Ranh giới mong manh

Tuy nhiên, cả điểm số lẫn KLGD thấp cho thấy thực tế lượng cung sẵn có (floating supply) vẫn còn quá lớn, ngăn cản một sự phục hồi nhanh như kỳ vọng. Thị trường đang trong tình trạng rất bấp bênh vì nếu không phục hồi trở lại mức điểm đã mất của 5 phiên vừa qua, khả năng một đợt bán tháo mới có thể xảy ra.

Luồng tiền đã cải thiện

Tuần giao dịch thứ hai đầu năm 2008 nhìn chung không có nhiều tín hiệu lạc quan khi chỉ số giá giảm mạnh tới 42,32 điểm so với phiên cuối tuần trước. Trong biên độ suy giảm lớn này có yếu tố đột biến là phiên giảm ngày 10.1. VN-Index đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng 12 tháng qua. Điều đáng nói hơn là sau một chu kỳ giảm rất dài, thị trường đã xuyên thủng mức hỗ trợ 900 điểm, vốn được coi là ngưỡng tâm lý an toàn khi đã khởi phát hai đợt phục hồi mạnh mẽ trong năm 2007.

Tuy nhiên, cũng không quá bi quan khi diễn biến khối lượng tuần qua đã có sự cải thiện nhất định. Mặc dù xuất hiện phiên giao dịch bất thường về khối lượng, nhưng quy mô giao dịch trung bình cũng đạt khoảng 7,44 triệu CP và chứng chỉ quỹ.

Tuần đầu tiên của tháng 1 chỉ có 3 phiên giao dịch nên con số tăng trưởng không mấy ý nghĩa. Nếu so với tuần cuối cùng của tháng 12.2007, KLGD đã tăng 29,2%. Tính riêng lượng khớp lệnh CP, giao dịch cũng tăng 28%. KLGD dịch tăng lên là một biểu hiện tích cực khi một lượng tiền mới tham gia thị trường.

Thống kê cung cầu cũng cho thấy khối lượng chào mua trung bình đạt khoảng 12,1 triệu CK/phiên, tăng trên 12% so với tuần cuối tháng 12.2007 và tháng 1.2008. Như vậy có thể thấy lượng tiền mặt trong các tài khoản còn khá dồi dào. GTGD (không tính trái phiếu) cũng đã tăng xấp xỉ 20%, đạt 677,7 tỉ đồng/phiên.

Điểm đáng lưu ý là quy mô lệnh mua vào trung bình của thị trường tăng đáng kể và đặc biệt tăng cao ở một số CP riêng lẻ cho thấy quá trình thu gom đang diễn ra mạnh mẽ vì quy mô lệnh mua lớn trong điều kiện thị trường xấu chỉ có thể xuất phát từ những nguồn tiền mạnh.

Yếu tố giao dịch của NĐTNN cũng đang làm "đau đầu" NĐTTN khi phiên ngày 10.1, khối này đã bán ra rất mạnh các blue-chips. Tính chung 5 phiên, quy mô vốn ròng chảy vào thị trường đạt 178,1 tỉ đồng, giảm 16% so với tuần cuối tháng 12.2007.

Trong tổng số 2,13 triệu CK được mua ròng của tuần, nguồn vốn ngoại chỉ chảy vào một số mã với tỉ trọng lớn như HPG (1,89 triệu CP), ANV (328.490 CP), PPC (221.990 CP), ITA (163.930 CP). Ngược lại, nguồn vốn chảy ra mạnh với DMC (-224.680 CP), TDH (-127.890 CP), VIC (-104.590 CP), VNM (-115.410 CP).

Kỳ vọng đáy 850 điểm

Mốc 850 điểm thực sự quan trọng khi các phân tích kỹ thuật đều khẳng định là mốc thấp nhất trong kênh suy giảm từ đầu năm 2007 đến nay (đường nối hai đáy của thị trường hồi tháng 4 và 8.2007).

Nếu xét chu kỳ tăng trưởng từ khoảng 500 điểm (tháng 11.2006) và đỉnh 1.170 điểm (tháng 3.2007) thì thị trường hiện tại đã có mức suy giảm xấp xỉ 50% (Fibonacci Retracement 50%). Điều đó có nghĩa là đa số NĐT đều nhận biết con số giới hạn 850 điểm - một mốc có cả yếu tố tâm lý lẫn kỹ thuật và không ít người đã đặt mua tại mốc này. Điều đó lý giải tại sao KLGD ngày 10.1 lại lớn như vậy.

Tuy nhiên, phiên cuối tuần (11.1) đã không cho tín hiệu khẳng định hợp lý khi mức tăng chỉ là 10,7 điểm và giá đóng cửa hầu như không đổi so với giá mở cửa. Trong khi đó, mức cao nhất trong ngày có biên độ tăng tới trên 17,43 điểm so với đóng cửa ngày 10.1.

Sự dao động này của VN-Index cho thấy giá của CP đã có lúc tăng mạnh nhưng sau đó lại giảm về cuối phiên. Nguyên nhân duy nhất là lượng cung mạnh hơn so với sức cầu đã ép giá CP xuống. Khi sức mua chưa đủ để hấp thụ hết lượng bán thì giá CP chưa thể cải thiện.

Câu hỏi của thị trường hiện tại là mức giá lúc này đã được đông đảo NĐT cầm tiền đánh giá là hấp dẫn hay chưa? Nếu mức giá là tốt, thị trường sẽ chứng kiến những phiên tăng điểm để bù lại mức sụt giảm, trước mắt là mức giảm của ngày 10.1 (fill the gap).

Như vậy mốc 888 điểm (mức High) của ngày 9.1 sẽ là ngưỡng kháng cự đầu tiên để lực cầu chứng tỏ sức mạnh. Cận dưới (mức hỗ trợ) sẽ là 850 điểm (mức đóng cửa) ngày 10.1.

Khoảng cách gần 40 điểm cần được lấp đầy trong một vài phiên tới. Tâm lý NĐT hiện tại đang rất yếu - được chứng tỏ qua lượng cung ồ ạt hai phiên cuối tuần - và có thể khởi phát một làn sóng bán tháo mới nếu VN-Index tiếp tục giảm trở lại quanh mốc 850 điểm hoặc thị trường không cho một tín hiệu phục hồi chắc chắn.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây