Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 31/12/2012 là hơn 8,8%, và đến cuối tháng 2/2013 giảm còn 6%, tiếp đến cuối tháng 9/2013 giảm chỉ còn chiếm 4,62% tổng dư nợ, với số tiền là 142,33 ngàn tỉ đồng. Không những thế, tốc độ tăng nợ xấu bình quân năm 2013 đã giảm so với năm 2012 ở mức 2,2%/tháng so với mức 3,91%/tháng năm 2012. Đây hẳn là một thành quả đángnhớ lại tâm lý lo sợ khi những con sợ xấu đầu tiên được hé lộ vào cuối 2011.
Tích cực nhưng chưa hết lo
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua, nợ xấu được xử lý chủ yếu thông qua 3 hình thức: cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại các khoản nợ; xử lý nợ thông qua trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Nếu không triển khai các giải pháp nêu trên thì nợ xấu toàn hệ thống tăng thêm khoảng 10%. Điều đó thể hiện tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Nửa cuối năm 2013,VAMC đã đi vào hoạt động và dự kiến đến hết năm sẽ thực hiện mua lại 30.000-35.000 tỉ đồng nợ xấu.Đánh giá về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã có cải thiện, đặc biệt Công ty VAMC đi vào hoạt động đã giúp khơi thông luồng vốn, tăng thanh khoản cho thị trường. Kết quả đạt được, từng bước cải thiện sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ phục hồi, tăng trưởng kinh tế 2014.
Theo các phân tích, khi chuyển nợ xấu sang VAMC, khoản nợ xấu vẫn còn nguyên nhưng quan trọng là quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và DN được khơi thông. Ngân hàng có thể cho DN vay vốn mà không bị nợ xấu án ngữ. Đây chính là hoạt động cho vay thời gian để các NH kéo dài thời gian trích lập dự phòng rủi ro trong 5 năm, chờ kinh tế tăng trưởng, bất động sản ấm lên có điều kiện xử lý các tài sản đảm bảo.
Như vậy, các ngân hàng đang “tạm ứng tương lai” để xử lý nợ xấu. Bước đi này dù được cho là độc đáo rất Việt Nam nhưng đang đúng hướng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, VAMC sẽ không đóng vai trò quyết định trong tiến trình giải quyết nợ xấu. Để giải quyết triệt để khoản nợ này cần phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau. Việc NHNN kiên quyết xử lý hàng chục nghìn tỉ nợ xấu từ giờ đến cuối năm thông qua VAMC cũng là một kế hoạch đầy tham vọng. Các NH có thể chuyển phần lớn các khoản nợ của mình sang cho VAMC, nhưng tiến trình sau đó vẫn còn là dấu hỏi.
Vì thế, các chuyên gia của ADB cho rằng thành công của chương trình xử lý nợ xấu còn phụ thuộc vào việc tăng cường khuôn khổ pháp luật về phá sản và thiết lập cơ chế định giá và đấu giá nợ xấu. Sẽ rất thú vị để quan sát xem các khoản nợ xấu sẽ được xử lý như thế nào, hay cách nó sẽ bán các khoản nợ theo giá thị trường ra sao trong thời gian tới.
Vẫn còn che giấu
Tuy vậy, thái độ hoài nghi về vào con số nợ xấu giảm chỉ còn 4,62% trong 3 quý đầu năm 2013 vẫn là điều dễ thấy.
“Tình trạng nợ xấu có thể tồi tệ hơn so với những gì mà chúng ta được biết. Con số này vẫn thấp xa so với thực tế bởi các ngân hàng vẫn đang giấu nợ”, đó là nhận định của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm.
Bản thân quan chức NHNN cũng đã nhiều lần cho rằng, số liệu nợ xấu bị các ngân hàng che giấu vô cùng nhiều. Sự chênh lệch giữa con số của NHNN và cong bố của ngân hàng thương mại đã cho thấy điều đó.
Một chuyên gia NH cho biết, mỗi NH có 4 cấp có thể che giấu, làm sai lệch con số nợ xấu. Cấp thứ nhất là cán bộ tín dụng, do thấy khách hàng không trả được, sợ ảnh hưởng đến bản thân đã câu kết với khách hàng tìm nguồn vốn khác đập vào, cho vay khoản mới đảo nợ. Tiếp tới là các Phòng giao dịch và Chi nhánh cũng lo sợ nợ xấu ảnh hưởng tới mình, tìm cách xử lý theo hướng có lợi. Cao hơn nữa các Hội sở chính cũng thấy nợ xấu có thể gây tác động xấu nên tìm cách xử lý tương tự và cuối cùng là cấp phát ngôn có thể điều chỉnh để có con số "đẹp".Bản thân các NH lớn hay nhỏ, hoạt động tốt hay không đều có xu hướng giấu nợ xấu. NH nhỏsợ nếu lộ ra sẽ bị phân biệt đối xử, khách hàng rút chạy. NH lớn, giấu nợ xấu, trích dự phòng rủi ro thiếu để tăng lợi nhuận, kích giá cổ phiếu cũng như thu hút khách hàng.
Ngoài ra, theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp lý của Hiệp hội Ngân hàng, nợ xấu thực tế theo cảm nhận có thể từ 11,5% đến 20% do các NH đã đảo nợ được khoảng 6-7%. Về nguyên tắc, các NH có thể bán bất cứ khoản nợ xấu nào cho nhau. Tôi bán nợ xấu cho anh, anh bán lại nợ xấu của anh cho tôi. Hai khoản nợ như nhau. Đảo một hồi lại đẹp, ông Đức nói.
Bên cạnh đó, NHNN đã cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại các khoản nợ. Đến nay, tổng số nợ mà đã cơ cấu lại cho các khách hàng vay đã lên tới trên 300.000 tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng dư nợ; trong số này có tới trên 60% khoản nợ nếu không cơ cấu lại sẽ trở thành nợ xấu.
Các ý kiến cho rằng, nếu 1/6/2014, khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN có hiệu lực thì nợ xấu sẽ lộ rõ hơn. Còn theo ADB, thì nợ xấu sẽ tăng gấp 3-4 lần nếu áp dụng các chuẩn mực kế toán và trích lập dự phòng quốc tế.