Tôm cá chờ chợ họp
Theo Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2020, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, khó khăn từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, EU… khiến kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm, ước đạt 18,8 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, kim ngạch nhóm hàng nông sản chính ước đạt hơn 8,9 tỷ USD. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 190 triệu USD (giảm 19,4%), thủy sản ước đạt hơn 3,5 tỷ USD (giảm 8,6%) và lâm sản chính ước đạt 5,3 tỷ USD (tăng 2,7%).
Trong khi một số nông sản vẫn duy trì được đà tăng trưởng như cà phê, gạo, rau quả, sắn…thì cao su, chè, hồ tiêu, đặc biệt là cả hai mặt hàng thủy sản chiến lược là cá tra (giảm gần 15%) và tôm (giảm 11%) đều có kim ngạch giảm mạnh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Cafatex cho biết, dịch COVID-19 khiến “chợ” thủy sản quốc tế bán rất chậm.
Theo ông Kịch, hai tuần gần đây, các đơn hàng xuất khẩu nhiều hơn, nhưng vẫn chưa hồi phục như trước. Do vậy, nhiều người nuôi tôm, cá đã điều chỉnh diện tích nuôi.
Do đơn hàng chậm, cá tra đã rớt giá từ 35 nghìn đồng/kg vào giữa năm ngoái, nay chỉ còn 18-19 nghìn đồng/kg. “Tình trạng này gây thiệt kép, người nuôi thua lỗ nặng, còn DN chế biến phải đội nhiều chi phí, đặc biệt là kho lạnh trữ hàng và chi phí duy trì việc làm cho công nhân”, ông Kịch nói.
Ông Kịch cũng cho hay, cuối năm là mùa tiêu thụ chính của mặt hàng thủy sản. “Thủy sản là mặt hàng thực phẩm, nên khi các nước kiểm soát được dịch, nhu cầu ăn uống tại hệ thống siêu thị, nhà hàng tăng lên… sẽ kéo theo nhu cầu nhập khẩu lớn”, ông Kịch phân tích.
Mặt hàng gạo cũng có tăng trưởng rất tốt, ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo chỉ sôi động trong tháng 5 khi thị trường bắt đầu được mở cửa, còn hiện tình hình khá xấu, khi ít DN ký mới được hợp đồng, chỉ giao hàng theo hợp đồng cũ. Đặc biệt, Philippines vừa hủy thầu 300.000 tấn, trong đó có nguồn gạo từ Việt Nam.
Đầu ra hạn chế, khiến giá lúa đã giảm khá mạnh, từ khoảng 5.500 đồng/kg, nay còn dưới 5.000 đồng/kg. Lúa hè thu đầu vụ còn bán được, cuối vụ giá rất ảm đạm.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo VFA, hiện các nước vẫn còn dịch COVID-19 nên xuất khẩu hạn chế, có thể đến tháng 9-10 khởi sắc trở lại.
“Philippines mỗi năm nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn, hiện nước này mới nhập 1,3 triệu tấn. Như vậy, khoảng 1,7 triệu tấn còn lại có thể vào tháng 9-10 họ mới nhập”, một lãnh đạo VFA nhận định.
Theo vị này, năm nay lúa gạo được cả mùa lẫn giá. Vì thế, vụ Thu Đông tới diện tích có thể tăng lên, như chủ trương của Bộ NN&PTNT là trồng tới 800 nghìn ha. Do vậy, năm 2020, Việt Nam có xuất 7 triệu tấn vẫn còn dư.
Xuất khẩu gỗ cần nỗ lực, linh hoạt thị trường
Trong khi đó, đồ gỗ đang có tín hiệu tăng trưởng tích cực. Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đến giữa tháng 6, xuất khẩu gỗ đạt 4,5 tỷ USD tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. “Nhìn chung thực trạng không đến mức bi quan như lúc cao điểm của dịch COVID-19 cách đây 2-3 tháng”, ông Hoài nói.
Theo ông Hoài, hầu hết các DN ngành gỗ đã khởi động trở lại. “Trong quý III, IV tới có thể lấy lại mức tăng trưởng và cả năm dự kiến đạt kim ngạch 11,7 tỷ USD, tăng khoảng 5% so với năm ngoái. Năm trước, ngành gỗ xuất khẩu tăng trưởng 18%, năm nay trong bối cảnh dịch bệnh, tăng được 5% cũng là nỗ lực rồi”, ông Hoài nói và cho biết, hiện các thị trường, các chuỗi cung ứng đang dần được nối lại, mặt hàng gỗ đã đến được các thị trường, tuy nhiên một số thị trường như Trung Quốc, thương nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh họ dìm giá. “Đơn cử như mặt hàng dăm gỗ trước đây giá 135 USD/tấn, hiện chỉ còn dưới 120 USD/tấn”, ông Hoài nói.
Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm, rau quả chỉ đạt 1,75 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Do dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyên, thị trường Trung Quốc khó khăn, nên nhiều DN đã chủ động tìm kiếm các thị trường khác. Năm 2019, trong 6 tháng đầu năm doanh nghiệp xuất được 1,2 tỷ USD rau quả sang Trung Quốc, năm nay chỉ còn 900 triệu USD.
Theo ông Nguyên, ngành rau quả đang có xu hướng giảm dần thị phần ở thị trường Trung Quốc, từ 75% của năm ngoái, nay còn còn 60%. “Với việc thực hiện các hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU EVFTA, Hiệp định hợp tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… nông dân; hợp tác xã, DN cùng liên kết, tuân thủ các điều kiện canh tác tốt như GlobalGAP, các điều kiện an toàn thực phẩm, thị trường rau quả Việt Nam sẽ được mở rộng, hạn chế bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông Nguyên nói.
Theo dự báo của ông Nguyên, năm ngoái, rau quả xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD, kỳ vọng năm 2020 tăng lên 4 tỷ USD. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19, kim ngạch cả năm nay kỳ vọng đạt khoảng 3,5,-3,6 tỷ USD.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị Trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, thời gian tới, diễn biến dịch bệnh COVID-19 còn rất phức tạp, nhất là ở Brazil, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Theo ông Toản, ngoài việc mở rộng thị trường xuất khẩu và đàm phán thương mại, cần kiên trì thúc đẩy tiêu thụ nội địa, nhất là với cá tra, vải thiều…
Theo Nam Khánh
Tiền phong