Các doanh nghiệp (DN) niêm yết trở thành công ty đại chúng bắt buộc phải có cổ đông, hay các nhà đầu tư (NĐT). Điều này có ý nghĩa sống còn đối với các DN niêm yết. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn các DN niêm yết trên sàn ít quan tâm đến cổ đông của mình. Sự kém minh bạch, lập lờ, úp mở trong công bố thông tin của DN có thể gây thiệt hại lớn cho NĐT.
Theo thống kê, trên TTCK Việt Nam, việc minh bạch thông tin của các DN niêm yết là rất yếu. Chỉ có 29/694 DN niêm yết (chiếm tỷ lệ chỉ 4.18%) bảo đảm tốt việc công bố thông tin cho NĐT. Như vậy, có đến hơn 95% DN niêm yết trên 2 sàn chứng khoán vi phạm lỗi về công bố thông tin bắt buộc.
95% DN niêm yết vi phạm lỗi
Trong đó, DN trên sàn HoSE luôn chấp hành tốt hơn sàn HNX. Đứng đầu danh sách là những DN kinh doanh bất động sản, BCI, HDC, IJC và VIC, sau đó là ngân hàng góp với CTG, EIB và MBB. Ngành kinh doanh kim loại và các sản phẩm từ khoáng phi kim loại góp mặt 3 DN là HPG, HSG và SHI. Ngành bán lẻ góp mặt 3 DN là BTT, CCI và SVC.
Các "ông lớn" đã thay đổi cách suy nghĩ của mình và quan tâm đến NĐT nhiều hơn, như: CTG, MSN, MBB, EIB, BVH, HPG, PVD, DPM, HSG…
Một số DN đã nỗ lực hoàn thành tốt trách nhiệm với cổ đông, minh bạch với TTCK trong cả 2 năm 2011 và 2012 nhưng đến năm 2013 không thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ này. Trong đó, đáng tiếc nhất có lẽ là trường hợp của VNM. DN này luôn được NĐT trong và ngoài nước đánh giá cao về cả hoạt động kinh doanh lẫn hoạt động IR, nhưng trong năm nay đã sơ suất chậm công bố Giấy phép kinh doanh sửa đổi.
Việc nghiêm túc chấp hành công bố thông tin trên TTCK cho thấy có rất ít DN quan tâm thực thụ đến NĐT. Một khi DN niêm yết mà không mình bạch, không quan tâm đến cổ đông thì rất khó định hướng được đường hướng, chiến lược phát triển cũng như định giá chính xác giá trị cổ phiếu mà họ đang đầu tư.
Khi không hiểu hết được DN, lúc thị trường sụt giảm nghiêm trọng, nhiều chủ DN chẳng hiểu vì sao cổ phiếu của mình lại xuống thấp về dưới mệnh giá, chỉ còn vài nghìn đồng/cổ phiếu, chỉ bằng ly trà đá, mớ rau ngoài chợ.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh vẫn ổn định, tài sản của DN lại rất lớn, nếu bán thanh lý chia đều cho cổ đông thì giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá đang niêm yết. Điều đó chứng tỏ DN không quan tâm đến giá trị thực của mình, không công bố thông tin chính xác, khiến cổ đông, NĐT phải chịu thiệt thòi.
Cần quan tâm hơn đến nhà đầu tư
Theo đó, các NĐT trên sàn đánh giá Ngân hàng Quân đội (MBB) có hoạt động quan hệ với NĐT (Investor Relations - IR) khá tốt. Việc công bố thông tin đóng vai trò vô cùng quan trọng, thể hiện sự minh bạch và đảm bảo quyền lợi của cổ đông mỗi DN.
Đây là đơn vị đáp ứng đầy đủ các quy định về công bố thông tin bắt buộc, lại có khả năng tương tác hiệu quả với thị trường vốn, với cổ đông, NĐT tiềm năng, với cơ quan quản lý… Với nhận thức rằng NĐT là chủ thể quan trọng nhất của TTCK, nên ngoài các tiêu chí định lượng, sự tham gia đánh giá và ý kiến của NĐT là một phần không thể thiếu để lựa chọn được những DN xứng đáng được tôn vinh trong hoạt động IR của mình.
Bài toán về tính minh bạch về công bố thông tin trên TTCK Việt Nam rất khó hoàn thiện. Mặc dù UBCKNN và các Sở GDCK đã thường xuyên nhắc nhở và mạnh tay hơn trong việc xử phạt các DN vi phạm, nhưng các DN niêm yết vẫn không quan tâm giá trị của mình trên TTCK, dẫn đến việc bỏ quên cổ đông, những người đóng góp rất lớn cho DN.
Để cải thiện các vấn đề trên, DN phải tự chứng minh cho NĐT thấy rõ tình hình tài chính, khả năng quản trị vượt khủng hoảng, bảng quyết toán lỗ lãi, cách quản lý chi phí và lợi nhuận rõ ràng.
Trường hợp DN làm ăn không hiệu quả, thì chi phí hoạt động sẽ bị chiết khấu ít nhất. Các công ty quản lý tốt các nguồn lực liên quan đến tài chính dù cho kinh tế suy thoái luôn giữ được giá hấp dẫn trong mắt NĐT. Khi thị trường bắt đầu hồi phục, giá cổ phiếu của các công ty này luôn tăng đầu tiên.
Quan hệ giữa DN và NĐT giữ vai trò quan trọng, đôi khi quyết định sự thành bại của chính DN ấy. Vì vậy, các chiến lược phát triển của DN qua từng thời kỳ, từng giai đoạn, các dự án cần được công khai minh bạch để NĐT nắm rõ để gắn bó lâu dài. Nếu không làm tốt những vấn đề ấy, DN niêm yết tự đánh mất giá trị của mình trong mắt không ít NĐT tiềm năng.