Bình Dương: Nơi hội tụ công nghiệp chế biến gỗ

Hơn 6 năm về trước, công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Bình Dương gần như không có gì đáng kể khi mà kim ngạch xuất khẩu chỉ có 20 triệu USD mỗi năm. Nhưng giờ đây, theo bà Nguyễn Thị Điền, Giám đốc Sở Thương mại- Du lịch, Bình Dương đã có tới 368 doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu với vốn đầu tư gần 800 triệu USD. Gần như phần lớn các dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến gỗ của Việt Nam đều có mặt ở Bình Dương với 194 doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư 723 triệu USD, tập trung nhiều ở các khu công nghiệp thuộc huyện Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, thuận tiện trong vận chuyển nguyên phụ liệu từ cảng TPHCM về nhà máy và vận chuyển sản phẩm xuất khẩu từ nhà máy lên TPHCM. Hiện nay công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của tỉnh thu hút hơn 90.000 lao động và hàng năm bình quân 10.000-12.000 lao động.
 
Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty ScanCom Việt Nam.
 
Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Kaizer, doanh nghiệp 100% vốn của Đài Loan bắt đầu đầu tư giai đoạn 1 vào năm 2003 ở Bình Dương chỉ với 2.800 công nhân, chế biến và xuất khẩu 250 container sản phẩm gỗ mỗi tháng. Tháng 5 năm nay, công ty đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 3, có 7.000 công nhân tham gia chế biến và xuất khẩu hơn 1.000 container sản phẩm hàng tháng. Kim ngạch xuất khẩu của công ty cũng tăng từ 19 triệu USD trong năm 2005 lên 34 triệu USD và dự kiến năm nay tăng gấp đôi, lên gần 70 triệu USD.
 
Mặc dù Sở Thương mại- Du lịch Bình Dương đặt ra mục tiêu xuất khẩu gỗ của tỉnh trong năm nay đạt 944 triệu USD, chiếm 38% kế hoạch xuất khẩu của cả nước nhưng chỉ trong 7 tháng qua, các doanh nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh đã xuất khẩu được 600 triệu USD và con số vượt 1 tỷ USD trong năm nay đang nằm trong tầm tay, trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tỉnh. Bà Nguyễn Thị Điền cho biết, ngành thương mại tỉnh dự báo xuất khẩu đồ gỗ của tỉnh vào năm 2010 có thể đạt 2,8 tỷ USD, chiếm ít nhất 50% kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước.
Không chỉ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến gỗ như Kaizer của lãnh thổ Đài Loan, Stickley International của Hoa Kỳ, ScanCom của Đan Mạch, mà Bình Dương còn là địa bàn thu hút các nhà đầu tư vào chế biến gỗ trong nước đến từ TPHCM như Đức Thành, Saigon Furniture, Sophy, từ Bình Định, Đăk Lăk, Phú Yên. Hiện nay, nhiều công ty gỗ ở khắp nơi trong nước thường chọn Bình Dương đầu tư nhà máy, kho hàng để làm nơi hoàn thiện các khâu cuối cùng của sản phẩm và nhập kho chờ ngày xuất khẩu cho khách hàng nước ngoài.
 
Cũng như nhiều doanh nghiệp gỗ ở các địa phương khác của Việt Nam, các doanh nghiệp gỗ ở Bình Dương phụ thuộc vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Với tốc độ phát triển công nghiệp chế biến gỗ quá “nóng” như Bình Dương, thiếu nguyên liệu dẫn tới phát triển không bền vững, nhiều doanh nghiệp vì bí nguồn nguyên liệu sẽ trở thành các nhà máy gia công cho các nhà nhập khẩu lớn của nước ngoài. Để giải quyết vấn đề này, mới đây UBND tỉnh Bình Dương đã có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng chợ đầu mối giao dịch nguyên phụ liệu ngành gỗ, trong đó chủ lực vẫn là gỗ nguyên liệu.
 
Theo Bộ Công Thương, TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương giáp ranh nhau tạo thành trung tâm chế biến xuất khẩu đồ gỗ chủ lực của cả nước với kim ngạch năm 2006 của 3 địa phương là 1,3 tỷ USD, chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước, trong đó dẫn đầu là Bình Dương với 369 doanh nghiệp, có kim ngạch xuất khẩu 726 triệu USD; kế tới là TPHCM có 215 doanh nghiệp với kim ngạch xuất khẩu 306 triệu USD và Đồng Nai có 64 doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu 275 triệu USD. 
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây