TTCK 2008: Đến bao giờ “con tim sẽ vui trở lại”?

Đã sang đầu 2008 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu về một TTCK khởi sắc. Ảnh: Đặng Vỹ

Thế là những hồi hộp, mong chờ, những hy vọng về những biến đổi tích cực (như thông lệ ở những năm trước) của hàng chục ngàn nhà đầu tư nhỏ đã tắt ngấm trước những diễn biến trên TTCK trong 2 ngày giao dịch đầu năm 2008. Trên các sàn giao dịch những ngày này dễ dàng nhận thấy tràn ngập nỗi buồn hay nỗi thất vọng trên gương mặt nhà đầu tư (NĐT). Và tình trạng này không biết còn kéo dài bao lâu nữa.

Tuy nhiên, với những NĐT dạn dày kinh nghiệm, nhất là những ai từng tham gia vào TTCK châu Âu hay Mỹ thì diễn biến trong vài tháng qua hoàn toàn không bất ngờ. Có thể tập trung vào mấy nguyên nhân:

Lượng cung tiền của NĐT nội hiện không còn nhiều trong khi nguồn cung cổ phiếu liên tục tăng. Phần lớn các NĐT nội đã giải ngân trong thời gian Index trên dưới 1.100 điểm hồi tháng 9,10 năm 2007. Khi VN-Index đi xuống vào thời gian sau đó, gắng gượng chút ít, một số NĐT tiếp tục chọn giải pháp mua tiếp để bình quân giá cổ phiếu đang nắm giữ khi Index lui về đi ngang vì nghĩ rằng đây đã là “đáy” của thị trường. Vậy là, bất đắc dĩ những NĐT này phải trở thành… nhà đầu tư dài hạn khi chỉ số cứ đi xuống mãi đến hôm nay.

Chưa kể đến việc hàng mấy chục công ty, tổng công ty lớn đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong 6 tháng đầu năm, cũng như trào lưu tăng vốn vốn tràn lan của hàng loạt công ty khác (trên sàn lẫn OTC) tiếp diễn như hiện nay đã và sẽ hút thêm một lượng tiền không nhỏ của các NĐT trong nước.

Trong khi đó, với một bộ phận các NĐT nội khác thì tâm lý trên thị trường hiện trở nên tỉnh táo và chín chắn hơn trước đây rất nhiều. Họ hiểu rằng cái thời mà những “anh Hai xích lô”, “chị Tám bán phở”, “bác Ba hàng xóm”… “chơi” CK kiếm tiền dễ như trở bàn tay nay đã “đi về nơi xa lắm”. Vì vậy cũng dễ hiểu khi những NĐT này trở nên rất thận trọng trước những lời đồn đoán (kiểu như chính phủ sắp tăng room các công ty thuộc một số lĩnh vực trong mấy tuần gần đây) và bình thản trước những trào lưu mới. Họ sẽ chỉ bỏ tiền ra khi thấy có nhiều dấu hiệu ở một thị trường khởi sắc một cách thật sự.

Ở một thái cực khác, những NĐT nước ngoài, những tổ chức tài chính lớn trên thị trường không phải chịu sức ép giải ngân vào thời điểm này như một số các lập luận khác. Một số trong các “đại gia” đã nhanh chân “thoát” ra được trong giai đoạn từ cuối tháng 9/2007. Cần lưu ý là lúc đó khối lượng giao dịch cổ phiếu trên cả hai sàn đã tăng mạnh một cách đáng ngờ, thậm chí có hôm lên đến 2.500 tỷ chỉ riêng ở HOSE (tức gấp hơn 5 lần phiên giao dịch ngày 04/01/2008), và kéo dài gần 3 tuần lễ từ giữa cuối tháng 10. Một số nhà phân tích kinh nghiệm cho rằng “sức chịu đựng” của những tay chơi lớn này đã được “tăng” lên đáng kể nếu so với thời kỳ VNI suy thoái dưới 900 điểm hồi tháng 7- 8/2007.

Và với lượng vốn giải ngân được khá lớn nói trên thì việc VNI lùi càng sâu sẽ tạo ra những cơ hội kiếm lời mới trong tương lai.

Bên cạnh, một số quỹ, tổ chức tài chính nước ngoài hiện đang thắt chặt việc giải ngân hơn, trong bối cảnh tập đoàn mẹ ở chính quốc đang gặp phải sức ép thua lỗ xuất phát từ cơn bão tín dụng cho vay mua nhà ở nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ. Những diễn biến tại hầu hết các TTCK lớn thế giới trong những ngày đầu năm càng củng cố thêm nhận định tiêu cực của cơn đổ bể tín dụng ở Mỹ đến thị trường tài chính toàn cầu trong năm 2008 này.

Một khía cạnh khác, đích ngắm của những “đại gia” nước ngoài (và có thể các đại gia trong nước) trong thời gian sắp đến chính là hàng loạt IPO những công ty cực "khủng" như SABECO, HABECO, Mobifone, BIDV, Vina Phone,…. Dĩ nhiên, tình hình thị trường ảm đạm còn kéo dài sẽ giúp họ mua được những món hàng này với một mức giá hời hơn. Và như vây, rất có thể trong tính toán, họ sẽ chưa tham gia trở lại vào làn sóng đầu tư lớn vào đầu năm - điều thường thấy trên thị trường CK VN trong những năm qua.

Hiện sức ép đang đè nặng lên những NĐT nội đang bị mắc kẹt trên thị trường trong khi phải đến thời điểm trả nợ ngân hàng hay đáo hạn cổ phiếu cầm cố. Số khác có thể là các bộ phận tự doanh, đầu tư tài chính của các công ty (thực chất phần lớn là mua bán lòng vòng cổ phiếu giữa các công ty có mối “quan hệ chiến lược” với nhau).

Vì dĩ nhiên, họ sẽ là những NĐT trông chờ nhất vào sự khởi sắc trở lại của thị trường, với những giải pháp kích cầu cụ thể của Chính phủ, ví dụ như điều chỉnh Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước về cho vay chứng khoán; hay sắp đến thời điểm báo cáo kinh doanh năm 2007, được đánh giá là rất tốt; hoặc thời điểm NĐT nước ngoài trở lại trường chứng khoán sau kỳ nghỉ dài.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây