Doanh nghiệp sau cổ phần hóa: Vẫn điều hành "kiểu nhà nước"!

 

Vinamilk có trình độ quản trị doanh nghiệp khá tốt sau khi cổ phần hóa - Ảnh: D.Đ.Minh

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp - VCCI, việc áp dụng mô hình quản trị hiện đại trong tái cấu trúc doanh nghiệp (DN) sau cổ phần hóa là một thách thức lớn. Hiện nay, sau cổ phần hóa, nhiều DN vẫn dùng mô hình quản lý cũ, con người cũ. Mô hình này không đem lại hiệu quả. "Trình độ, năng lực cán bộ lãnh đạo công ty cổ phần hầu hết vẫn không thay đổi. Chuyển từ DN nhà nước sang, nhiều công ty cổ phần vẫn điều hành giống hệt như công ty nhà nước. Bên trên, giám đốc vẫn quyết sạch, không nghe ai, không coi cổ đông ra gì. Có công ty 2 năm chưa họp đại hội cổ đông, vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp", ông Tuấn nhận định.

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã quản lý vốn ở 850 DN, với giá trị sổ sách 7.500 tỉ đồng, chủ yếu tiếp nhận vốn ở công ty cổ phần. Tổng giá trị vốn hóa thị trường hiện nay khoảng 20.000 tỉ. Có 150 DN từ các bộ, ngành chuyển sang và 700 DN từ các địa phương, vốn điều lệ bình quân dưới 10 tỉ đồng. (Nguồn: SCIC)

Đại diện cho cổ phần nhà nước trong các DN, ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đã nêu lên thực trạng đáng lo ngại về việc quản lý vốn tại các DN nhà nước sau cổ phần hóa. Về quản trị, ông Học cho rằng: "Trong các DN nhận bàn giao, chỉ 2 - 30% quản trị phù hợp như trường hợp của Vinamilk, còn lại đa số quản trị không tốt". Những tồn tại về tài chính được ông Học nêu ra như: lãnh đạo không báo cáo hết khi chuyển giao nên cổ đông mới phải gánh những gánh nặng, nợ không có khả năng thu hồi, tài sản kém giá trị. Các DN cũng "học tập" các tập đoàn: đầu tư chéo, đầu tư đa ngành, chứng khoán, bất động sản... nhưng quản trị còn yếu nên rủi ro rất lớn. Bên cạnh đó là tình trạng một nhóm cổ đông áp đặt, bỏ quên quyền lợi chính đáng của cổ đông nhỏ, "thôn tính" DN... Ông Học cũng nêu một thực trạng bất bình đẳng trong đối xử của cơ quan nhà nước với công ty cổ phần. Khi còn là DN Nhà nước, đi vay, hoặc cấp đất đai khá dễ dàng, sau khi chuyển sang công ty cổ phần thì bị rà soát lại, thu hồi đất, vay ngân hàng cũng khó khăn hơn...

Ông Thomas Lanyi, Giám đốc quỹ VAF của Mekong Capital nhận định, VN có những DN lớn giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế. Nhưng tình hình biến đổi, DN dẫn đầu vẫn có thể bị tụt hậu nếu không thay đổi quản trị, tận dụng cơ hội để đổi mới, phát triển.

Với các công ty cổ phần (nhà nước), yếu tố chính không hẳn là vốn, mà là quản trị DN. Vai trò của các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư với tái cơ cấu DN cổ phần hóa rất quan trọng. Vai trò điển hình của các tổ chức này là: đưa quản trị, đưa nhà đầu tư vào góp vốn, liên doanh, liên kết, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực quản lý.

Đề cập đến việc bán bớt cổ phần của Nhà nước hiện nay, ông Học cho rằng đây là một vấn đề lớn, vấn đề là xác định thời điểm. Và ông Học nhận định: thời điểm hiện nay là bất lợi!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây