Quy mô thị trường ngày càng lớn đòi hỏi phải đổi thay phương thức giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, và quan trọng hơn là đưa thị trường vận hành theo hướng hiện đại, tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin để hoàn thiện các giao dịch.
Vì vậy, sau một thời gian áp dụng thành công giao dịch khớp lệnh liên tục, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã chính thức công bố lộ trình phát triển công nghệ thông tin và tiến tới giao dịch không sàn.
Theo kế hoạch, từ tháng 10 đến hết quý 1/2008, HOSE sẽ thử nghiệm phương thức giao dịch này, tuy nhiên vẫn sẽ duy trì hình thức đại diện sàn song song. Bước đầu có hai công ty chứng khoán được chọn làm thí điểm thực hiện giao dịch. Sau đó, những công ty chứng khoán có phần mềm đáp ứng đủ điều kiện kết nối sẽ tiến hành giao dịch trực tuyến. Những thành viên còn lại vẫn tiếp tục giao dịch theo phương thức cũ. Việc bỏ sàn hoàn toàn có thể phải tới năm 2010 mới thực hiện được.
Để triển khai phương thức giao dịch không sàn, các màn hình nhập lệnh sẽ được đưa về các công ty chứng khoán và nối trực tiếp với máy chủ của HOSE. Lệnh của nhà đầu tư sẽ được nhập thẳng vào máy chủ của HOSE chứ không phải thông qua các đại diện giao dịch tại các công ty chứng khoán như hiện nay. Khi đó nhà đầu tư không cần phải đến sàn mà có thể nhập lệnh qua mạng hoặc nhắn tin từ điện thoại di động.
Việc giao dịch không sàn sẽ mang lại lợi ích cho cả ba phía: HOSE, công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Theo đó HOSE sẽ tiết kiệm được khoản diện tích dành cho các công ty chứng khoán tại đây và giảm tối đa chi phí liên quan đến các phương tiện vật chất cần trang bị cho một sở giao dịch “có sàn”, tiết giảm nhân sự. Giao dịch không sàn cũng tạo ra cơ hội giao dịch nhiều loại sản phẩm chứng khoán khác nhau, hay kết hợp nhiều loại thị trường tại cùng một địa điểm trên cùng một phương tiện.
Với các công ty chứng khoán, việc này sẽ giúp họ phục vụ tốt hơn nhằm đem đến cho nhà đầu tư một phương thức giao dịch mới, an toàn và hiệu quả. Nguồn nhân lực của công ty chứng khoán sẽ được giảm bớt khi lượng nhà đầu tư đến sàn ngày một giảm.
Còn nhà đầu tư được hưởng những lợi ích như giao dịch chứng khoán nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí khi mua bán cổ phiếu qua Internet, sẽ không còn phải lo lắng về việc lệnh của mình có vào được hệ thống của HOSE hay không.
Rút kinh nghiệm của quá trình chuyển từ khớp lệnh định kỳ sang “khớp lệnh liên tục”, sự chậm trễ của các công ty chứng khoán khiến phải nhiều lần trì hoãn khớp lệnh liên tục, lần này HOSE tiến hành chuyển màn hình nhập lệnh về công ty chứng khoán, tạo sức ép cho các công ty phải chuẩn bị rất nhiều việc như: xây dựng lại quy trình nghiệp vụ, tuân thủ quy trình nghiệp vụ cao hơn, phân biệt giữa nhận lệnh và chuyển lệnh, chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật máy móc thiết bị, kết nối về mạng, phương án dự phòng sự cố…
Theo tiêu chuẩn giao dịch không sàn được HOSE công bố, các máy trạm nhập lệnh của những công ty chứng khoán được chọn phải xây dựng thành công hai đường truyền leased line của VNPT và Viettel chạy load balancing theo mô hình của HOSE, các máy trạm nhập lệnh chỉ được cài duy nhất một hệ điều hành Windows XP Pro có bản quyền, bật chức năng kiểm soát từ xa, cài các phần mềm bảo mật và nghiệp vụ khác theo quy định, nhân viên IT phải đạt trình độ tối thiểu về network, có khả năng cấu hình và khắc phục sự cố kỹ thuật…
Sở Giao dịch chứng khoán đảm nhận việc cài đặt và cập nhật phần mềm Antivirus trên các máy trạm này, cũng như giám sát và giữ mật khẩu Administrator. Các máy tính đặc biệt cũng không được sử dụng vào bất cứ việc gì khác kể cả ngoài giờ nhập lệnh. Nếu phát hiện vi phạm đơn vị sẽ bị kỷ luật theo quy định.
Các quy định nghiêm ngặt về sắp xếp chỗ đặt màn hình nhập lệnh riêng, lắp đặt camera theo dõi mà HOSE đặt ra là nhằm kiểm soát việc chuyển lệnh của công ty theo đúng quy trình. HOSE cũng cảnh báo sẽ không thể có chuyện cài đặt phần mềm nhằm sửa đổi dữ liệu trong máy, thay đại diện sàn, hay ưu tiên nhập lệnh một cách tùy tiện…, vì sẽ có những biện pháp để kiểm tra kiểm soát, phát hiện các sai phạm như khi màn hình nhập lệnh đặt tại sàn.
Ngoài những yêu cầu về chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin còn có một số tiêu chuẩn khác như công ty phải có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại TP.HCM và đặc biệt là số lượng máy nhập lệnh hiện tại ở HOSE phải đạt từ năm màn hình trở lên, mà theo HOSE là để hạn chế số lượng công ty tham gia thử nghiệm, bởi đội ngũ cán bộ kỹ thuật của họ không đủ để chia ra hỗ trợ nhiều công ty một lúc trong giai đoạn thử nghiệm.
Đầu tiên hai công ty được chọn cũng sẽ chỉ đưa khoảng ba màn hình nhập lệnh về sàn, số còn lại vẫn được đặt tại HOSE để đề phòng rủi ro. Để đảm bảo công bằng cho nhà đầu tư cũng như tránh thiệt thòi nhà đầu tư nhỏ lẻ, bộ phận nhận lệnh của nhà đầu tư sẽ tách bạch với bộ phận nhập lệnh trực tiếp. Lệnh phải thông qua nhân viên nhận lệnh mới được chuyển vào phòng đặt máy trạm.
Tuy nhiên theo đánh giá của một số chuyên gia về công nghệ thông tin, trong giai đoạn đầu, phương thức giao dịch không sàn của HOSE chỉ mới dừng lại ở hình thức chuyển các đại diện sàn về công ty chứng khoán, để giảm tải chỗ ngồi tại HOSE, chứ chưa thể o¬nline trực tiếp với các công ty chứng khoán. Điều đó cũng có nghĩa, phải mất một thời gian dài nhà đầu tư mới có thể mua bán một cách dễ dàng qua Internet ở mọi lúc mọi nơi, thay vì phải chen chúc ở các sàn chứng khoán như hiện nay.
Nếu tính theo số màn hình nhập lệnh, chỉ khoảng sáu công ty trên tổng số gần 60 thành viên đạt chuẩn giao dịch không sàn. Mặc dù vậy, kể cả các công ty chứng khoán có năm màn hình nhập lệnh hiện nay, không phải công ty nào cũng đáp ứng đủ điều kiện về công nghệ.
Vì thế, tuy ý kiến chung đồng tình với phương thức sớm áp dụng giao dịch không sàn, bên cạnh đó cũng còn điều băn khoăn, nhất là tính bảo mật cũng như e ngại sẽ xảy ra tình trạng nghẽn mạch khi áp dụng phương thức mới này, khi nhớ lại lúc phương thức “khớp lệnh liên tục” mới áp dụng, bảng giao dịch trực tuyến của nhiều công ty chứng khoán và cả HOSE liên tục gặp sự cố.
Do việc đặt lệnh của nhà đầu tư sẽ dễ dàng hơn, nên trong vòng một phút có thể có hàng triệu lệnh được đẩy đi. Liệu đường truyền từ các công ty chứng khoán tới HOSE có thể đáp ứng được hay không?
Những lo lắng trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi hiện mới có rất ít công ty chứng khoán chú trọng phát triển công nghệ của mình. Nguyên nhân thì có nhiều, song một trong số đó là do phong trào đua nhau mở công ty chứng khoán trong khi điều kiện vật chất cũng như trình độ chưa hoàn toàn đáp ứng được. Nhiều công ty vẫn còn sử dụng những phần mềm được viết từ cách đây sáu bảy năm. Các thành viên thị trường xây dựng hệ thống riêng của mình theo khả năng tài chính và chính sách phát triển công nghệ thông tin, chưa có chuẩn công nghệ thống nhất chung trong toàn ngành.
Ngoài ra, liên quan đến vận hành hệ thống, khi xét lại nguyên nhân những sự cố gần đây, hầu hết những sai sót không thuộc về tính năng, chất lượng công nghệ mà liên quan đến nhân viên vận hành. Điều này cho thấy chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng đúng yêu cầu.
Mặt khác, hệ thống văn bản pháp luật liên quan cũng đang trong quá trình hoàn thiện, nên việc xây dựng và khai thác các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành cũng gặp những khó khăn nhất định, nhất là trong việc nâng cấp cho phù hợp khi có những thay đổi trong các quy định pháp luật, quy trình nghiệp vụ.
Thật ra, việc nâng cao khả năng kết nối bằng công nghệ thông tin là vô cùng cấp bách với một thị trường tăng trưởng nhanh chóng như TTCK của chúng ta. Khi đó, công ty nào không đáp ứng được nhu cầu thì nhà đầu tư sẽ từ bỏ họ và tất yếu công ty đó sẽ bị đào thải khỏi thị trường.
Giao dịch không sàn là xu hướng tất yếu của các thị trường chứng khoán. Việc áp dụng công nghệ hiện đại vào giao dịch là cách nhanh nhất để thị trường chứng khoán Việt Nam thích ứng với thế giới.