Giảm thuế kém tác dụng
Báo cáo mới đây của Tổ điều hành thị trường trong nước đã ghi nhận "làn sóng" tiếp tục tăng giá của nhiều hàng hóa trong nước, nhất là những mặt hàng vốn đã tăng nóng và gây nhiều bức xúc trong thời gian qua: sữa, thép, thực phẩm... Đây cũng chính là những nhóm hàng đã được giảm thuế nhưng giá không hề giảm mà lại đang có xu hướng tăng lên. Như vậy, việc cắt giảm thuế dường như đã không có mấy tác dụng trước xu hướng tăng của giá thế giới.
Sữa vẫn đứng đầu về tăng giá. (Ảnh: tuoitre) |
Tổ điều hành thị trường trong nước đã thừa nhận, có một số mặt hàng đã được điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu nhưng do giá thế giới tăng nên không giảm được giá bán trong nước như các loại thực phẩm, thép xây dựng.
Giá nhiều vật tư, hàng hóa trên thị trường thế giới tăng đã tác động tới giá xuất, nhập khẩu, chi phí sản xuất đầu vào tăng và tạo sức ép tăng giá trong nước.
Giá xuất, nhập khẩu bình quân 9 tháng năm 2007 nhiều mặt hàng tăng cao hơn cùng kỳ năm 2006: gạo tăng 17%, cà phê tăng 29%, hạt tiêu tăng 104%, phân bón tăng 10% (trong đó phân urê tăng 6%), phôi thép tăng 28%, thép thành phẩm tăng 16%, bột giấy tăng 19%, chất dẻo nguyên liệu tăng 11%...
Đối với các mặt hàng cụ thể, giá sữa vẫn tiếp tục tăng. Sữa Enfagrow, Meiji, Lactogen từ 18/9 đã tăng 5 - 10%. Cụ thể Lactogen lên giá đến 122.900 đồng/hộp, trong khi đó, có rất ít công ty có động thái giảm giá. Như vậy, trong tháng 9, giá sữa lại tiếp tục tăng khá mạnh với mức tăng 3,6 - 11.2%. Trong đó, những mặt hàng tăng đến 30% như Enfagrow Vanilla, Ensure liquid 250 ml tăng đến 43%.
Trong khi đó, các DN thép xây dựng cũng đã tăng giá với lời giải thích là giá phôi thế giới tăng. Cụ thể, giá chào bán của các đơn vị thành viên và liên doanh với Tổng Công ty Thép ở mức 9.550 đến 10.100 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Điều đáng ngại là giá thép được cảnh báo là sẽ tiếp tục tăng trong tháng 10. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn kho 140 ngàn tấn thép thành phẩm và 290 ngàn tấn phôi nhập về từ trước.
Hàng lương thực - thực phẩm vẫn tiếp tục tăng giá. Thịt lợn đã tăng 500-800 đồng/kg hơi và 1.000-2.000 đồng/kg thịt; giá thủy sản tăng ở nhiều địa bàn với mức tăng 1.000-3.000 đồng/kg; rau quả cũng có dấu hiệu tăng giá do ảnh hưởng mưa lớn và đang vào giai đoạn chuyển vụ.
Tính đến hết 9 tháng đầu năm, giá thực phẩm đã tăng đến 12,18%. Mặt hàng này lại chiếm đến 25% trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá chung nên đã tác động mạnh đến chỉ số giá và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Từ nay, đến cuối năm, sẽ có nhiều yếu tố tác động khiến giá thực phẩm có thể lên cao như: diễn biến dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp, nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.
Chỉ số giá sẽ phá rào?
Dự báo của tổ điều hành thị trường, tháng 10 chỉ số giá sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,4% so với tháng 9. Nếu mức dự đoán này là đúng thì chỉ số giá tiêu dùng sẽ lên đến 7,72%. Trong khi đó, theo quy luật, 4 tháng cuối năm, tốc độ tăng giá cả thường mạnh hơn kéo theo giá tiêu dùng và giá dịch vụ cũng tăng mạnh. Nếu bình quân những tháng cuối năm tăng 0,4% thì mức tăng giá cả năm là mốc 8% sẽ bị vượt qua.
Chỉ số giá có thể vượt 8%, đời sống người dân tiếp tục bị ảnh hưởng. (Ảnh: P.Hà)
Một chuyên gia từ Bộ Tài chính thậm chí còn cho biết, chỉ số giá liên tục tăng mạnh hơn dự báo nên khả năng kìm giữ chỉ số giá rất khó khăn. Không chỉ 8% mà mức 8,2% cũng có thể bị vượt qua.
Cuộc họp mới nhất của Tổ điều hành thị trường trong nước tiếp tục cảnh báo những yếu tố bất lợi trong những tháng cuối năm gây ảnh hưởng lên giá cả như: tình hình thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn diễn biến khó lường; giá cả vật tư hàng hóa trên thị trường thế giới còn ở mức cao nhất là giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu, kim loại, nông sản…; Nhu cầu tiêu thụ vật tư hàng hóa tăng cao do nhiều công trình đầu tư sẽ được giải ngân.
Đặc biệt, việc chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết, hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu sẽ tạo sức ép lên nguồn cung. Trong khi đó, lượng tiền sẽ đổ ra thị trường mạnh do giải ngân đầu tư, tiền thưởng, kiều hối tăng… Tất cả, sẽ tạo sức ép tăng giá trên thị trường.
Trong khi đó, trong quá trình điều hành giá cả, bên cạnh những có khả năng điều tiết của Nhà nước và những yếu tố thị trường có khả năng điều tiết thì vẫn có những yếu tố nằm ngoài khả năng điều tiết của Nhà nước.
Thời gian vừa qua, giá tăng chủ yếu là ở nhóm lương thực và thực phẩm. Nhóm hàng này có tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa nhưng lại phụ thuộc rất lớn vào thời tiết và một số phục thuộc vào nguyên liệu thế giới. Đây là yếu tố các cơ quan quản lý và DN không thể chủ động được mà chỉ phòng chống được ở phạm vi nhất định.