Áp lực từ kỳ vọng của cổ đông

DN niêm yết trên sàn chịu áp lực lớn từ các cổ đông - Ảnh: Trường Sơn

Sau một năm chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Công ty cổ phần sản xuất thương mại May Sài Gòn (mã chứng khoán GMC) đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty cho biết, một số cổ đông vẫn luôn đặt ra mức kỳ vọng về lợi nhuận cao hơn. Chính điều đó đã tạo nên áp lực cho HĐQT và ban điều hành công ty. Đó là chưa kể bất cứ thông tin gì có liên quan đến doanh nghiệp cũng phải được công bố rộng rãi... "Tất cả những điều đó tạo cho công ty phải xây dựng một mối quan hệ mới là quan hệ với cổ đông, mà mối quan hệ này phải luôn rõ ràng, minh bạch" - ông Lê Quang Hùng nói. 

Tổng giám đốc một công ty thương mại khác không ngừng than thở khi cho rằng số lượng cổ đông quá nhiều với trình độ hiểu biết khác nhau, sự kỳ vọng và mục tiêu lợi nhuận khác nhau đã làm khổ sở ban điều hành. Ví dụ khoản chi đầu tư trang thiết bị là cần thiết, nếu như trước kia chỉ cần HĐQT thông qua là thực hiện được ngay. Nhưng sau khi lên sàn, phải xin ý kiến cổ đông và một số cổ đông đã không đồng ý vì họ sợ làm giảm lợi nhuận trong năm... "Việc đầu tư đó là cần thiết để mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì mới tạo ra được lợi nhuận cao hơn. Nhưng một số cổ đông chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt nên khó giải thích với họ" - vị tổng giám đốc này nói. 

Không chỉ những kỳ vọng cao tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp, mà trình độ hiểu biết của cổ đông còn hạn chế cũng là điều khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt. Công ty dược Hậu Giang đưa ví dụ khi cổ phiếu (CP) này tăng kịch trần ở mức 550.000 đồng/CP, vào cuối tháng 10 rồi giảm xuống và dao động quanh mức 230.000 - 260.000 đồng/CP. Việc điều chỉnh giá là do công ty đã phát hành CP thưởng. Tuy nhiên, nhiều cổ đông đã thắc mắc tại sao lại giảm như thế và công ty phải giải thích. Vì vậy đại diện công ty này cho rằng nhà đầu tư cũng cần phải tìm hiểu các kiến thức về thị trường chứng khoán, có khả năng phân tích doanh nghiệp để có quyết định đầu tư hợp lý, giúp cho cả doanh nghiệp niêm yết và thị trường chứng khoán phát triển ổn định hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 (mã chứng khoán HT1) cho rằng "Trước khi chưa lên sàn, tôi thấy có nhiều thông tin sai về công ty được đưa lên các trang web, nhất là những giao dịch trên sàn OTC làm nhiều nhà đầu tư bị tiền mất, tật mang. Thậm chí, cả những thông tin tốt cũng bị một số người lợi dụng thổi phồng quá đáng. Tất cả điều đó đều không có lợi cho công ty, không làm cổ đông yên tâm". 

Việc lên sàn, theo các doanh nghiệp không chỉ là trào lưu để đánh bóng tên tuổi. Ngoài những áp lực còn có nhiều thuận lợi cho quá trình phát triển của công ty, nhất là trong việc huy động vốn cho các dự án đầu tư. Theo ông Lê Quang Hùng, ông thấy tiếc vì đã quá e dè nên GMC đã không lên sàn sớm hơn nữa. Điều đó đã làm giảm bớt các cơ hội đầu tư mà công ty có thể thực hiện được.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây