Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) kiêm Giám đốc chi nhánh Vietcombank Tp.HCM vừa có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề trên. Ông nói:
- Ở Vietcombank không có chuyện khan hiếm ngoại tệ vì vốn cho vay bằng ngoại tệ vẫn thấp hơn 50% tổng nguồn huy động. Về mua bán ngoại tệ, chi nhánh Tp.HCM bán ra khoảng 400 triệu USD/tháng và mua vào cũng chừng đó, chúng tôi cân đối được cung cầu.
Vào những thời điểm tỷ giá tăng mạnh, cũng có ngày chúng tôi thiếu hụt chút ít do nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tăng đột biến, nhưng nhìn chung chưa đến mức phải mua của Ngân hàng Nhà nước.
Còn các ngân hàng khác, theo chỗ tôi biết, một số thiếu ngoại tệ cho vay. (Doanh nghiệp thích vay ngoại tệ vì lãi suất vay ngoại tệ, cộng cả biến động tỷ giá, vẫn thấp hơn vay tiền đồng). Họ cho vay ngoại tệ tới 70% tổng nguồn vốn huy động, trong khi nguồn vốn huy động ngoại tệ lại thấp hơn 50% tổng nguồn huy động (cả bằng USD và tiền đồng). Chính vì thế vừa qua có hiện tượng nhiều tổ chức tín dụng đua nhau tăng lãi suất tiền gửi USD.
Như vậy là có “sốt” ngoại tệ, nhưng không phải “sốt” mua bán ngoại tệ hàng ngày, mà là “sốt” huy động và cho vay bằng USD?
Đúng thế. Các ngân hàng đang trong tình trạng huy động vốn bằng tiền đồng thì lỗ, bằng ngoại tệ thì lời.
Lỗ vì ba lý do: thứ nhất Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tăng dự trữ bắt buộc. Phần dự trữ này được Ngân hàng Nhà nước trả lãi, nhưng quá mức dự trữ thì không được trả xu lãi nào. Thứ hai ngân hàng bị hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán ở mức 3%. Thứ ba lãi suất giao dịch tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đang thấp kinh khủng. Trong mấy năm gần đây, chưa bao giờ thấp như vậy. Cả ngân hàng cổ phần cũng đang thừa tiền đồng.
Trong khi đó lãi suất USD ở nước ngoài vẫn cao hơn lãi suất ngoại tệ huy động trong nước. Do đó các ngân hàng tiếp tục đẩy lãi suất tiết kiệm bằng USD lên. Giả sử cho vay ngoại tệ trong nước không được, đem gửi nước ngoài, họ vẫn lời mà lại an toàn.
Thưa ông, bây giờ càng huy động tiền đồng càng lỗ, nhưng có ngân hàng vẫn nâng lãi suất tiết kiệm đồng nội tệ. Vì sao?
Vì đối với họ dư thừa tiền đồng chỉ là tạm thời. Về lâu dài họ vẫn cần phải huy động tiền để giữ nguồn vốn, chấp nhận lỗ. Họ ở đây là một số ngân hàng cổ phần, nhất là những ngân hàng nhỏ. Nếu lãi suất tiết kiệm tiền đồng của họ bằng lãi suất huy động của ngân hàng quốc doanh, thì người dân và cả doanh nghiệp sẽ gửi tiền ở các tổ chức tín dụng nhà nước. Ngoài ra, những ngân hàng kể trên buộc phải làm thế để giành thị phần.
Ông dự báo thế nào về lãi suất tiền đồng từ nay đến cuối năm?
Lãi suất tiền đồng sẽ giữ ở mức hiện nay, không có đột biến vì nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân quí 4 thường cao, các ngân hàng sẽ cho vay ra được.
Thế còn lãi suất huy động thì sao, thưa ông?
Ngân hàng phải giữ lãi suất tiết kiệm không giảm nữa để huy động được tiền của dân. Lãi suất xuống thấp quá, người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng. Yếu tố quan trọng nhất sẽ giữ lãi suất ở mức hiện tại là Nhà nước đang cố gắng kiềm chế giá cả, kiểm soát lạm phát.
Chúng ta đang đứng ở một giao điểm khó là tăng trưởng và lạm phát. Trong trường hợp kiểm soát được lạm phát, liệu có thể đạt mức tăng trưởng như mong muốn? Việc huy động và cho vay của ngân hàng, theo ông, sẽ tác động ra sao đến giao điểm này?
Tôi nghĩ cần hai giải pháp lớn. Thứ nhất, chất lượng tín dụng của ngân hàng phải tốt. Tăng trưởng cao mà tín dụng xấu thì hỏng. Định hướng Chỉ thị 03 về cho vay chứng khoán là đúng, nhưng vấn đề 3% cần được nghiên cứu thêm. Thứ hai, đầu tư chung của xã hội phải hiệu quả, tăng trưởng phải biết tăng ở lĩnh vực nào, có hợp lý không.
Ông có thể giải thích rõ hơn?
Vốn ngân hàng đưa ra phải chảy vào sản xuất, phục vụ đời sống người dân, chứ không phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Đầu tư vào hạ tầng tạo ra tăng trưởng GDP nhanh, nhưng hiệu quả chậm, không tạo ra ngay được của cải vật chất, nghĩa là không tạo điều kiện để rút tiền về, tiền vẫn nằm trong lưu thông và ảnh hưởng ngay tới lạm phát.
Vốn ngân hàng đổ vào các dự án hạ tầng hiện đang ở mức nào, thưa ông?
Không quá 10% tổng dư nợ. Nhiều ngân hàng đang giảm cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng. Vietcombank chỉ chọn những dự án hạ tầng có thời gian thu hồi vốn ngắn.
Quay trở lại câu chuyện ngoại tệ, dự báo của ông về tỷ giá trong những tháng còn lại của năm?
Có thể có hiện tượng chuyển dịch tiết kiệm từ tiền đồng sang ngoại tệ. Sáu tháng đầu năm tỷ giá được kiềm chế, nên hiện tượng chuyển dịch không diễn ra. Song, nếu lãi suất tiền gửi ngoại tệ tiếp tục tăng, tỷ giá tăng, thì sự chuyển dịch sẽ là tất yếu.
Có chuyển dịch hay không và chuyển dịch đến mức nào phụ thuộc vào lãi suất USD cộng tỷ giá lớn hơn, bằng hay thấp hơn lãi suất tiền đồng. Sự chuyển dịch, một khi xảy ra, sẽ không có lợi cho chủ trương chống đô la hóa nền kinh tế.
Trong quí 1/2007 tiền đồng lên giá 0,3% so với USD (so với cuối năm 2006), nhưng đến đầu tháng 9/2007 USD lại tăng 1,3% so với tiền đồng. Tính ra trong 5 tháng qua, mà chủ yếu trong tháng 8, USD đã làm một cuộc “lật đổ” ngoạn mục, tăng 1,6% so với tiền đồng. Ông nhìn nhận sự “đổi ngôi” này như thế nào?
Nếu cả năm tỷ giá tăng 2%, nhưng tăng rải đều trong năm, thì cũng không có vấn đề gì. Sự tăng rải đều sẽ không gây ra đột biến về tâm lý. Tỷ giá tăng nhanh trong một thời gian ngắn như vừa qua tạo tâm lý không tốt, doanh nghiệp có thể găm ngoại tệ lại.
Ngân hàng Nhà nước mua thêm 7 tỉ USD dự trữ có vẻ cũng muốn kinh doanh. Tất nhiên tỷ giá tăng là khuyến khích xuất khẩu, nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước phải bán ra giá cao, thì cũng có lời. Tôi nghĩ quản lý ngoại hối phải thoát khỏi kinh doanh.
Giả sử cuối năm thị trường chứng khoán “ấm” trở lại, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào nhiều nữa, đồ thị tỷ giá sẽ lên hay xuống, thưa ông?
Ở mảng giao dịch ngoại tệ hiện USD đang tạm thời thừa vì các quỹ đầu tư nước ngoài đã chuyển tiền vào, chờ các đợt IPO lớn. Nếu giá chứng khoán hợp lý, họ sẽ mua, tiền tệ sẽ lưu chuyển tốt. Bài toán mua ngoại tệ - bán trái phiếu, tín phiếu vẫn phải tiếp tục, vấn đề là hài hòa để ngoại tệ ra - vào với tỷ giá hợp lý, có lợi cho doanh nghiệp, ngân hàng và đất nước.
Tôi muốn nhấn mạnh giá cả tăng, tỷ giá tăng là “cơn đại hồng thủy” đối với ngân hàng. Sự chuyển dịch vốn từ tiền đồng sang ngoại tệ sẽ làm mất cân đối nguồn vốn ngân hàng, gây thiếu tiền đồng trong ngân hàng, thừa tiền đồng trong xã hội. Lúc đó ngân hàng sẽ vô cùng khó khăn.
Ngân hàng Nhà nước vừa có một động thái đúng là đang dự thảo xem xét thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ, hòng giảm bớt “sốt” vay đô la, chặn đầu ra, tạo tiền đề giảm tỷ giá. Tỷ giá, tóm lại, sẽ không tăng mạnh vào cuối năm.