Dồn sức cho sản xuất, kiềm chế nhập siêu

Việc đảm bảo cung ứng điện của EVN gặp khó khăn khi nhiều nguồn điện chậm tiến độ đưa vào vận hành hoặc bị sự cố.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tham dự hội nghị cũng đã chỉ rõ: Đây là năm rất khó khăn cho sản xuất công nghiệp (SXCN) do mục tiêu tăng trưởng phải giữ vững để đảm bảo các cân đối vĩ mô và an sinh xã hội; bởi vậy dù khó khăn, cả cơ quan quản lý và DN đều phải đồng lòng, quyết tâm thực hiện cho được nhiệm vụ tăng trưởng sản xuất, kiềm chế nhập siêu và ổn định các mặt hàng thiết yếu.
 
Tăng trưởng trong khó khăn
 
Nhiều ngành hàng sản xuất CN có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây, 6 tháng đầu năm nay cũng đã "nếm mùi" khó khăn.
 
Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) Phạm Lê Thanh than thở: "Chưa năm nào tình hình cung - cầu vốn cho các dự án điện lại khó khăn như năm nay. 6 tháng đầu năm, EVN bị thiếu hụt nguồn vốn tự có tới 3.700 tỷ đồng do các nhà máy điện đã cổ phần hoá (CPH) nhưng không IPO được; vốn vay thương mại thiếu khoảng 11.800 tỷ đồng do các NHTM huỷ cam kết khiến hàng loạt dự án điện có nguy cơ đình đốn.
 
Trong 6 tháng, EVN phải mua ngoài sản lượng điện lên đến 37% tổng sản lượng điện cung ứng, trong khi giá điện vẫn chưa được tăng theo lộ trình nên càng mua nhiều điện giá cao, lỗ càng lớn. Việc đảm bảo cung ứng điện càng khó khăn hơn khi nhiều nguồn điện chậm tiến độ đưa vào vận hành hoặc bị sự cố, khiến hệ thống thiếu hụt từ 1.500-2.500MW phủ đỉnh.
 
Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo lại nêu những khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Theo chỉ đạo của Chính phủ, 6 tháng đầu năm, Petrolimex tuân thủ việc không tăng giá bán, song do giá NK các sản phẩm xăng dầu thế giới tăng cao, tính bình quân tăng 67% (chênh lệch tới 20% so với giá dầu thô) nên trong 6 tháng kim ngạch NK xăng dầu đã lên tới 3,3 tỷ USD. Tuy nhiên ngoài việc bù lỗ cho mặt hàng dầu, thì riêng mặt hàng xăng trong 6 tháng các DN đầu mối đã có số lỗ lên tới 1.800 tỷ đồng, nhưng cơ chế bù lỗ chưa rõ ràng.
 

Tại hội nghị một trong những băn khoăn của các DN dệt may, thép và một số sở công thương các địa phương về việc làm thế nào để đảm bảo sản xuất trong tình hình thiếu điện.
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Ngay trong tuần tới, EVN phải làm việc với Tập đoàn Dầu khí để đôn đốc nhà thầu làm ngày, làm đêm. "Phải đưa trở lại các tổ máy điện Cà Mau 1 vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Thậm chí, yêu cầu nhà thầu rút ngắn thời gian thí nghiệm các tổ máy để phát điện đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế.
Các ngân hàng có tâm lý e ngại đối với các mặt hàng lỗ nên có khả năng DN khó cân đối được tín dụng để NK. Ông Bảo đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ có giải pháp đối với mặt hàng dầu, cần làm rõ cơ chế bù lỗ để DN chủ động kinh doanh và đảm bảo nguồn cung.

 
Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu
 
Những khó khăn trong nửa đầu năm nay được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá mới chỉ là "bước khởi đầu". Dự báo trong 6 tháng cuối năm, tình hình sẽ còn có khả năng gay go hơn. Đặc biệt, thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu, để hạn chế những tác động bất lợi đến nền kinh tế, Chính phủ chủ trương khống chế mức nhập siêu chỉ khoảng 20 tỷ USD. Nghĩa là từ nay đến cuối năm, mức nhập siêu (NS) cho phép chỉ khoảng 700 triệu USD/tháng (so với 3 tỷ USD những tháng đầu năm) là một nhiệm vụ rất nặng nề.
 
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ, 6 tháng cuối năm, các DN phải đạt mục tiêu XK tăng 28% so với mức 25% kế hoạch ban đầu; tiếp tục rà soát, cắt giảm các công trình đầu tư xây dựng kém hiệu quả, tập trung vốn cho các dự án có thể hoàn thành ngay trong năm.
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Một trong những giải pháp quan trọng của bộ là tập trung quyết liệt đẩy mạnh sản xuất, giữ vững cung - cầu các mặt hàng thiết yếu và kiềm chế tốc độ tăng giá của các mặt hàng này.
 
Bộ trưởng chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí VN phải đảm bảo mục tiêu khai thác đạt kế hoạch 16 triệu tấn dầu thô trong năm nay...; Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản VN (TKV) giữ bình ổn giá than cho các hộ tiêu thụ nội địa; Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đảm bảo cung cấp điện trong mọi tình huống, hạn chế tối đa việc cắt điện, cắt điện phải báo trước...
 
Bộ Công Thương đã giao một thứ trưởng và đầu mối là Cục Điều tiết điện lực giám sát việc đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây