TP.HCM: Cơ hội nào cho nhà đầu tư?

Ưu tiên công nghệ cao

Ông Nguyễn Trung Tín (giữa) cùng một số lãnh đạo Sở, ngành tại buổi giao lưu trực tuyến. (ảnh: PC)

Trả lời câu hỏi của PV báo điện tử VietNamNet về nội dung lợi thế thu hút đầu tư của TP hiện nay có thay đổi gì so với cách đây gần 10 năm chỉ chủ yếu dựa vào vị trí thuận lợi, ông Nguyễn Trung Tín trả lời: Về đầu tư nước ngoài, hiện Chính phủ đã có quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong đó có TP.HCM đến năm 2020. TP xác định chuyển hướng phát triển từ công nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ, ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, ít thâm dụng lao động.

Trên cơ sở đó, TP đã có những chính sách thu hút đầu tư: Tập trung quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp, nhằm tiếp tục tạo lợi thế thu hút nhà đầu tư. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng từng loại ngành nghề công nghệ cao. Những ngành nghề thâm dụng lao động sẽ được chuyển hướng về các địa phương khác, nơi có điều kiện về đất đai và nhiều lao động phổ thông.

Đồng thời, TP tiếp tục phát triển các đô thị mới nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực tài chính, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, kể cả các dịch vụ phục vụ cho sinh hoạt của các nhà đầu tư.

TP đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông như các tuyến metro, đường vành đai, cầu... để đảm bảo phát triển công nghiệp TP và cả vùng.

TP đang rà soát loại bỏ hoặc sửa đổi những quy định hiện hành không còn phù hợp với các luật mới, ngăn chặn sự tùy tiện, nhũng nhiễu do các văn bản hướng dẫn luật còn nhiều bất cập. Về thủ tục hành chính, phấn đấu thực hiện theo cơ chế “một cửa”, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

Độc giả Nguyễn Thị Hạnh, quận Tân Phú hỏi về chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư vào Khu công nghệ cao. Theo ông Nguyễn Trung Tín, TP ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao như: ưu đãi giá thuê đất(dự án Intel). Nhưng do diện tích trong Khu công nghệ cao ít, phải sử dụng có hiệu quả, vì vậy TP không xây dựng nhà xưởng để cho thuê trong Khu công nghệ cao. Về chính sách ưu đãi thuế, TP sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép vận dụng mức thuế ưu đãi cao nhất (thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án) đối với dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao thuộc lĩnh vực nghiên cứu - phát triển và ươm tạo doanh nghiệp.

Những “khu đất vàng”: Đấu thầu công khai

Về 20 “khu đất vàng”, như Khu Tam giác Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão (Q.1), Khu đối diện khách sạn Park Hyatt (nhà hàng Lion, Hoàng Long…) (Q.1),
TP đã có giao 6 khu cho nhà đầu tư, 3 khu thuộc sự quản lý của Bộ, ngành và các khu còn lại UBND TP đang giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn chỉnh chỉ tiêu quy hoạch để kêu gọi đầu tư.

Dự kiến, đầu tháng 10, TP sẽ bắt đầu phát hồ sơ mời thầu cho các “khu đất vàng” còn lại. Đối với  trường hợp 1 vị trí nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký đầu tư thì sẽ tiến hành đấu thầu để chọn nhà đầu tư có năng lực.

Độc giả Trần Trường, quận 1, hỏi về việc xoá độc quyền trong đầu tư một số ngành nghề. Ông Tín khẳng định: TP đang tiếp tục kiến nghị với Chính phủ đưa ra lộ trình cụ thể xóa bỏ các ngành kinh doanh độc quyền và kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực mà hiện nay giá cả đầu vào còn cao như: điện, bưu chính – viễn thông, cước phí vận tải, dịch vụ bến cảng, sân bay... để hạ thấp chi phí dịch vụ cho doanh nghiệp.

Khuyến khích đầu tư khu đô thị mới

Trước câu hỏi của độc giả Phương Linh, Thanh Xuân, Hà Nội về biện pháp khuyến khích các nhà kinh doanh bất động sản Việt Nam liên kết xây dựng các khu đô thị vệ tinh thành công mang hiệu quả cao như Phú Mỹ Hưng, ông Nguyễn Trung Tín cho hay: Hiện tại, bên cạnh các khu đô thị mới như Thủ Thiêm, Hiệp Phước, Tây Bắc Củ Chi, Cần Giờ cũng là địa điểm đang được kêu gọi đầu tư. Các doanh nghiệp nên tập hợp tài chính để hình thành cơ sở bền vững nhằm giúp môi trường TP không bị suy thoái khi tiến hành đầu tư.

TP cũng khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm tập hợp tài chính tham gia với TP đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường. TP cam kết kêu gọi đầu tư với hình thức công khai, tìm những nhà đầu tư có năng lực để phát triển TP thành một đô thị hoàn chỉnh với nhiều dạng công trình.

Độc giả Bích Ngọc, quận Bình Thạnh, thắc mắc về chính sách đầu tư nhà ở, chung cư cho người thu nhập thấp. Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Dũng cho hay: TP đang cần 30.000 căn nhà phục vụ tái định cư. TP cũng đang cần khoảng 30.000 đến 60.000 giường lưu trú công nhân. Đội ngũ cán bộ công chức, người làm công ăn lương, dân nghèo thành thị cũng đang cần 25.000 căn nhà.

Về nhà chung cư, TP hiện có 152 chung cư phải xây lại, trước mắt phải xây lại 67 địa điểm chung cư nằm ở trung tâm các quận nội thành. Nhà đầu tư có thể tham gia với thành phố xây các chung cư ở các quận ven thành phố như Q9, Q12, Q2 ...hoặc tham gia xây lại các chung cư trung tâm nội thành. Danh mục 67 địa điểm chung cư nêu trên hiện có trên trang web của Sở Xây dựng.

Trước câu hỏi TP hiện trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, nhưng trên thực tế vẫn còn có một số dự án có vốn đầu tư nước ngoài chưa thể triển khai do vướng mắc nào, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư, cho biết: Hiện nay có khoảng 10 dự án đang bị vướng về đền bù giải tỏa, như phát triển nhà Thành Công, đô thị Shing Việt, Saigon Center, Keppel-Land; Tunyang-bescon; khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, Lee-co... TP đang chỉ đạo Sở Kế hoạch – Đầu tư làm đầu mối làm việc với các cơ quan chức năng liên quan để tháo gỡ vấn đề này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây