Cơn địa chấn nào đã làm chứng khoán Việt Nam dậy sóng?

Vậy thì cơn địa chấn nào đã làm chứng khoán Việt Nam dậy sóng như vậy, trong khi trước đó có mấy ngày, không khí ảm đạm vẫn phảng phất khắp các sàn giao dịch mà ở đó có không ít những gương mặt u buồn, sốt ruột?

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng theo nhìn nhận của ATPvietnam thì nổi bật nhất và gây chấn động đầu tiên phải kể đến sự thăng hoa của hàng loạt cổ phiếu ngành ngân hàng, mà điển hình nhất là cổ phiếu Sacombank (STB).

Với số lượng niêm yết lớn nhất thị trường, cổ phiếu này đã tăng mạnh liên tiếp sau khi có những báo cáo tốt về triển vọng ngành ngân hàng. Tiếp ngay sau đó, thông tin về việc Sacombank đoạt giải Ngân hàng thanh toán xuất sắc 2007 do Bank of America trao tặng lại càng khiến cổ phiếu STB lại được săn lùng ráo riết, do đó đã nhiều lần tăng lên mức kịch trần với khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường trong nhiều phiên liền.

Cùng với đó là tin đồn về việc Vietcombank sẽ bán cho đối tác nước ngoài với giá 200.000đ/cp cũng khiến đẩy giá cổ phiếu Sacombank cũng như cổ phiếu các ngân hàng bên sàn Hà Nội và cả thị trường OTC được dịp thăng hoa sau chuỗi ngày lặn ngụp dưới những mức giá mà các cổ đông gọi là đáng buồn bực.

Nhưng cổ phiếu ngành ngân hàng mới chỉ là ngòi nổ. Cơn địa chấn lần này được tạo ra một phần rất lớn có sự góp sức của những cổ phiếu mới niêm yết.

Biểu hiện rõ nét nhất là sự xuất hiện nhiều hàng hoá mới có sức hấp dẫn cao đối với các nhà đầu tư như Vincom (VIC), Petropetco (PET) ở sàn HOSE hay Xi măng Sài Sơn (SCJ) ở sàn HN… Những cổ phiếu lớn và đầy triển vọng này rõ ràng có khả năng giúp TTCK phát triển mạnh mẽ về mặt quy mô cũng như chất lượng, do đó, đã thổi bùng lên niềm hy vọng không nhỏ của các nhà đầu tư.

Rõ ràng, thị trường dường như đã được thay đổi không khí với những làn gió mát lành tạo nên bởi những cổ phiếu mới niêm yết, những cổ phiếu được coi là "hàng hiệu".

Nhân tố thứ 3 tạo nên cơn địa chấn lần này không thể không kể đến những động thái của các tay chơi tạo lập thị trường. Sự tăng điểm mạnh mấy hôm nay rõ ràng có phần bắt nguồn từ hàng loạt các dự báo về triển vọng thị trường trong thời gian tới.

Chẳng hạn, ông Fiachra Mac Cana, giám đốc điều hành Cty VinaSecurities cho rằng thị trường sẽ tiến lên mức 1.100 điểm đến 1.150 điểm trong thời gian tới. Chuyên gia này còn cho biết giá cổ phiếu trên cả thị trường niêm yết và OTC đều đang ở mức hợp lý để có thể mua vào.

Cùng lúc, lãnh đạo các công ty chứng khoán đều tỏ ra rất lạc quan đối với tình hình thị trường hiện tại và những dự đoán tích cực của họ ít nhiều đã và đang ảnh hưởng tới tâm lý thị trường.

Đó là về ngắn hạn.

Thị trường sở dĩ tăng mạnh rồi duy trì và tiếp tục leo dốc, phá những mức cản kỹ thuật lại là nhờ một lý do căn bản khác. ATPvietnam.com cho rằng thị trường được đẩy lên chóng vánh nhưng trụ lại được lâu sau đó thì phải cần yếu tố khác. Nội lực.

Đó là việc hầu hết các doanh nghiệp có mặt trên sàn chứng khoán TP.HCM và HN đều đang hoạt động rất tốt. Đặc biệt, trong số đó, có rất nhiều doanh nghiệp thường có kết quả kinh doanh tốt hơn trong quý 3 và 4. Đây là cơ sở để các cổ phiếu này có thể tiếp tục tăng.

Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài - một thế lực dẫn dắt TTCK Việt Nam trong vài năm qua - gần đây vẫn đang đẩy mạnh mua vào các cổ phiếu blue-chips Việt Nam.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó giám đốc điều hành của VinaCapital thì hé lộ "tin tốt có giá trị lâu dài" rằng chứng khoán Việt Nam hiện vẫn đang và sẽ luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã được chứng minh khi gần đây Cty chứng khoán KIS của Hàn Quốc đã quyết định đầu tư đến 700 triệu USD để thành lập một quỹ đầu tư chứng khoán ở Việt Nam, hay Cty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Manulife VN dự định sẽ dành đến 95% số vốn cũa quỹ đầu tư tăng trưởng vừa huy động được để đầu tư vào cổ phiếu VN.

Bên cạnh đó, TTCK thế giới mặc dù vẫn còn biến động lên xuống thất thường trong vài phiên gần đây nhưng nhìn chung đã hồi phục, đặc biệt sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất cơ bản từ 5,25% xuống 4,75%/năm.

Tóm lại, TTCK Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ trở lại nhờ vào rất nhiều cơ sở vững chắc như: kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tốt, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển ổn định, các dự báo đưa ra gần đây đều rất tích cực, tâm lý các nhà đầu tư đã tốt lên rất nhiều và vì vậy họ đã mạnh dạn quay lại và mua vào cổ phiếu.

Tuy vậy, vẫn còn đó một vài nhân tố có thể ảnh hưởng trực tiếp khiến giá cổ phiếu đi xuống. Đó là, giá dầu và vàng thế giới đang tăng rất mạnh. Nếu giá 2 mặt hàng này lên quá cao, giá chứng khoán trên thế giới sẽ giảm xuống và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu thế chung đó.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây