Lập ngân hàng: "Cần thay đổi tư duy"

Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Ông nghĩ gì về sự ra đời của các ngân hàng mới trong giai đoạn hiện nay?

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính quốc tế thì thị trường tài chính Việt Nam hiện vẫn còn dư địa rất lớn, 84 triệu dân mà chỉ có chưa đến 80 ngân hàng với khoảng 4.000 chi nhánh.

Số lượng ngân hàng hiện nay có thể bị các ngân hàng cũ cho là quá nhiều, như một điều dĩ nhiên của hiện tượng "cũ thường không ưa thích mới". Song, chúng tôi hoàn toàn khuyến khích sự tham gia của các ngân hàng mới với các ý tưởng kinh doanh, kỹ năng quản lý chuyên nghiệp trước thách thức không nhỏ của sự sẵn sàng nhảy vào bất cứ lúc nào của các ngân hàng nước ngoài.

Thực tế, tại Đài Loan, Trung Quốc, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ thì lập tức các ngân hàng nước ngoài nhảy vào, không để trống thị phần bất kỳ lúc nào.

Tại một số nước trên thế giới, mật độ chi nhánh ngân hàng rất dày đặc, với 1.000 dân/chi nhánh, trong khi ở Việt Nam là 20.000 dân/chi nhánh.

Có thể coi đó là một cơ hội cho các ngân hàng chuẩn bị "chào đời". Song, không phải là không tiềm ẩn những thách thức?

Thứ nhất là cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt. Thứ hai là ngân hàng mới phải đối mặt với một thực tế mà các ngân hàng của Việt Nam đang gặp phải, đó là có quá nhiều nhiều nhân viên trong một chi nhánh ngân hàng, thường lên tới 40 - 50 người, thậm chí có những chi nhánh lên tới cả trăm người. Trong khi đó, tại các nước con số này rất nhỏ, chỉ khoảng 7 - 8 người, thậm chí là 4 người, với quy trình làm việc đã được điện tử hóa.

Do đó, chưa chắc số lượng đã đi kèm với chất lượng, không phải nhiều chi nhánh và vốn lớn là đồng nghĩa với hiệu quả kinh doanh cao bởi trong kinh doanh, nếu chi phí thấp, hiệu quả cao là thắng.

Đối với loại hình ngân hàng cung cấp dịch vụ bán lẻ, hiện các nước trên thế giới đòi hỏi tương đối cao, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra tiêu chí chặt chẽ liên quan đến việc tăng vốn của ngân hàng, đồng thời đòi hỏi cao về hiệu quả phát triển của các ngân hàng mới.

Do đó, nên thay đổi tư duy về việc thành lập ngân hàng mới, nhất là tại Việt Nam, các ngân hàng được thành lập với nhiều động cơ khác nhau như: làm ăn lâu dài, chộp giật qua việc thành lập để mua đi bán lại…

Ông có thể cho biết, mối tương quan giữa hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán, nhất là khi ngân hàng thường tăng lãi suất vào thời điểm cuối năm?

Sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng cho thấy sự độc quyền trong lĩnh vực cho vay của ngân hàng đang ngày càng nhỏ lại, khiến không ít ngân hàng chới với. Song, ngân hàng và thị trường chứng khoán trong nền kinh tế được ví như tay và chân trong một cơ thể, có sự hỗ trợ lẫn nhau. Cái này yếu đã có cái kia hỗ trợ, và ngược lại.

Điều căn bản không phải là cái nào quyết định cái nào, mà quan trọng là cơ thể đó có khỏe mạnh hay không, đồng nghĩa với sự lớn mạnh của một nền kinh tế. Do đó, khó có thể khẳng định việc tăng lãi suất huy động của ngân hàng vào thời điểm cuối năm sẽ ảnh hưởng đến nguồn tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán, nhất là khi xu hướng nhà đầu tư đến với thị trường chứng khoán ngày một nhiều.

Hơn thế, cuộc khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, vẫn còn một lượng tiền tồn tại dưới dạng ngoại tệ, nằm ở tài khoản vãng lai, sẵn sàng đổ vào thị trường chứng khoán khi có cơ hội, như cổ phiếu phát hành lần đầu của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV),…Trước đó, trong đợt IPO Bảo Việt, nhà đầu tư nước ngoài đã mua hết số cổ phần mà nhà đầu tư trong nước từ chối mua.

Gần đây, một tập đoàn quốc tế đã tuyên bố sẽ tăng tỷ trọng đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ 14% lên 33%.

Về phía các nhà đầu tư nội, khảo sát định kỳ 3 năm/lần của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, người dân Việt Nam không ít tiền như chúng ta tưởng, chỉ có điều họ sẽ sử dụng số tiền này như thế nào: đầu tư cổ phiếu, gửi tiết kiệm bằng tiền, lưu giữ bằng vàng hay đầu tư vào bất động sản…?

Năm 2003, tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng chiếm 11% tổng tiết kiệm trong dân cư, nhưng gần đây con số này đã lên tới 50%. Điều này cho thấy người dân tiếp cận ngân hàng ngày càng mạnh và bắt đầu quan tâm đến sự luân chuyển vốn trên thị trường tiền tệ. Đặc biệt, những ngày gần đây lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán là không hề nhỏ.

Ông nghĩ sao về cổ phiếu ngân hàng hiện nay?

Ngân hàng Việt Nam được đánh giá là một trong những hệ thống ngân hàng có hiệu quả, hoạt động tốt nhất thế giới từ năm 2001 đến nay. Tôi hoàn toàn phủ nhận quan điểm cho rằng, tỷ lệ lợi nhuận của ngân hàng cao là do những nhập nhèm trong các bản báo cáo kiểm toán trong mấy năm trở lại đây, vì dù thế nào đi chăng nữa cũng khó có thể làm đẹp con số này trong suốt khoảng thời gian 6 - 7 năm như vậy.

Khi đầu tư cổ phiếu ngân hàng hay bất kỳ loại cổ phiếu nào, điều nhà đầu tư cần quan tâm là nắm bắt được chu kỳ kinh doanh của nó, để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây