Sáng 11/9, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), báo Nông nghiệp Việt Nam - đơn vị Thường trực Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), phối hợp các đơn vị liên quan của tỉnh Đắk Lắk tổ chức diễn đàn nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam.
Gây nhiễu loạn thị trường
Theo ban tổ chức, Việt Nam có hơn 112.000 ha sầu riêng, diện tích đã tăng nhanh trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm tăng gần 25%. Tổng sản lượng hiện nay khoảng 900.000 tấn. Tại Đắk Lắk (đứng thứ 2 cả nước về diện tích sầu riêng) đang có khoảng 28.600 ha.
Diện tích sầu riêng Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung tăng mạnh sau khi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Hiện ngành hàng sầu riêng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt trên 1,5 tỷ USD.
Cùng với những mặt tích cực, ngành hàng sầu riêng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ khi có hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết… nhất là khu vực Tây Nguyên. Đây cũng là một trong những nguyên dân dẫn đến vi phạm các quy định của nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng, thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk - thông tin, theo phản ánh của các đơn vị thu mua và người dân, việc mua bán sầu riêng giữa người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã thời gian qua theo một số hình thức. Cụ thể, một số doanh nghiệp đặt cọc mua sầu riêng với người dân cách thời điểm thu hoạch 2 đến 3 tháng bằng ký hợp đồng mua bán theo quy cách và hợp đồng bán xô. Số tiền đặt cọc khoảng 30% giá trị theo sản lượng ước tại vườn.
Bên cạnh đó, sau khi được phê duyệt mã số vùng trồng, một số hộ trong vùng trồng đã tự chốt giá với các doanh nghiệp khác ngay tại thời điểm cây sầu riêng bắt đầu ra hoa... Nguyên nhân, một số hộ dân cần tiền để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... chăm sóc cho vườn cây.
Ngoài ra, thời gian qua, một số đối tượng môi giới vào tận vườn người dân chốt giá rất cao, từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, mục đích gây nhiễu loạn thị trường.
Nghe Bộ trưởng đã ký Nghị định thư với Trung Quốc
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, không chỉ sầu riêng mà nền nông nghiệp của Việt Nam đang manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Việc chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến sơ chế, đóng gói, xuất khẩu chưa bền vững. Dẫn đến, khi sầu riêng rộng đường tiêu thụ, lại xảy ra tình trạng mạnh ai nấy thu mua. Khi mua không được thì người này nâng giá một chút, người kia tăng một chút, cuối cùng giá ảo. Vậy giá này do chúng ta tự tạo ra.
Để thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của ngành nông nghiệp, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTN các bên liên quan phải tổ chức lại khâu sản xuất. Có sự tham gia ngay từ đầu của doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu chứ không chỉ dừng lại ở việc thống kê diện tích, cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
"Tôi đứng ở vườn điều của tỉnh Bình Phước, thấy vườn bên đang phá điều để trồng sầu riêng. Khi tôi hỏi thì nhận được câu trả lời, nghe Bộ trưởng đã ký Nghị định thư với Trung Quốc, sầu riêng bán được giá cao nên quyết định phá cây điều làm sầu riêng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ câu chuyện thực tế. Từ đó, ông cho rằng, công tác truyền thông đầy đủ đến cho người dân là rất cần thiết, tránh lặp lại thực trạng chuyển đổi ồ ạt như chanh dây đang gặp phải.
Theo Huỳnh Duy
Tiền phong