Tháng 9: Lấy lại niềm tin

Sức tăng bền vững

Tuần giao dịch cuối cùng của tháng 8, sau khi không thể phá vỡ vùng cản 890-900 điểm lần thứ hai, chỉ số VN-Index đã có những dấu hiệu tích cực và quay trở lại ở mức 900-910 điểm. Tại thời điểm này, nhà đầu tư hy vọng thị trường ổn định nhiều hơn là hồi phục. Nhưng thực tế tích cực hơn cả kỳ vọng, VN-Index tăng hơn 100 điểm vượt qua cả mốc 1.000.

Phiên khởi đầu giống như điềm may mắn cho tháng 9 khi tăng mạnh đến hơn 20 điểm. Màu xanh tăng giá phủ đều khắp bảng điện tử trực tuyến nhưng “sự khác biệt” là bước chuyển mình của những chú “khủng long” - những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường. PPC, STB tăng kịch trần hoặc sát trần như những đầu tàu kéo cả đoàn tàu Vn-Index đi lên. Sức cầu mạnh mẽ ở những mã cổ phiếu “blue-chip” chính là một đảm bảo bền vững cho thị trường. Lượng cung được từ từ tiêu thụ hết giúp VN-Index vững vàng ở mức 930 điểm trong hai tuần đầu. Sự ổn định góp phần giải tỏa tâm lý lo sợ của nhà đầu tư.

 Xu hướng bán tháo-cắt lỗ trong giới đầu tư được hóa giải chính là bệ phóng giúp thị trường bùng nổ nửa cuối tháng 9. Sau khi bứt khỏi 930 điểm, VN-Index bắt đầu có những bước tiến dài. Giá trị giao dịch tăng mạnh trên 1.000 tỉ đồng, một mức tưởng như đã xa lắm, chỉ xuất hiện ở giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh đầu năm. Thị trường vượt ngưỡng 1.000 điểm và đạt 1.015,91 điểm vào ngày 26/9. Nâng đỡ thị trường vẫn là các cổ phiếu lớn như STB, FPT trên sàn HOSE và ACB, SSI, BVS tại HaSTC khiến nhiều cổ phiếu nhỏ sau những phiên bị bán ra mạnh lại được mua vào trở lại. Thị trường đi lên mạnh mẽ với số cổ phiếu tăng giá áp đảo.

Tâm lý hưng phấn

 Các cổ phiếu hầu như đồng loạt tăng giá cho thấy tâm lý lạc quan đang xâm chiếm tâm lý đám đông đầu tư. Nói cách khác, niềm tin, ngọn lửa đang bùng cháy trở lại, chính là cơ sở cho đợt tăng giá lần này. Về nguyên nhân, thời điểm này chưa có các báo cáo kết quả kinh doanh quý cũng như không có các thông tin hỗ trợ mạnh khác được công bố. Các nguyên nhân đưa ra lý giải đều mang tính gián tiếp và chưa thực sự rõ ràng. Khối nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tích cực hơn sau khi thị trường thế giới ổn định lại bởi quyết định cắt giảm lãi suất của FED, nhưng chưa thể khẳng định mức độ liên thông cụ thể giữa thị trường Việt Nam và thị trường thế giới.

Một loạt các giả thuyết và đồn đoán về IPO của  Vietcombank một phần không được kiểm chứng, một phần bị phủ nhận nhưng vẫn khiến cổ phiếu ngân hàng STB và ACB tăng giá. Trong khi đó các yếu tố như chỉ thị 03, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các công ty giảm do phát hành quá nhiều cổ phiếu mới gần đây còn gây hoang mang lo lắng thì nay đã trở thành quá khứ.

 Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân hưng phấn, các tổ chức đầu tư nước ngoài và giới truyền thông cũng rất phấn chấn. Liên tiếp các đánh giá tốt đẹp về triển vọng của thị trường được đưa ra. Không khó tìm được những dự báo thị trường sẽ đạt 1.100 điểm hay có thể tạo ra một đỉnh cao mới trong năm. Đáng chú ý là ngay cả tổ chức mới có những bản báo cáo thiếu tích cực mấy tháng trước cũng bắt đầu có những nhận định đầy lạc quan. Có thể thấy hy vọng về một năm đầu tư thành công hiện lên trong mắt các nhà đầu tư.

Đánh giá và khuyến nghị

Các yếu tố hỗ trợ cho thị trường tăng trưởng:

- Sau hai lần “các chú gấu” cố sức mà không xuyên thủng 900 điểm, thị trường đã xác định được một vùng hỗ trợ khá vững chắc. Một mặt bằng giá “tối thiểu” sẽ khiến nhà đầu tư mạnh dạn hơn khi mua vào.

- Thời điểm báo cáo kết quả kinh doanh, công bố chia thưởng cuối năm đang đến gần. Trong khi đó tình hình hoạt động của các công ty niêm yết đều ổn định và tăng trưởng, hứa hẹn những kết quả khả quan.

- Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư mới tham gia. Tỷ lệ người dân đầu tư vào chứng khoán vẫn còn thấp nên dù không có tốc độ tăng tài khoản mới như cuối năm ngoái và đầu năm nay nhưng tiềm năng còn rất lớn. Nhà đầu tư cũ trưởng thành hơn sau mỗi giai đoạn thăng trầm của thị trường sẽ mạnh dạn đầu tư nhiều hơn.

- Những dự báo lạc quan dựa trên các yếu tố vĩ mô, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ là những yếu tố hỗ trợ rất mạnh cho thị trường.

Những thách thức trước mắt:

- Các yếu tố gây ra đợt giảm giá vừa qua vẫn còn treo lơ lửng chứ chưa được dẹp bỏ. Nhà đầu tư vẫn khó có thể gạt bỏ hoài nghi để có thể mạnh tay đầu tư.

- Chứng khoán, cổ phiếu không còn là một bí ẩn kích thích trí tò mò của dân chúng. Thị trường đã bắt đầu trở nên quen thuộc, vì thế lượng tiền của các nhà đầu tư mới sẽ không dễ dãi và liều lĩnh như năm trước. Nhân tố làm bùng nổ thị trường bị hạn chế hơn.

- Sức cầu của nước ngoài - một lực đẩy quan trọng của thị trường vẫn không chắc chắn. Các tổ chức lớn vẫn thận trọng giải ngân với thông điệp không mua với mọi giá, trong khi đó thị trường thế giới vẫn còn nhiều bất ổn. Vì vậy con số ước tính rất lớn nhưng lượng vốn đầu tư gián tiếp thực tế vẫn là một dấu hỏi lớn.

- Xét về mặt kỹ thuật, mức điều chỉnh sau cơn sốt giá đầu năm vẫn chưa thực sự sâu, đủ để có thể phân hóa mạnh thành phần nhà đầu tư, tạo sức bật lâu dài.

Kết luận và khuyến nghị:

TTCKVN đang có một mức cân bằng xung quanh mốc 1.000 điểm. Trước mắt thị trường sẽ đi ngang trong biên độ khoảng 100 điểm nhưng sẽ tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Nhà đầu tư cần chọn chiến lược đầu tư phù hợp với tiêu chí đầu tư của mình.

- Với nhà đầu tư ngắn hạn phải bám sát đợt sóng của thị trường, tỉnh táo với chiến lược đi ngược đám đông (contrarian). Tập trung dự báo “mốt” tiếp theo của thị trường.

- Nhà đầu tư có mục tiêu trung hạn có thể thiết lập danh mục đầu tư theo hướng trung bình giá trong những đợt điều chỉnh của thị trường, đặc biệt chú ý khoảng dao động 900-1.000 điểm. Tính thanh khoản cao cần được tính tới như một yếu tố đảm bảo.

- Những nhà đầu tư dài hạn tiếp tục nghiên cứu thông tin và đầu tư vào các công ty theo tiêu chí minh bạch, lãnh đạo có tiêu chí phát triển rõ ràng, quản trị tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, có tiềm năng trong tương lai.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây