![]() |
Giá USD tăng khiến các doanh nghiệp nhập khẩu khốn đốn - Ảnh: Nghĩa Phạm |
Lỗ nặng
Ông Mai Anh Tài, Phó giám đốc Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1, cho biết mỗi tháng công ty nhập khoảng 150.000 tấn clinker, tổng trị giá khoảng 7,3 triệu USD. Doanh nghiệp này phải mua USD để thanh toán hàng nhập khẩu với tỷ giá khoảng 17.300 đồng/USD, tăng 1.000 đồng so với giá mua USD vào đầu tháng 5, do đó số tiền mà Hà Tiên 1 phải chi ra thêm là hơn 700 triệu đồng mỗi tháng cho riêng khoản nhập clinker. "Giá bán xi măng không thể điều chỉnh tăng lên trong khi chi phí đầu vào lại đội lên mạnh như thế này, tình hình kinh doanh của chúng tôi càng thêm khó khăn. Đó là chưa kể giá nhập khẩu clinker cũng rục rịch tăng", ông Tài nói. Một doanh nghiệp khác tại Cần Thơ chuyên nhập khẩu bã đậu nành, bao bì... cho biết vừa nhập khẩu một lô hàng trị giá 2,5 triệu USD. Số hàng này trước đó doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán lại cho khách hàng trong nước bằng tiền đồng Việt Nam và được chốt ở mức tỷ giá 16.500 đồng/USD. Giám đốc doanh nghiệp này cho biết tỷ giá bán đã tính trượt giá rồi nhưng không ngờ giá USD lại lên quá nhanh. Cách đây 2 ngày, ông đã phải mua USD để thanh toán với giá 17.700 đồng/USD. Như vậy trong hợp đồng này, chỉ tính riêng phần chênh lệch tỷ giá ông đã bị lỗ 3 tỉ đồng.
Đại diện Công ty T.Đ.P.S cho biết, công ty cần hơn 80.000 USD để thanh toán 2 tờ khai nhập khẩu hàng. Tỷ giá USD thực mà doanh nghiệp phải trả là 17.500 đồng/USD (trong khi giá USD ngân hàng niêm yết 16.278 đồng/USD - PV). Với mức chênh lệch hơn 1.000 đồng/USD, doanh nghiệp lỗ 80 triệu đồng. "Một lô hàng trước khi nhập về thì đã bán cho một doanh nghiệp khác trong nước. Giá bán hàng đã được chốt trước đó với giá USD theo giá ngân hàng niêm yết. Thế nhưng tỷ giá USD biến động 7% - 10% mà công ty chỉ lời có 5% thì lỗ là cái chắc", một doanh nghiệp trên đường Sương Nguyệt Ánh, Q.1, TP.HCM cho hay.
Cần thiết bảo hiểm tỷ giá
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, bản thân ngân hàng cũng phải huy động USD ở giá cao nên buộc phải bán ra cho doanh nghiệp với mức cao. Một số ngân hàng hiện đang triển khai các công cụ bảo hiểm tỷ giá dành cho các doanh nghiệp. Thế nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia mua bảo hiểm tỷ giá còn "đếm trên đầu ngón tay". Theo kết quả khảo sát của trường ĐH Kinh tế TP.HCM về tình hình sử dụng các công cụ bảo hiểm tỷ giá của các doanh nghiệp, nhận thức của các doanh nghiệp về những công cụ này gần như không có. TS Trần Ngọc Thơ, Phó khoa Tài chính doanh nghiệp trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết tỷ giá trong thời gian qua không biến động nhiều, bởi thế các doanh nghiệp đã không chú ý sử dụng các công cụ phòng ngừa sự biến động về tỷ giá. Đây là rủi ro khá lớn cho doanh nghiệp. Với sự biến động của tỷ giá như hiện nay, bản thân doanh nghiệp cần có bộ phận quản trị rủi ro này.
"Phí sử dụng các công cụ bảo hiểm tỷ giá cũng là một trong những yếu tố khiến các doanh nghiệp không sử dụng các công cụ này. Các doanh nghiệp cũng không biết ngân hàng định phí mua các công cụ này trên cơ sở nào nên ngại mua. Chính vì vậy, cần phải có một tổ chức độc lập tư vấn cho doanh nghiệp về các mức phí mua bảo hiểm tỷ giá. Ngoài ra, các loại phí mua bảo hiểm tỷ giá cần được pháp luật cho phép hạch toán vào chi phí và được cơ quan thuế chấp nhận", TS Trần Ngọc Thơ nhận định và cũng cho biết qua cuộc khảo sát, một số doanh nghiệp đã sử dụng các công cụ bảo hiểm tỷ giá thì họ vẫn tiếp tục sử dụng cho những lần sau.