Thấy gì qua những cú lừa ngàn tỷ?

 
 
Vụ việc Huyền Như cho thấy có khá nhiều lỗ hổng trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt hoạt động này vẫn có chỗ cho sự chủ quan, vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng...
 

Tháng 9-2011, Ngân hàng cổ phần công thương Việt Nam (Vietinbank) và nhiều đơn vị, cá nhân đã tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Huỳnh Thị Huyền Như. 

Sau hai năm điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã hoàn tất điều tra, đề nghị Viện kiểm sát truy tố 23 bị can phạm các tội danh như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. 

Vụ việc cho thấy có khá nhiều lỗ hổng trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt hoạt động này vẫn có chỗ cho sự chủ quan, vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng... dẫn đến việc nhiều nhân viên ngân hàng lợi dụng triệt để, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

TỪ SỰ GIÚP SỨC CỦA CÁN BỘ NGÂN HÀNG THOÁI HÓA BIẾN CHẤT

Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã xác định, từ năm 2007 Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, quê Tiền Giang, ngụ quận 4, nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TPHCM) đã vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, thị mất khả năng thanh toán.

 Để có tiền trả nợ, do nắm được nghiệp vụ ngân hàng và là quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank, có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp theo quyết định của chủ tài khoản với mức 50 tỷ đồng/lệnh nên từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, Như đã thuê làm giả tám con dấu đứng tên Vietinbank chi nhánh TPHCM và các công ty như: Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh, Bảo hiểm Toàn cầu, Saigonbank - Berjaya, làm giả tài liệu của Vietinbank để lừa đảo, chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân tổng cộng số tiền trên 4.911 tỷ đồng.

Một trong những người giúp việc, có vai trò đồng phạm với Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 1.678 tỷ đồng là Võ Anh Tuấn (SN 1972, quê Thái Bình, ngụ quận Bình Thạnh, nguyên là cán bộ văn phòng Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TPHCM). Tuấn và Như có mối quan hệ khi cả hai cùng làm tại phòng tín dụng của Ngân hàng Vietinbank. Tuấn làm phó trưởng phòng còn Như làm cán bộ tín dụng. Năm 2007, Tuấn cùng Như thành lập Công ty CP đầu tư Hoàng Khải để kinh doanh xuất nhập khẩu gạo do Như làm giám đốc nhưng thực tế công ty này không hoạt động.

Tháng 3-2010, theo đề nghị của Như, Võ Anh Tuấn gặp Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty CP vận tải dầu khí Thái Bình Dương (Cty Thái Bình Dương) - để huy động tiền gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Sau khi gặp và thấy mức lãi suất Phạm Anh Tuấn đòi quá cao, không thể huy động tiền về cho Vietinbank Nhà Bè nhưng Võ Anh Tuấn không từ chối ngay mà nói Phạm Anh Tuấn gặp và trao đổi với Như.

Sau đó, Như gặp Phạm Anh Tuấn và lấy danh nghĩa đang huy động tiền cho Vietinbank Nhà Bè để huy động tiền của Cty Thái Bình Dương với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 1-4%/năm. Từ tháng 3-2010 đến ngày 21-6-2011, Như đã làm giả 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank Nhà Bè với Cty Thái Bình Dương; trong đó có một hợp đồng Võ Anh Tuấn ký thật nhưng chưa được sử dụng, đưa cho Như để ghép vào hợp đồng ủy thác vốn đầu tư do Như làm giả, tạo điều kiện cho Như huy động số tiền 1.493,6 tỷ đồng. Đến nay đã tất toán được 14 hợp đồng với số tiền trên 1.472 tỷ đồng, chiếm đoạt 80 tỷ đồng.

Trong quá trình huy động tiền của Cty Thái Bình Dương, theo đề nghị của Như, Võ Anh Tuấn đã ký và đóng dấu thật của Vietinbank lên 10 giấy xác nhận với nội dung Vietinbank chi nhánh Nhà Bè xác nhận đã nhận được số tiền của Cty Thái Bình Dương theo các hợp đồng nêu trên. Kết luận điều tra cho thấy trong vụ lừa đảo Cty Thái Bình Dương, Võ Anh Tuấn đã để mặc cho Như lấy danh nghĩa huy động tiền cho Vietinbank Nhà Bè thỏa thuận với Phạm Anh Tuấn; đồng thời biết rõ Vietinbank Nhà Bè không huy động tiền nhưng theo đề nghị của Như, Võ Anh Tuấn vẫn ký 10 giấy xác nhận theo các hợp đồng Như làm giả, giúp sức cho Như chiếm đoạt 80 tỷ của Cty Thái Bình Dương.

Cũng với hành vi nêu trên, tháng 5-2011, thông qua Giang Quang Chính (nhân viên Ngân hàng TMCP Phương Đông) giới thiệu, Như biết chị Nguyễn Thị Nga (nhân viên Ngân hàng TMCP H.) có khách hàng tại TP.Hà Nội có nguồn tiền muốn gửi với lãi suất cao nên rủ Võ Anh Tuấn ra Hà Nội gặp đại diện các công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên tại 88 Láng Hạ, TP.Hà Nội. Tại đây, Như lấy tên giả là Quyên - nhân viên của Võ Anh Tuấn - Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Như yêu cầu ba công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên cung cấp hồ sơ để Như làm thủ tục mở tài khoản tại Vietinbank chi nhánh TPHCM.

Khi đã có ba bộ hồ sơ mở tài khoản, Như lấy mẫu dấu của ba công ty trên thuê khắc ba bộ dấu giả, sau đó làm giả hồ sơ mở tài khoản và giả chữ ký của Giám đốc Công ty Thịnh Phát, Phúc Vinh để mở tài khoản. Mục đích là để khi Như giả lệnh chi, lệnh chuyển tiền của các công ty này mà không bị phát hiện. Riêng Công ty Hưng Yên, Như không giả chữ ký của Giám đốc Tạ Văn Hùng vì chữ ký này dễ ký giả. Để ba công ty trên tin tưởng chuyển tiền, Như đề nghị Nguyễn Thị Nga soạn thảo hợp đồng tiền gửi và gửi cho Như xem. Sau khi nhận được mẫu hợp đồng, Như gửi qua email cho Võ Anh Tuấn xem và góp ý vì Tuấn là người biết rõ các điều khoản đối với các hợp đồng huy động vốn cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, nhưng Võ Anh Tuấn đã không có ý kiến gì.

Thấy gì qua những cú lừa ngàn tỷ? (1)
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cho thấy hàng ngàn tỷ đồng không được đưa vào sản xuất mà chỉ lòng vòng trong các ngân hàng

Sau khi ba công ty tin tưởng chuyển tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank chi nhánh TPHCM, Như làm giả lệnh chi của ba công ty này, chuyển tiền chi trả cho các khoản vay đến hạn của nhiều đơn vị, cá nhân Như vay trước đó. Cáo trạng của Viện kiểm sát tối cao cho thấy từ tháng 5-2011 đến tháng 9-2011, Như đã làm giả 110 hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng, 127 lệnh chi giả chữ ký của Giám đốc Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, chiếm đoạt 1.598 tỷ đồng. Võ Anh Tuấn là người giúp sức tích cực cho Huỳnh Thị Huyền Như vì đã có hành vi cùng Như gặp gỡ đại diện Ngân hàng TMCP Hàng Hải, để Như tự giới thiệu là nhân viên của Tuấn. Y cũng biết Như thực hiện việc mạo danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để huy động và chiếm đoạt tiền của nhiều công ty nhưng vẫn im lặng để việc lừa đảo của Như được trót lọt.

Tháng 5-2010, thông qua Vũ Minh Hải - nhân viên Công ty CP chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), Như biết được Công ty SBBS có tiền muốn gửi vào Vietinbank với lãi suất 14%/năm và phí ngoài hợp đồng từ 16 - 18%/năm, tổng cộng từ 32 - 36%/năm nên từ ngày 18-5-2011 đến 31-8-2011, Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa SBBS với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để huy động số tiền 245 tỷ đồng nhưng thực tế SBBS chỉ chuyển 225 tỷ đồng. Trong vụ này Như chiếm đoạt của SBBS 210 tỷ đồng và khai chi trả cho môi giới 30 tỷ đồng.

ĐẾN VIỆC XỘ KHÁM VÌ KHÔNG XÁC MINH HỒ SƠ CHO VAY

Đầu năm 2011, Như nói với Huỳnh Hữu Danh (SN 1981, quê Phú Yên, nguyên nhân viên Ngân hàng quốc tế VIB chi nhánh TPHCM) có tiền nhờ người thân, bạn bè đứng tên gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè nhưng chưa đến hạn, nay cần tiền muốn thế chấp các hợp đồng tiền gửi đó để vay của VIB chi nhánh TPHCM. Sau khi được Danh đồng ý, Như làm giả 40 bộ hợp đồng tiền gửi với số tiền ghi trên mỗi hợp đồng từ 16,8 đến 24,3 tỷ đồng và giả chữ ký của Võ Anh Tuấn - Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè - để ký vào 12 khách hàng (là người quen, bạn bè của Như) đứng tên trên 40 bộ hồ sơ giả nói trên. Như mang 40 hợp đồng tiền gửi giả nói trên làm tài sản thế chấp và nhờ 12 người quen này đứng tên ký 40 hợp đồng cầm cố vay của VIB chi nhánh TPHCM tổng cộng 480,3 tỷ đồng. Đến khi bị bắt, Như đã tất toán 28 hợp đồng với tổng số tiền gốc 300,3 tỷ đồng, chiếm đoạt 180 tỷ đồng.

Kết luận điều tra nêu rõ, trong vụ lừa đảo Ngân hàng VIB, Huỳnh Hữu Danh đã phạm tội “vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Danh vốn là nhân viên chăm sóc khách hàng của Ngân hàng VIB, có trách nhiệm kiểm tra, hoàn tất các thủ tục hồ sơ vay tiền, thẩm định tài sản đảm bảo và đề xuất việc cho vay. Từ tháng 1 đến tháng 9-2011, Danh đã làm thủ tục hồ sơ cho 12 cá nhân do Huỳnh Thị Huyền Như giới thiệu đến VIB chi nhánh TPHCM vay 480,3 tỷ đồng. Trong quá trình thẩm định hồ sơ vay, Danh không đến xác minh tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để làm thủ tục xác nhận phong tỏa các hợp đồng tiền gửi này mà tin tưởng các xác nhận phong tỏa do Như làm giả nên không phát hiện 40 hợp đồng tiền gửi mang tên 12 cá nhân trên là giả.

(Còn tiếp...)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây