Theo nhận định của S&P Global Platts Analytics, do yếu tố trên, tổng sản lượng thép toàn cầu năm nay có thể sẽ không thấp hơn so với năm ngoái.
Giá thép cuộn cán nóng nội địa ở Trung Quốc đã tăng khoảng 12% kể từ đầu tháng 3 đến nay, lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2008. Đợt tăng giá gần đây nhất chủ yếu do thành phố Đường Sơn (Trung Quốc) đình chỉ hoạt động của một số cơ sở sản xuất tương đương 30% công suất lò cao của thành phố này, và thị trường dự đoán việc cắt giảm sản lượng tương tự sẽ mở rộng ra bên ngoài thành phố Đường Sơn trong bối cảnh Chính phủ nước này nỗ lực hướng tới mục tiêu cắt giảm sản lương thép trong năm 2021.
Hiệp hội Sắt thép tỉnh Giang Tô ngày 2/4 đã kêu gọi các địa phương kiểm soát sản lượng thép, và thành phố Qinhuangdao (Tần Hoàng Đảo) ở miền Bắc Trung Quốc cho biết đã sẵn sàng cho dừng hoạt động 30% công suất sản xuất thép.
Tỉnh Giang Tô sản xuất 121 triệu tấn thép thô vào năm 2020, chiếm 11% tổng sản lượng của Trung Quốc, theo Cục Thống kê Quốc gia nước này. Thành phố Tần Hoàng Đảo có công suất sản xuất 12 triệu tấn thép thô/năm.
Việc Đường Sơn cắt giảm sản lượng thép đã dẫn đến việc công suất sản xuất gang tương đương khoảng 34 triệu tấn/năm phải dừng hoạt động kể từ giữa tháng 3 đến nay. Về lý thuyết, công suất sản xuất gang tạm dừng như vậy sẽ làm tổng công suất sản xuất gang Trung Quốc giảm từ 1,032 triệu tấn cuối năm 2020 xuống còn 998 triệu tấn hiện nay. Tuy nhiên, con số đó vẫn cao hơn nhiều so với sản lượng gang thực tế của nước này mà Platts Analytics báo cáo là 888 triệu tấn năm 2020.
Platts Analytics dự kiến tỷ suất lợi nhuận thép tăng do việc Đường Sơn cắt giảm sản lượng sẽ dẫn đến việc tỷ lệ sử dụng công suất luyện gang năm nay tăng lên cao hơn mức 87% hồi cuối tháng 3, đạt khoảng 998 triệu tấn.
Nếu tỷ lệ này tăng lên 90% vào tháng 4 thì công suất luyện gang sẽ được bổ sung thêm 10 triệu tấn/năm, đến mức ngành luyện gang phải tạm dừng tăng công suất để đưa tỷ lệ sử dụng công suất luyện gang của Trung Quốc xuống dưới mức của năm ngoái. Nếu tỷ lệ này tăng lên 95% - do lợi nhuận tăng vọt – thì công suất luyện sang sẽ được bổ sung thêm 60 triệu tấn/năm.
Theo dữ liệu của S&P Global Platts, tỷ suất lợi nhuận sản xuất thép cuộn cán nóng ở Trung Quốc hôm 6/4 là 138 USD/tấn, còn thép thanh vằn là 111 USD/tấn.
Công suất gang thép Trung Quốc năm 2021 sẽ tăng
Dự đoán Trung Quốc sẽ bổ sung công suất ròng sản xuất gang năm 2021 thêm 18 triệu tấn/năm, và công suất thép thô thêm 30 triệu tấn. Như vậy, khi những cơ sở mới đi vào sản xuất thì nước này sẽ phải buộc nhiều cơ sở sản suất gang và thép nữa phải tạm dừng hoạt động vào 6 tháng cuối năm 2021 để nước này đáp ứng được mục tiêu về sản lượng.
Hiện Trung Quốc đang xem xét hạ mức hoàn thuế xuất khẩu thép để giảm xuất khẩu thép ra nước ngoài và gián tiếp không khuyến khích sản xuất thép. Mặc dù vẫn chưa rõ khi nào nước này sẽ giảm mức hoàn thuế xuất khẩu, và sẽ thực hiện việc cắt giảm như thế nào, nhưng thị trường nhìn chung cho rằng Chính phủ Trung Quốc muốn xuất khẩu thép của nước này năm 2021 giảm khoảng 20 triệu tấn so với mức dưới 54 triệu tấn của năm 2020.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung thép toàn cầu bị thắt chặt, việc Trung Quốc xóa bỏ hoặc giảm mức hoàn thuế xuất khẩu mặt hàng này sẽ càng khiến giá thép thế giới tăng cao hơn nữa. Và khi đó, xuất khẩu thép vẫn mang lại lợi ích lớn về kinh tế cho các nhà sản xuất thép của nước này, kể cả khi giảm mức hoàn thuế xuất khẩu.
Các nhà phân tích và thương nhân ngành thép dự đoán tỷ lệ hoàn thuế xuất khẩu thép dài, thép cuộn cán nóng và thép tấm của Trung Quốc sẽ bị giảm từ 13% xuống 9% - 4%, hoặc có thể xóa bỏ hoàn toàn mức hoàn thuế cho nhóm hàng thép.
Dựa trên giá thép tại Trung Quốc ngày 6/4, già chào bán thép cuộn cán nóng loại Q105 của Trung Quốc sẽ vào khoảng 913 USD/tấn CFR nếu tỷ lệ hoàn thuế xuất khẩu về mức 0%.
Giá chào bán thép cuộn cán nóng loại SAE của Ấn Độ hôm 6/4 là 920 USD/tấn CFR Việt Nam, tăng khoảng 100 USD/tấn so với 2 tuần trước đó.
Giá chào bán thép cùng loại của Nhật Bản hôm 7/4 là 1000 USD/tấn, CFR Việt Nam, kỳ hạn giao đầu tháng 6.
Ngược lại, việc giá thép tăng trên toàn cầu cũng khiến nhập khẩu sắt và thép vào Trung Quốc khó có thể tăng lên. Theo dữ liệu của Hải quan nước này thống kê ở tháng 1 và 2/2021 thì dự đoán nhập khẩu sắt thép vào Trung Quốc năm 2021 sẽ giảm 16 triệu tấn so với năm trước đó.
Và kể cả khi xuất khẩu thép của Trung Quốc năm 2021 giảm 20 triệu tấn/năm so với năm ngoái thì nhập khẩu thép vào nước này năm nay có thể cũng sẽ chỉ đạt 4 triệu tấn.
Từ đầu năm đến nay, giá sắt thép liên tục tăng mặc dù với tốc độ chậm hơn so với cuối năm ngoái do lũ lụt ở Australia khiến cho việc khai thác quặng sắt, than cốc khó khăn nên quốc gia này tăng giá xuất khẩu. Trong khi đó một số quốc gia cũng tăng thuế xuất nhập khẩu sắt thép phế liệu, như Malaysia mới ra thông báo tăng thuế xuất khẩu phế liệu sắt thép từ 0% lên 15%...
Trong nước, thông thường vào thời điểm sau Tết âm lịch cũng là mùa xây dựng nên nhu cầu về thép và nguyên liệu khác tăng cao.
Từ tháng 9/2020 đến nay, cứ theo chu kỳ 2 tuần thì giá thép tăng khoảng 2%, có thời điểm 2 - 3 ngày đã tăng một lần. So với quý III/2020, giá thép hiện nay đã tăng từ 10 - 20%, riêng thép cây, thép ống kể từ đầu tháng 3/2021 tăng thêm khoảng 20%. Hiện mức giá thép trên địa bàn TP Hà Nội dao động từ 14 - 16 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 1,3 triệu đồng/tấn so với mức giá tháng 10/2020.
Ngày 10/4, tại miền Bắc giá thép Hòa Phát ghi nhận giá tăng mạnh lên mức 15.580 đồng/kg với thép cuộn CB240; thép D10 CB300 cũng chạm mức 15.780 đồng/kg; tại miền Trung thép cuộn CB240 tăng vọt lên 16.110 đồng/kg, trong khi thép D10 CB300 đã tăng 300 đồng lên mức 15.860 đồng/kg; tại miền Nam, thép cuộn CB240 là 15.790 đồng/kg; thép D10 CB300 đạt 15.840 đồng/kg. Thép Việt Đức ở miền Bắc và Trung loại CB240 là 15.690 đồng/kg; loại D10 CB300 là 15.720 đồng/kg…
Với xu hướng giá thép thế giới sẽ còn tăng, dự báo giá thép trong nước sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Tham khảo: Spglobal
Vũ Ngọc Diệp
Theo Nhịp sống kinh tế