Việc gia tăng liên tục kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc 3 năm qua, đặc biệt là năm 2013 đã “giải cứu” nhiều hàng nông sản trong bối cảnh các thị trường “truyền thống”như gạo, thủy sản, cà phê... ảm đạm.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, về thị trường tiềm năng này.
Tăng trưởng mạnh, nhưng...
* Phóng viên: Thưa ông, nhìn lại năm 2013, điều gì gây ấn tượng trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam?
* Ông NGUYỄN LÂM VIÊN: Ấn tượng năm 2013 là kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang Trung Quốc có sự tăng trưởng mạnh. Bên cạnh những mặt hàng chủ lực vào thị trường này như cao su, thanh long, sắn (khoai mì), đồ gỗ, nhân hạt điều… vài năm qua còn thêm cà phê, thủy sản (nhất là tôm), kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc có thể đạt 800 triệu - 1 tỷ USD trong thời gian tới.
Nhưng rõ nét nhất là gạo, tính chung cả xuất khẩu chính thức và tiểu ngạch trên 3,5 triệu tấn, trong đó, riêng xuất qua đường biên mậu hơn 1,5 triệu tấn. 2 năm liền Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều nhất gạo Việt Nam, dự báo năm 2014 cũng vậy.
* Thưa ông, đây là tín hiệu tốt cho nông sản Việt Nam?
* Có thể nói, đây là xu hướng tích cực, khi Trung Quốc là thị trường rộng lớn với hơn 1,3 tỷ người, lại giáp với Việt Nam nên việc giao thương, vận chuyển gặp nhiều thuận lợi, giúp nâng cao sức cạnh tranh. Nếu chúng ta tiếp thị tốt hơn sẽ còn giúp gia tăng thêm kim ngạch vào thị trường này.
* Nhưng thưa ông, mặt trái của sự tăng trưởng này là gì?
* Đó là việc xuất khẩu tiểu ngạch còn quá lớn, về lâu dài không có lợi vì tiềm ẩn nguy cơ và sẽ tự đánh mất cơ hội do sự dễ dãi về chất lượng. Cách kinh doanh vùng biên thường thấy là, khi giá mặt hàng nông sản nào đó quá cao hay đủ hàng, họ ngưng mua, hậu quả là hàng nằm chờ ở biên giới như thanh long, dưa hấu…
Khi đó giá lập tức giảm. Sau đó họ mua lại với giá thấp hơn. Tháng 11 vừa qua, mặt hàng mít cũng bị “giựt hàng”. May mà còn có những doanh nghiệp chế biến trong nước mua vào và thuê kho dự trữ thêm chứ nếu không giá sẽ giảm, dân trồng mít sẽ chuyển qua cây khác. Một điều đáng chú ý khác, chính sách thương mại vùng biên Trung Quốc thường xuyên thay đổi.
Ngoài ra, khi buôn bán dạng này phát triển làm cho sản phẩm xuất khẩu chính ngạch gặp khó, do giá vào thị trường này bị rối loạn. Các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch luôn chịu phí quota nhập, thuế giá trị gia tăng từ 13% - 17% và phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nên chênh lệch gần 20% so với tiểu ngạch.
Điều này sẽ làm hàng nông sản Việt Nam không thể xuất hiện tên tuổi (thương hiệu) trên thị trường Trung Quốc. Thậm chí chất lượng gạo nói riêng và nông sản khác nói chung luôn thấp vì xuất qua đường biên bị bỏ qua nhiều yêu cầu về các tiêu chuẩn cần thiết. Nếu kéo dài làm cho người tiêu dùng Trung Quốc có suy nghĩ sai lệch về hạt gạo Việt Nam: giá rẻ, chất lượng không ổn định.
Phải kiểm soát được giá
* Vậy theo ông, giải quyết vấn đề này thế nào?
* Về căn bản, việc xuất khẩu với hợp đồng rõ ràng, đảm bảo chất lượng và ổn định lâu dài là điều phải hướng tới. Chính phủ Việt Nam cần chủ động làm việc với phía Trung Quốc để nâng hạn mức chính ngạch các mặt hàng nông sản Việt Nam lên thêm. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hình thành các mối liên hệ chặt chẽ, uy tín giúp ổn định sản xuất và xuất khẩu. Qua đó kiểm soát chặt các vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Và điều quan trọng khác, Chính phủ phải kiểm soát được giá, nếu không làm được việc này sẽ gây bất lợi cho nông dân. Muốn kiểm soát giá, Chính phủ phải tạo điều kiện hình thành các hệ thống phân phối sản phẩm từ nông thôn ra thành thị để xuất khẩu. Nông dân bán qua hệ thống phân phối này. Cả nhà nước, doanh nghiệp và nông dân cùng tương tác để kiểm soát thị trường, giúp ổn định giá.
* Thưa ông, điều này nói thì dễ nhưng không đơn giản khi thực hiện?
* Nếu quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy, hiện nay vẫn còn tồn tại hệ thống chành vựa. Một chành vựa có thể liên kết 300-500 điểm bán nhỏ ở nông thôn. Điều đó giải thích vì sao các hãng xưởng thường bán hàng ra chợ đầu mối Bình Tây. Tại sao hệ thống chành vựa đến giờ vẫn tồn tại, vì đó là sự hình thành trên cơ sở hợp lý.
Vậy tại sao chúng ta không xây dựng hệ thống “chành vựa” từ nông thôn ra thành thị với độ phủ toàn thị trường, từ chợ, siêu thị và xuất khẩu. Khi đó, khách hàng nước ngoài vào mua phải qua hệ thống này, thay vì đến mua trực tiếp sẽ dễ gây rối thị trường và giá cả không ổn định như việc mua gom thủy sản, khoai lang, dừa trái…
Nếu có hệ thống ngược lại, đưa sản phẩm từ nông thôn lên thành thị và xuất khẩu, người nông dân chẳng những có đầu ra ổn định mà còn được hỗ trợ về tài chính của doanh nghiệp khi họ đặt hàng theo yêu cầu thị trường.
Ở những nước khác, có công ty chuyên về phân phối nông sản, nhưng ở Việt Nam, công ty loại này không thể hình thành vì nông dân bán cho công ty này không phải đóng thuế VAT, nhưng khi DN này bán cho nhà máy hay DN xuất khẩu phải chịu thuế VAT trong khi thương lái thì không. Đây là mấu chốt khác biệt với các nước khác làm nhiều nhà đầu tư trong nước e dè. Vì vậy, nhà nước cần có chính sách phù hợp để giúp hình thành những công ty loại này.