Tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay đang đẩy một số doanh nghiệp vào tình thế phải bán tài sản doanh nghiệp cho các đối tác nước ngoài với giá thấp hơn nhiều so với thời điểm cách đây không lâu. Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch của Pepsi Co. Việt Nam và có ghế trong hội đồng quản trị của một số công ty trong nước nói: “Đây là cơ hội cho các công ty nước ngoài mua các doanh nghiệp trong nước với giá rẻ. Nếu trước đây một công ty có đến 4, 5 nhà đầu tư muốn mua mà không bán, thì nay một nhà đầu tư nước ngoài vào có tới cả chục công ty trong nước để lựa chọn”.
Trong nước muốn "tiền tươi"
Đối mặt với sức ép từ các định chế tài chính và việc duy trì, phát triển doanh nghiệp, bảo đảm thị phần, đây là lúc nhiều doanh nghiệp cần các nguồn vốn đầu tư “tiền tươi thóc thật”. Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng đây là thời điểm giá tài sản doanh nghiệp Việt Nam đã trở lại mức thực tế, và nhìn về dài hạn là rất tốt để mua. Nhiều giám đốc các quỹ đầu tư nước ngoài coi đây là thời điểm rất tốt để đầu tư vào các công ty chưa niêm yết.
Theo ông Nguyễn Trung Hà, Chủ tịch HĐQT CTCK Thiên Việt, có rất nhiều nguồn tiền nước ngoài rình rập đang đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút được những nguồn tiền này cần nhanh chóng đưa tình hình kinh tế vĩ mô vào trạng thái ổn định, không gây sốc trên thị trường tài chính. Bên cạnh đó, yếu tố then chốt nữa là sức hấp dẫn của doanh nghiệp. Nhà đầu tư nước ngoài nhắm vào những lĩnh vực mạnh và nhiều tiềm năng, doanh nghiệp có chiến lược và đội ngũ quản trị tốt.
Có thể thấy vẫn liên tục có các công bố mới về các khoản đầu tư mới. Chẳng hạn, Sumimoto Mitsui Banking Corp. của Nhật mua 15% cổ phần của ngân hàng Eximbank với giá 225 triệu USD, BankInvest bỏ 9,6 triệu USD vào ICP… Thông thường đây là những hợp đồng đã được bàn thảo từ lâu và mới được quyết định vào thời điểm gần đây.
Một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực ô tô mới giành được một cam kết bán gần 20% cổ phần công ty cho một nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chưa công bố chính thức vì phải chờ đến khi “tiền được chuyển vào tài khoản” mới dám chắc là đã bán được. Nhìn chung, tình hình khó khăn hiện tại đem đến cho các nhà đầu tư nước ngoài một lợi thế rất lớn trong thương thuyết. Các doanh nghiệp trong nước khó có thể “chảnh”, hoặc “tham lam” như trước nữa, nói như một nhà quản lý quỹ nước ngoài.
Nước ngoài nhìn dài hạn
Đa số các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có tầm nhìn dài hạn rất lạc quan về tình hình Việt Nam. Công ty General Electric từ lâu đăng ký thành lập Công ty tài chính GE Money, mới đây mới được Chính phủ cấp phép, cùng với một giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện máy phát điện. GE Money rất mạnh về cho vay tiêu dùng, nhưng việc đầu tư quy mô vào các dịch vụ tại Việt Nam cũng không thể diễn ra ngày một, ngày hai, chắc chắn là khó có thể triển khai trong tình hình tín dụng hiện tại. ANZ Việt Nam cũng vừa nhận được sự đồng ý về nguyên tắc để thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Mặc dù quá trình cho đến khi nhận được giấy phép chính thức có thể còn dài, ANZ đang triển khai thêm 4 địa điểm mới, cho thấy quyết tâm phát triển thị phần mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn chung của ngành tài chính.
Cần vốn nhất hiện nay là các doanh nghiệp địa ốc. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng siết chặt quy định khiến rất nhiều công ty phát triển địa ốc đang đối mặt với mối đe doạ bị thu hồi dự án. Thế nhưng, ngay cả khi giá đang xuống ở mức thấp hơn trước thì cũng “không có chuyện các tập đoàn nước ngoài xông vào mua”, theo quan sát của ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam, một công ty Malaysia đang đầu tư mạnh trong lĩnh vực bất động sản “Nhà đầu tư nước ngoài thận trọng vì những yếu tố bất lợi về kinh tế... trong khi nhu cầu giảm, người mua rất ít”, ông Nam cho biết. Ông Nam cho rằng, có nhiều tập đoàn nước ngoài đang chờ đợi để đổ bộ vào Việt Nam với “mức giá hợp lý” bởi doanh nghiệp Việt Nam ít sự lựa chọn hơn nhưng họ chỉ tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng lớn về dài hạn như bán lẻ, du lịch khách sạn, dịch vụ tài chính và bất động sản.
Các doanh nghiệp cho rằng đây là thời điểm Chính phủ nên tạo điều kiện thuận lợi hết mức cho nhà đầu tư nước ngoài giải ngân nguồn vốn trong những dự án có sẵn. Những nhà đầu tư lớn như Berjaya, theo ông Nam, nhìn nhận thị trường sẽ tốt trong vòng hai năm tới và vẫn duy trì tốc độ đầu tư những dự án họ mới được cấp phép.