![]() |
Nhiều nhà đầu tư nhỏ đang bức xúc vì thiếu thông tin minh bạch. Ảnh: T. Kiên |
Nhà đầu tư Đặng Quang Nam, cổ đông của một công ty ngành công nghiệp, cho rằng, việc xử phạt những vi phạm của các công ty đại chúng chưa nghiêm nên hầu hết các doanh nghiệp này vì lợi ích của một số cổ đông lớn đã chấp nhận phạm luật. Điều này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của những cổ đông nhỏ.
Đơn cử, một công ty xi măng (niêm yết trên sàn HOSE) chuẩn bị ký kết một dự án “béo bở”. Nhưng thay vì phải công bố thông tin cho tất cả cổ đông biết thì lãnh đạo, các cổ đông lớn âm thầm gom cổ phiếu xong mới “xì” thông tin. Giá cổ phiếu của doanh nghiệp này trước khi công bố thông tin chỉ có 22.000 đồng, nhưng sau khi công bố đã tăng 34.000 đồng một cổ phiếu. Những cổ đông nhỏ ồ ạt bán trước đó đã thiệt hại không nhỏ.
Anh Hoàng Mai Dũng (sàn SSI) nhận định, có hàng trăm cách để công ty đại chúng bố cáo hoặc thông tin, nhưng hầu hết những bố cáo này chỉ làm lợi cho một số người. Công ty Bông Bạch Tuyết liên tục thua lỗ nhưng vẫn báo cáo có lãi, hoạt động kinh doanh tốt.
Ở nhiều công ty khác, khi các cổ đông lớn muốn bán bớt số cổ phiếu đang nắm giữ vì biết doanh nghiệp kinh doanh xuống dốc nên liên tục công bố thông tin tốt, PR rùm beng, sau đó là màn chia cổ phiếu thưởng, phát hành thêm cổ phiếu mới… Thấy hấp dẫn, cổ đông nhỏ nhẹ dạ mua vào, cổ đông mới cũng đua theo và ôm hụi chót.
Một chuyên gia chứng khoán TP HCM cho rằng, theo Luật Chứng khoán, khi trở thành công ty đại chúng, việc cáo bạch thông tin phải càng phải rõ ràng, chính xác hơn. Theo đó, để tránh tình trạng lợi dụng “đục nước béo cò”, các cổ đông nhỏ có quyền được biết và biểu quyết tình hình hoạt động kinh doanh của công ty trước khi Hội đồng quản trị đưa ra quyết định.
Nhưng hiện vẫn nhiều công ty đại chúng thiếu minh bạch thông tin. Trong số hơn 1.000 công ty mới chỉ có vài “đại gia” thỉnh thoảng công bố thông tin nhưng cũng thiếu khách quan, trung thực. Nhà đầu tư An Đông, một cổ đông nhỏ của Công ty cổ phần May Nhà Bè tiết lộ: Khi công ty này chuẩn bị cổ phần hóa, ban lãnh đạo ra sức đầu tư trang bị máy móc, nhà xưởng… Rồi thực hiện những báo cáo lỗ, lỗ càng nhiều càng tốt, vì Nhà nước chịu. Sau đó đấu giá cổ phần hóa thì họ đã hốt “hụi” lớn từ phần báo cáo chênh lệch lỗ, đầu tư máy móc…
“Chỉ có những lãnh đạo cốt cán mới biết được giá trị thực của công ty, chứ bản thân các cổ đông nhỏ “moi” đâu ra thông tin minh bạch”, anh Đông bức xúc.
Phạt cho vuiTheo quy định, các công ty đại chúng có nghĩa vụ phải công bố thông tin định kỳ hoặc bất thường, phải xin phép khi phát hành cổ phiếu, phải tổ chức lưu ký chứng khoán tại trung tâm lưu ký và phải quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu như không doanh nghiệp nào thực hiện, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn ngăn cản nhà đầu tư tiếp cận thông tin, vi phạm thời hạn đăng ký mua tối thiểu 20 ngày.
Ví dụ Công ty cổ phần Du lịch Vũng Tàu đã chào bán chứng khoán được gần một năm nhưng nhà đầu tư vẫn chưa nhận được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc sở hữu cổ phần, cũng như thông tin gì liên quan đến tình hình doanh nghiệp.
Luật Chứng khoán cũng quy định, những doanh nghiệp không nộp hồ sơ đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán hoặc hồ sơ đăng ký thông tin sai lệch hoặc không đủ thông tin cần thiết… sẽ bị phạt lên đến 70 triệu đồng. Nhưng đến thời điểm này, chưa doanh nghiệp nào bị phạt với mức tiền trên.
Thạc sĩ Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng, hầu hết các công ty đại chúng hiện đều vi phạm việc minh bạch thông tin. Với các công ty chưa niêm yết thì tình trạng này còn phổ biến và nghiêm trọng hơn. Việc xử phạt hiện không đủ răn đe nên nhiều công ty vẫn cố tình vi phạm, bỏ qua quyền và lợi ích chính đáng của các cổ đông nhỏ. Với tỷ lệ sở hữu 5% trở lên của các cổ đông lớn thì việc tháo túng, làm giá cổ phiếu trên thị trường đối với họ không có gì khó, chỉ các cổ đông nhỏ là “lãnh đủ”.
Theo các chuyên gia chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần sớm quy định chặt chẽ và rõ ràng đối với công ty đại chúng để bảo vệ các cổ đông nhỏ.