Ông Nguyễn Sơn - phó ban phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) - cho biết vào đầu năm 2008 sẽ chọn một vài cổ phiếu (CP) của ngân hàng cổ phần chưa niêm yết để thí điểm thực hiện lưu ký và đăng ký giao dịch.
OTC cũng có biên độ
Theo đề án đã được trình Bộ Tài chính, các biện pháp quản lý CP OTC đang được triển khai. Trước hết, các công ty cổ phần được “xếp hạng” là CTĐC phải đăng ký với UBCKNN. Đồng thời các công ty này phải đăng ký với trung tâm lưu ký CK để được cấp mã CK. Về phía người đang sở hữu CP, phải mở tài khoản tại công ty CK để thực hiện mua/bán CK thay vì mua bán tay đôi với nhau. Trung tâm lưu ký CK sẽ thực hiện việc thanh toán mua/bán CK cho NĐT tương tự như đang áp dụng với thị trường CP niêm yết. Các thông tin có liên quan đến giao dịch các CP chưa niêm yết cũng sẽ được đưa lên trang thông tin điện tử.
Đề án cũng đưa ra nguyên tắc giao dịch, theo đó lệnh chào mua/bán CK đã nhập vào hệ thống không được phép hủy bỏ và có hiệu lực tối đa trong ba phiên giao dịch liên tiếp.
UBCKNN đã đề xuất biên độ dao động giá CP OTC là +/-20%, cao hơn nhiều so với CP niêm yết. Ngoài ra, NĐT cũng được phép vừa mua vừa bán một loại CK trong cùng một phiên giao dịch. “Việc áp dụng giá tham chiếu để đảm bảo tính chính xác của các giao dịch khi thực hiện, đồng thời có thể kiểm soát được chi phí, thuế...” - ông Sơn nói.
Đăng ký để vào sàn
Để chuẩn bị cho việc đưa cổ phiếu OTC vào khuôn phép, ngay từ đầu năm nay Bộ Tài chính đã yêu cầu các công ty cổ phần được “xếp hạng” là CTĐC phải đăng ký với UBCKNN. Đối với những công ty mới trở thành CTĐC, trong vòng 90 ngày phải đăng ký với UBCKNN. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng công bố mức xử phạt lên đến 70 triệu đồng đối với những CTĐC chậm đăng ký với UBCKNN.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều công ty cổ phần cũng chưa quan tâm hoặc né tránh việc đăng ký CTĐC. Công ty cổ phần xây dựng 5 đã phát hành trái phiếu chuyển đổi với giá trị chiếm hơn 30% số vốn điều lệ thực có nhưng lại lặng lẽ thực hiện, không công bố thông tin bất thường. Khi UBCKNN phát hiện, xử phạt đơn vị này 50 triệu đồng và công bố rộng rãi, nhiều cổ đông bên ngoài của đơn vị này mới biết. Một số chuyên gia cho rằng một khi thị trường OTC được đưa vào khuôn phép, những hành vi sai phạm này có thể được ngăn chặn ngay từ đầu.
An toàn hơn cho NĐT
Theo ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần CK Đông Dương, thông tin đến với NĐT sẽ minh bạch hơn nếu các biện pháp quản lý CTĐC được thực hiện. Khi đó, các thông tin nhiễu sẽ bị loại bớt, qua đó NĐT sẽ an tâm hơn.
Ngoài bản cáo bạch, những thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của CTĐC, các giao dịch của cổ đông lớn và cổ đông là lãnh đạo đơn vị, kế hoạch phát hành tăng vốn... sẽ phải được công bố công khai với sự giám sát của các cơ quan chức năng.
“Một khi các thông tin về CTĐC được công khai minh bạch, NĐT sẽ tránh được việc mua CP theo tin đồn” - ông Chinh nói. Cũng theo ông Chinh, việc thực hiện giao dịch thông qua công ty CK sẽ giúp các NĐT có nơi để trao đổi thông tin, cùng nhau phân tích và đánh giá CP trước khi đầu tư. Đặc biệt khi tất cả cùng vào sàn, cung cầu CK trên thị trường sẽ được phản ánh đầy đủ, từ đó xác định được đúng giá trị của CK. Không như hiện nay, phần lớn NĐT chỉ biết giá CK thông qua “cò”.
Kiên quyết đưa vào khuôn phép UBCKNN đã phạt một số công ty cổ phần vì đã chậm trễ trong việc đăng ký CTĐC. Công ty cổ phần dệt may Thành Công và Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện VN cùng bị phạt mỗi đơn vị 10 triệu đồng. Trước đó, Ngân hàng cổ phần Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh VN cũng bị cảnh cáo vì lý do tương tự. Công ty CK Thiên Việt bị phạt đến 50 triệu đồng vì không công bố thông tin bất thường. Còn Công ty cổ phần phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu bị phạt 20 triệu đồng do không công bố thông tin kịp thời theo qui định... Nhận biết CTĐC? Công ty cổ phần đã chào bán CP ra công chúng; có CP niêm yết tại sở giao dịch CK hoặc trung tâm giao dịch CK; có ít nhất 100 cổ đông trở lên, không kể nhà đầu tư CK chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỉ đồng trở lên đều được xác định là CTĐC. Qui định về CTĐC nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của NĐT. |