Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ các ngân hàng (NH) tranh chấp kho hàng càphê nhân xô của Cty TNHH Trường Ngân (đường bến Vân Đồn, phường 9, quận 4, TPHCM) đặt tại Dĩ An, tỉnh Bình Dương, có dấu hiệu vi phạm hình sự, Tòa dân sự đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra thụ lý theo thẩm quyền.
Hôm nay (15.12), nguồn tin của chúng tôi cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã nhận hồ sơ vụ “7 ngân hàng tranh chấp 1 kho càphê” từ TAND quận 4, TPHCM chuyển đến để thụ lý điều tra theo thẩm quyền, vì vụ án có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Như vậy, đến nay vụ án đã có hướng giải quyết để tránh sự tranh chấp dẫn đến xung đột quá mức dân sự khi 7 NH cùng muốn thu về khối càphê nhân xô mà hiện nay chưa biết nó còn chính xác là bao nhiêu?
Lúc đầu theo Cty Trường Ngân là 20.000 tấn để vay 600 tỉ đồng (khoảng 30 triệu đồng/tấn giá thời điểm 2009) của 7 NH, sau đó số càphê “lao dốc” chỉ còn 3.360 tấn, đến giữa năm 2013, chỉ ước vào khoảng dưới 2.800 tấn, cho đến khi bị cưỡng chế vào đầu tháng 12.2013, thì theo một số người “canh gác” tại kho này, trong kho ước còn 600 tấn!
Trong khi đó, đến nay kho hàng này đã bị phát hiện có sự gian dối, tẩu tán tài sản đảm bảo vay NH, Cty móc ruột và nghiêm trọng là có dấu hiệu lừa đảo khi phát hiện hàng trăm tấn (261 tấn) là rác, sỏi đá và vỏ càphê trộn lẫn.
Trước nguy cơ mất hàng là tài sản đảm bảo vay, một số NH đã tranh nhau “xiết nợ”, đã khiến một số NH tự liên kết với nhau để cùng nhau bảo vệ kho hàng nhằm giữ nguyên hiện trạng, chờ Cơ quan điều tra vào cuộc.
Hiện nay các NH đã có nhiều đơn thư khiếu nại đến Thi hành án Dĩ An, tỉnh Bình Dương, dừng ngay việc cưỡng chế kho hàng thi hành án theo Quyết định thỏa thuận thành giữa 1 NH với Cty TNHH Trường Ngân. Dư luận đặt vấn đề Thi hành án dân sự Dĩ An, Bình Dương tại sao lại “nhiệt tình” đến như vậy?
Theo điều tra của chúng tôi, vào ngày 29.5, đại diện 7 NH đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia đầy đủ và có sự tham gia của đại diện các NH Nhà nước chi nhánh TPHCM. Tại buổi họp này, các NH xác định kho hàng mà Cty Trường Ngân đã thế chấp cho các NH có sự tranh chấp, chồng lấn và đi đến thỏa thuận “Các bên thống nhất thu xếp một buổi làm việc tại kho Cty để ghi nhận lại hiện trạng, vị trí toàn bộ kho hàng, ghi nhận các lô hàng trùng lắp. Việc phân chia sau đó các NH sẽ tiếp tục đàm phán sau hoặc theo quyết định của tòa án. Các NH có liên quan nộp đơn khởi kiện Cty Trường Ngân tại TAND quận 4, TPHCM và đã được tòa thụ lý giải quyết, với yêu cầu khởi kiện nêu rõ việc đòi nợ và phát mãi lô hàng càphê”.
Tuy nhiên, chỉ sau cuộc họp một tuần (7 ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật) tức là vào ngày 5.6, TAND quận 4, TPHCM đã ra Quyết định số 24/2013/QĐST-KDTM công nhận sự thỏa thuận giữa nguyên đơn là NH TMCP Phương Đông (OCB) và bị đơn là Cty Trường Ngân với nội dung: “Cty Trường Ngân cam kết tài sản bảo đảm là 3.360 tấn càphê nhân xô còn đúng đủ số lượng đã nêu trong hợp đồng cầm cố số 0183/2012/BĐ ngày 21.9.2012… Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Cty chúng tôi cam kết đảm bảo đủ số lượng hàng đã cầm cố cho OCB, tại kho riêng của OCB theo các hợp đồng cầm cố và biên bản có liên quan… Đồng thời, OCB có quyền yêu cầu phát mãi đối với toàn bộ tài sản bảo đảm nêu trên để thu hồi nợ”.
Ngay lập tức, các NH đã làm đơn khiếu nại, trong đó có NH đã gửi đơn đến TAND TPHCM đề nghị hủy Quyết định số 24/2013/QĐST-KDT, đơn khiếu nại cũng được gửi đến Thi hành án, công an, VKSND Thị xã Dĩ An, Ngân hàng Nhà nước… thậm chí là Cơ quan CSĐT.
Bởi theo các NH thì quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa Cty Trường Ngân và OCB đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được quy định bởi Bộ luật Tố tụng dân sự, xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của các NH. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác”.