND/USD sẽ có lợi hơn việc tiếp tục đẩy tỷ giá lên. Ở mức này, doanh nghiệp xuất khẩu đã có lợi một chút so với trước đây về tỷ giá, đồng thời vẫn trong khả năng chịu đựng của doanh nghiệp nhập khẩu. Quan trọng hơn, không gây ra bệnh cũ là găm giữ ngoại tệ của người dân, khi đó sẽ lại giúp nguồn cung ngoại tệ cho ngân hàng tăng nhờ tận dụng được nguồn ngoại tệ từ kiều hối vào thời điểm cuối năm.
Trong tuần qua, các NH niêm yết tỷ giá mua - bán USD/VND phổ biến ở sát mức trần được phép. Tỷ giá thị trường tự do giảm nhẹ, nhưng vẫn quanh mức 17.350 - 17.420 VND/USD. Theo NHNN, cơ quan này đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, điều hành tỷ giá linh hoạt, bảo đảm góp phần kiểm soát nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô.