WB và IFC công bố báo cáo về môi trường kinh doanh ở VN 2008 : Việt Nam được nâng 13 bậc

"Phải 80 mới đúng!"

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2008, Singapore vẫn tiếp tục là nền kinh tế thân thiện nhất thế giới. Các nền kinh tế trong khu vực được xếp hạng như sau: Thái Lan (15), Malaysia (24), Trung Quốc (83), Việt Nam (91), Indonesia (123), Philippines (133), Campuchia (145).

Báo cáo của WB và IFC đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của một nền kinh tế dựa trên 10 yếu tố: Thành lập DN, cấp giấy phép, tuyển dụng và sa thải lao động, đăng ký tài sản, vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế, thương mại quốc tế, thực thi hợp đồng và giải thể doanh nghiệp.

"Thứ hạng của VN lần này được cải thiện nhất so với các lần xếp hạng trước đây" - ông Nguyễn Đình Cung - Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - nhận xét. Năm ngoái, VN đứng thứ 104/175. Tuy nhiên, ông Cung vẫn cho rằng, báo cáo lần này chưa thấy hết được những tiến bộ của VN. Đơn cử: Báo cáo dẫn ra 11 thủ tục mà các DN cần làm khi đăng ký thành lập. Nhưng 11 thủ tục này là từ... trước năm 2000.

Hiện nay chỉ còn 6 thủ tục bắt buộc. Như vậy thời gian thành lập DN không phải 50 ngày như báo cáo nêu, mà chỉ 20, thậm chí 15 ngày. "Trong tiêu chí này VN phải xếp hạng 30, không phải 97" - ông Cung khẳng định. Sau khi chỉ ra một vài điểm được cho là "không chính xác", ông Cung quả quyết: "VN phải xếp thứ 80 mới tương xứng".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng, kết quả xếp hạng lần này phản ánh đúng nhiều thực trạng tại VN. Chẳng hạn, VN bị đánh tụt hạng xuống thứ 63 (so với thứ 25 năm ngoái) trong lĩnh vực "cấp giấy phép". "Con số 63 trung thực hơn" - bà Lan nói. Bà khẳng định, các DN vẫn thường xuyên phàn nàn về vấn đề giấy phép. Chính phủ cũng thừa nhận sự tồn tại của giấy phép con là "vấn nạn" và coi việc giải quyết tình trạng này là ưu tiên hàng đầu.

Cải cách mạnh, nhưng vẫn... yếu

"Báo cáo môi trường kinh doanh 2008" đánh giá cao cải cách của VN trong hai lĩnh vực quan trọng là "Bảo vệ nhà đầu tư" và "Tiếp cận tín dụng". Chỉ số "mức độ đầy đủ của quyền vay vốn tín dụng" của VN là 6, đứng thứ tư trong khu vực (sau Hồng Kông, Singapore, Malaysia). "VN đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong tiếp cận tín dụng, bằng việc mở rộng phạm vi tài sản có thể sử dụng để thế chấp. Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị định 163/2006 về giao dịch bảo đảm đã cho phép DN sử dụng động sản hiện có và sẽ có trong tương lai, hữu hình và vô hình làm vật thế chấp" - ông Sin Foong Wong - Giám đốc IFC tại Hà Nội - cho biết.

Mặc dù được đánh giá cao trong tiêu chí "Bảo vệ nhà đầu tư", VN vẫn thuộc nhóm các nước bảo vệ nhà đầu tư kém (xếp thứ 165/178). Ông Sin Foong Wong giải thích, báo cáo đánh giá mức độ cải cách trong mỗi lĩnh vực, chứ không phải hiện trạng của lĩnh vực đó. "VN đã tăng cường bảo vệ nhà đầu tư bằng cách ban hành Luật Doanh nghiệp mới, Luật Chứng khoán, trong đó quy định những hoạt động chính của công ty phải có sự tham gia của nhà đầu tư và nâng cao yêu cầu công khai thông tin của công ty, đặc biệt thông tin về giao dịch của các bên có liên quan".

Theo báo cáo, việc giải thể DN ở VN còn nhiều bất cập (xếp hạng 121). Ví dụ, một trường hợp phá sản tại VN có thể mất 5 năm mà DN chỉ thu hồi được 18% nợ. Vì thế, rất ít DN giải thể theo đúng thủ tục chính thức.

Báo cáo cũng lưu ý, các DN ở VN mất quá nhiều thời gian để thực hiện nghĩa vụ thuế. Tính trung bình, DN mất 1.050 giờ - tương đương với 130 ngày làm việc để hoàn thành các thủ tục liên quan đến đóng thuế. Trong tiêu chí này, VN xếp thứ 128/178.

Nhận xét về báo cáo năm nay, bà Phạm Chi Lan cho rằng, VN cần đặc biệt quan tâm cải cách trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Bà dẫn chứng, VN muốn đẩy mạnh xuất khẩu khi gia nhập WTO, nhưng chi phí để xuất khẩu 1 container ở VN là 669USD, thời gian mất 24 ngày. Con số này không thể nào cạnh tranh được với Trung Quốc (chi phí rẻ hơn một nửa và thời gian là 21 ngày). Nhập khẩu cũng tương tự.

Ông Sin Foong Wong nhận định, những đánh giá về VN là tích cực. "Chúng ta không nên quá tập trung vào con số cụ thể mà nên chú trọng vào các xu hướng và nỗ lực của mình. Nếu nhìn từ góc độ so sánh để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực thì VN đã có tiến bộ lớn".
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây