Khi ngân hàng “cho không” cổ phiếu

Thị trường chứng khoán ảm đạm, nhiều ngân hàng chọn cách "cho không" chứng khoán thưởng để tăng vốn điều lệ thay vì bán chứng khoán ra thị trường. Ảnh: L.Q.N

Khác với những gì thị trường dự báo là năm nay ngân hàng sẽ thận trọng đối với cuộc đua tăng vốn, vì giá cổ phiếu liên tục sụt giảm và không đủ hấp lực để hút nhà đầu tư thì trong kỳ đại hội cổ đông thường niên diễn ra mới đây nhiều ngân hàng trình kế hoạch tăng vốn điều lệ.

“Cho không” cổ phiếu

Hầu hết các ngân hàng đều thực hiện kế hoạch phát hành không cho cổ đông đang sở hữu cổ phiếu ngân hàng dưới hình thức thưởng. Cụ thể, trong nguồn vốn tăng thêm 2008, Eximbank phát hành trên 297 triệu cổ phiếu (tương ứng khoảng 2.971 tỉ đồng mệnh giá 10.000 đồng) từ quỹ thặng dư vốn điều lệ năm 2007 để thưởng không cho cổ đông hiện hữu đến ngày chốt danh sách cổ đông, theo tỷ lệ 67,9%.

Ngoài việc chia cổ tức 2007 là 20% bằng cổ phiếu, năm nay VietA Bank còn thưởng thêm 20% cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu và phát hành thêm 40% trái phiếu chuyển đổi, với giá 10.000 đồng/trái phiếu.

DongA Bank sẽ phát hành 1.280 tỉ đồng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư phát hành năm trước để lại (tương đương 128 triệu cổ phiếu bằng 80% tổng cổ phiếu phát hành thêm năm 2008). Cổ đông đang sở hữu 10 cổ phiếu DongA Bank sẽ được nhận thêm 8 cổ phiếu mới mà không phải trả thêm một đồng nào. Bên cạnh đó, cổ đông còn được hưởng thêm 17% cổ tức năm 2007.

ACB chia 55% cổ tức bằng cổ phiếu; Sacombank phát hành thêm 1.600 tỉ đồng cho cổ đông hiện hữu, với ưu đãi 15.000 đồng/cổ phiếu và chia cổ tức 15% để tăng vốn lên 6.049 tỉ đồng…

Vì sao?

DongA Bank phát hành thêm 1.400 tỉ đồng (tương đương 140 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng) tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng so với vốn điều lệ hiện hữu 1.600 tỉ đồng.

Đại hội cổ đông Eximbank cũng thông qua kế hoạch tăng vốn từ 2.800 tỉ đồng lên 7.380 tỉ đồng năm 2008, gần gấp ba lần so với mức vốn hiện tại.

ACB tăng vốn từ 2.630 tỉ đồng lên trên 6.355 tỉ đồng trong năm 2008.

HDBank tăng vốn từ 1.000 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng.

VietA Bank cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn từ 1.000 tỉ đồng lên 1.400 tỉ đồng trong năm nay.

Theo ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc DongA Bank, việc tăng vốn nhằm tăng tốc phát triển trong năm nay cũng như thực hiện chiến lược trở thành ngân hàng tốt nhất Việt Nam trong năm 2010.

Ông Bình cho biết, để góp phần hoàn thành chiến lược đề ra, nhằm đạt số dư huy động vốn bình quân tăng 92% và dư nợ tín dụng tăng khoảng 30% so với 2007, DongA Bank đã đưa ra kế hoạch trên. Với nguồn vốn tăng thêm này DongA Bank sẽ dùng vào việc thành lập sở giao dịch tại Hà Nội cùng với các chi nhánh, phòng giao dịch mới, nâng tổng số điểm giao dịch lên 200 điểm, tăng 130 đơn vị so với năm 2007. DongA Bank sẽ có mặt tại 48 tỉnh, thành trên cả nước trong năm 2008, đồng thời hoàn thành một số công trình xây dựng trụ sở, chi nhánh ngân hàng tại các tỉnh.

Ông Phạm Văn Thiệt, tổng giám đốc Eximbank cho biết, hiện các chỉ tiêu và quy định trong việc cung cấp hạn mức vốn đều căn cứ trên vốn điều lệ. Đối với cho vay cầm cố chứng khoán các ngân hàng chỉ được sử dụng hạn mức 15 – 20% trên vốn điều lệ. Còn với chi nhánh mở mới tại khu vực TP.HCM tối thiểu phải có 100 tỉ đồng, thay vì 20 tỉ đồng. Vốn điều lệ tăng nhằm điều kiện cho việc đa dạng hoá dịch vụ, tăng hạn mức tín dụng hỗ trợ khách hàng có nhu cầu vốn.

Theo quy định, các ngân hàng chỉ được phép cho vay 15% trên tổng vốn điều lệ đối với một khách hàng. Về công nghệ, ngân hàng tăng cường các khoản mục và danh mục phát triển đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại; xây dựng cao ốc văn phòng và trụ sở làm việc hoặc thuê quyền sử dụng đất… để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Trần Mộng Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Á châu (ACB) cho biết, dự kiến đến cuối năm nay quy mô tổng tài sản ACB đạt 145.000 tỉ đồng; dư nợ cho vay đạt khoảng 59.000 tỉ đồng. Do đó, việc tăng vốn sẽ giúp ACB có điều kiện thực hiện kế hoạch hoạt động giai đoạn 2008 – 2010, đồng thời đủ nguồn vốn thành lập mới hoặc tăng vốn cho các cổ đông trực thuộc…

Cơ hội mua cổ phiếu ngân hàng?

Sau các đại hội cổ đông, cuối tuần qua, giá cổ phiếu ngân hàng cả trên thị trường chính thức và phi tập trung tính thanh khoản vẫn suy yếu dần. So với đầu năm 2008, hiện giá cổ phiếu ngân hàng mất thêm khoảng 30%, cho dù có nhiều thông tin tốt hỗ trợ.

Cổ phiếu Eximbank rớt xuống mức 38.000 – 39.000 đồng/cổ phiếu, thay vì 43.000 đồng trước đó. DongA Bank cũng liên tục mất điểm xuống còn 41.000 đồng/cổ phiếu trong ngày cuối tuần, cho dù thông tin chia thưởng 80% đã được công bố.

Trên sàn chứng khoán tập trung, giá cổ phiếu ACB không thể duy trì được ngưỡng 100.000 đồng, còn STB chỉ đạt hơn 38.000 đồng.

Cổ phiếu của những ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, giá càng sụt giảm mạnh. Southern Bank, OCB, ABbank, SCB, HDBank, Navibank, KienLong Bank… chỉ dao động trên dưới 20.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, có ngân hàng cổ phiếu gần chạm mệnh giá 10.000 đồng như ABbank chỉ còn 15.000 đồng/cổ phiếu.

Theo đánh giá của ông Huỳnh Anh Tuấn, tổng giám đốc công ty chứng khoán SJC, giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm gần đây cũng không nằm ngoài nguyên nhân TTCK đi xuống. Mặt khác, năm 2008 được xem là giai đoạn khó khăn cho hệ thống ngân hàng, vì nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát được ban hành gần đây. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, nếu có tầm nhìn dài hạn, bỏ vốn vào cổ phiếu ngân hàng vẫn thu được hiệu quả cao, do tiềm năng của ngành còn lớn.

Thanh Trần

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây