Thưa ông, 60% vốn đã giải ngân tập trung vào nhóm cổ phiếu của các ngành nào?
Đó là các doanh nghiệp niêm yết vốn lớn, làm ăn tốt, chủ yếu tập trung vào hai ngành: thực phẩm, nước giải khát và xây dựng. Đây là những ngành tập trung nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm nhiều đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, và kinh doanh chứng khoán.
Nhà đầu tư Hàn Quốc hiện đang dành mối quan tâm lớn, mong chờ các ngân hàng lớn của Việt Nam sẽ tiến hành cổ phần hoá trong thời gian tới.
Kế hoạch giải ngân 40% vốn còn lại của tập đoàn như thế nào?
Chúng tôi đang chờ đợi những đợt IPO doanh nghiệp lớn của VN để giải ngân nốt 40% vốn còn lại. Tôi nghĩ, không chỉ KIS mà các quỹ đầu tư lớn, các tập đoàn nước ngoài trên thế giới cũng đang dành mối quan tâm lớn đến TTCK VN. Qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi làm việc với lãnh đạo nhiều quỹ đầu tư, tập đoàn lớn chúng tôi đã thấy được mức độ quan tâm lớn của họ tới thị trường tiềm năng của VN.
Theo tôi, quá trình điều chỉnh của thị trường hiện nay là tốt để các quỹ đầu tư nước ngoài giải ngân vốn. Nhưng cũng phải nói thêm, mặt hàng trên TTCK VN hiện nay chưa thật đa dạng để các quỹ đầu tư giải ngân hết vốn ở VN.
Lý do 40% vốn của chúng tôi chưa được giải ngân hết do room đã hết. Tôi được biết Chính phủ VN cũng đang có kế hoạch mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu Chính phủ VN mở room, không những KIS mà các quỹ đầu tư nước ngoài khác cũng sẽ đổ vào thị trường VN lượng vốn khổng lồ.
Giá cổ phiếu niêm yết trên TTCK VN hiện đã điều chỉnh giảm tới 30%. Theo ông, đây có phải mức giá hợp lý để các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm chưa?
Giảm 30% theo tôi cũng đã là mức hợp lý để mua trong trường hợp thị trường không có khủng hoảng, biến động lớn. Bản thân tôi cho rằng, thành quả đạt được của doanh nghiệp niêm yết trên TTCK VN, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế VN vẫn duy trì ở mức cao, thì giá của các công ty niêm yết hiện nay là hợp lý, không quá đắt như nhiều người nhận định.
1,2 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam
Tại sao, KIS lại chọn thời điểm này để lập văn phòng tại Việt Nam?
Thực tế, tập đoàn của chúng tôi đã tham gia thị trường VN được 12 năm và đã có quan hệ với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm giao dịch Chứng khoán TP HCM. Chúng tôi đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của TTCK VN và đánh giá thị trường VN sẽ phát triển nhanh.
Đến giờ mới lập văn phòng đại diện vì chúng tôi cho rằng đã chọn đúng thời điểm để vào thị trường khi chứng khoán VN đang có sức hấp dẫn lớn với các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài. Thực tế, thì một quỹ chuyên đầu tư vào TTCK VN đã được lập ở TP.HCM 9/2006. Các quỹ đầu tư đều do công ty con của chúng tôi quản lý.
Hiện chúng tôi đầu tư vào thị trường VN qua hai quỹ dạng đóng và mở. Với quỹ dạng mở, hàng tháng vẫn có khoảng 20- 30 triệu USD được tiếp vào quỹ để đầu tư vào chứng khoán VN. Số vốn này sẽ còn tăng hàng tháng phụ thuộc vào triển vọng đầu tư vào thị trường.
Số vốn mà các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào TTCK VN hiện tại ra sao?
Tổng quy mô của các quỹ đầu tư Hàn Quốc vào TTCK VN hiện vào khoảng 1,2 tỷ USD. Trong đó, KIS chiếm tới 50%.
Nhà đầu tư Hàn Quốc thời gian qua đã rất quan tâm đến chứng khoán VN. Không chỉ đầu tư thông qua các quỹ, nhiều nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc đã trực tiếp đến VN tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội đầu tư và thực tế đã đầu tư vào VN. Tôi nghĩ với hoạt động kinh doanh rất tốt của các công ty niêm yết hiện nay, cộng với sự tăng trưởng tốt của nền kinh tế VN, dòng tiền từ Hàn Quốc và mức độ quan tâm của nhà đầu tư Hàn Quốc vào VN còn lớn hơn rất nhiều.
Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của mục tiêu đẩy mức vốn hoá trên TTCK VN lên 50% GDP vào năm 2010?
Theo tôi, mục tiêu này hoàn toàn khả thi. Mức độ vốn hoá trên TTCK sẽ gấp đôi mức vốn hoá hiện nay là điều hoàn toàn có thể. Với việc giá chứng khoán tăng, Chính phủ VN mở room cho NĐTNN, luồng vốn nước ngoài đổ vào lớn, thì 50% không khó để đạt được.
TTCK VN hiện tại giống TTCK Hàn Quốc giữa những năm 1980. Tổng vốn hoá của TTCK Hàn Quốc giữa những năm 80 chiếm 20% GDP. Nhưng chỉ trong vòng 2 năm sau đó, giá trị vốn hoá đã chiếm tới 50% GDP cùng tốc độ phát triển nhanh của kinh tế Hàn Quốc. Với thực tiễn phát triển thị trường Hàn Quốc, mục tiêu 50% GDP của TTCK VN không khó, hoàn toàn có thể đạt được.
KIS tin tưởng vào tương lai của chứng khoán VN. Đó cũng là lý do để KIS lập văn phòng đại diện đón đầu làn sóng mới và sự phát triển của chứng khoán VN.
"Tổng quy mô của các quỹ đầu tư Hàn Quốc vào TTCK VN vào khoảng 1,2 tỷ USD. Nhà đầu tư Hàn Quốc thời gian qua đã rất quan tâm đến chứng khoán VN". Ông Yu Sang Ho