Thành lập ngân hàng mới : Dừng lại là vừa?

Thực tế, sau một thời gian ra đời và tăng trưởng nhanh như “diều gặp gió”, từ đầu năm 2008 đến nay, các ngân hàng đã vấp phải khá nhiều khó khăn. Cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn giới đầu tư như trước đây. Đồng thời, một số ngân hàng đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2008 so với kế hoạch dự kiến ban đầu, vì diễn biến của thị trường tiền tệ đang thay đổi liên tục. Chỉ qua một đợt “sát hạch” của Ngân hàng Nhà nước vừa qua (tăng dự trữ bắt buộc, mua tín phiếu bắt buộc…) đã khiến một số ngân hàng chao đảo vì thiếu vốn, nhất là các ngân hàng nhỏ, dẫn đến cuộc đua tăng lãi suất.

Qua đợt “thử lửa” này, cả cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đều rút ra bài học xương máu cho mình. Câu hỏi quản trị ngân hàng thế nào và ngân hàng cổ phần ra đời bao nhiêu là đủ lại được đặt ra. Với một nền kinh tế như Việt Nam, con số hơn 50 ngân hàng hiện nay liệu có quá nhiều?

Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng ban Pháp luật, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, với các nền kinh tế phát triển thì câu hỏi này không cần đặt ra vì các nước này không bao giờ khống chế số lượng ngân hàng. Doanh nghiệp cứ khai đủ điều kiện và cứ thế hoạt động, kể cả tư nhân cũng được phép tham gia thị trường. Nhưng ở Việt Nam thì không thể dễ dàng cấp phép cho thành lập ngân hàng mới. Trong bối cảnh hiện nay, số lượng bao nhiêu không quan trọng, mà vấn đề là chất lượng.

Theo ông Triển, hiện ngân hàng của ta vốn ít mà lại mở ra nhiều chi nhánh. Việc mở nhiều chi nhánh là đúng, các ngân hàng cần phải chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, mở nhiều chi nhánh mà ngân hàng vốn không lớn, kinh doanh không có lãi thì sẽ dẫn đến việc tăng lãi suất hay lấy vốn đầu tư sang các lĩnh vực khác... tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh.

Kết quả thanh tra tín dụng mới đây cho thấy, chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại khá thấp, nhất là ở nhóm ngân hàng mới thành lập. Tất nhiên, vì “sinh sau đẻ muộn” nên các ngân hàng nhỏ phải dùng mọi biện pháp quảng cáo và thu hút khách hàng, khiến chi phí tăng cao. Và để cạnh tranh cho vay thì không thể cứ nguyên tắc quá nên nhiều khi các ngân hàng nhỏ đã gặp rủi ro do bỏ qua các nguyên tắc an toàn.

“Hiện nay, nên đặt ra vấn đề đối với cơ quan quản lý nhà nước là có nên tiếp tục cho ra đời những ngân hàng bé quá hay không?”, ông Triển nói.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy khi trao đổi với báo chí cũng từng nhiều lần bày tỏ lo ngại về xu hướng thành lập ngân hàng như một phong trào, nhất là khi lĩnh vực này đang có lợi nhuận cao trong những năm gần đây. Trong khi đó, ở các nước trong khu vực như Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc… việc cấp phép thành lập thêm các ngân hàng nội địa rất hạn chế. Bài học mà các nước này đã trải qua cho thấy, ngân hàng nội địa quản trị kém thường là một trong những tác nhân gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính.

Ông Triển cho rằng, về mặt cơ chế thị trường, nếu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có khả năng thành lập ngân hàng thì chúng ta không nên hạn chế. Nhưng trong điều kiện đặc biệt của Việt Nam thì cần phải cân nhắc kỹ. Bởi vì đã ra đời một ngân hàng thì nó mang tính đại chúng, không thể bó hẹp, phục vụ riêng một nhóm nào đó, trong khi chỉ để tương trợ thì trong tập đoàn đã có mô hình công ty tài chính. Do đó, theo ông Triển, không nên cho các tập đoàn, tổng công ty thành lập ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ ngân hàng đó khó cạnh tranh mà còn ảnh hưởng chung đến nền kinh tế và xã hội, đổ gánh nặng lên Nhà nước.

Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cũng tỏ ra lo ngại khi các công ty chưa từng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng mà lại xin phép thành lập ngân hàng. Theo ông này, đối với lĩnh vực ngân hàng, công ty mẹ không nên cố gắng kiểm soát các ngân hàng thành viên. Có những rủi ro liên quan đến việc cho vay với các tổ chức liên kết và việc lạm dụng quyền hạn của công ty mẹ sẽ ảnh hưởng đến các quyết định cho vay của ngân hàng. Điều này đã được chứng minh từ nhiều nước trên thế giới và dẫn đến sự sụp đổ của nhiều tổ chức ngân hàng.

Gia Linh 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây