Ngôi sao bình minh Doji
Doji Star xuất hiện ở cuối một xu hướng giảm giá, sau đó được tái khẳng định bởi một kỳ tăng trưởng tiếp theo, được giới phân tích kỹ thuật gọi là “ngôi sao bình minh”. Ngôi sao bình minh là chỉ báo cho một sự đảo chiều từ xu hướng giảm giá sang xu hướng tăng giá. Liệu “ngôi sao bình minh” tháng 8/2007 có phải là chỉ báo cho một xu hướng tăng giá (uptrend) mới của thị trường?
Tại thời điểm hiện nay, khi tin tức lạc quan đang nhiều hơn tin tức bi quan, chúng tôi cho rằng vẫn còn hơi sớm để khẳng định về xu hướng uptrend mới của thị trường. Ngôi sao Doji tháng 8/2007 chỉ thực sự là mẫu hình “ngôi sao bình minh” nếu thị trường khẳng định (follow through) bằng một tháng tăng trưởng mạnh tiếp theo (so sánh với mẫu hình ngôi sao bình minh lý thuyết). Dù vậy, nhất quán với các phân tích đưa ra từ cách đây trên 7 tuần, chúng tôi tiếp tục rất lạc quan về tương lai trung hạn của thị trường.
Nhân tố IPO “khủng long” VCB trong sự hồi phục của thị trường
Trái với nhiều lo ngại trước đây về việc IPO các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ sẽ là nhân tố kìm hãm thị trường, thực tế đang chứng minh điều ngược lại.
Trong cuộc họp ngày 29/8, Chính phủ đã chấp thuận hầu hết các đề nghị lớn của Vietcombank và tiến trình cổ phần hóa ngân hàng này nhiều khả năng sẽ được hoàn tất trong tháng 11/2007.
Thứ nhất, VCB sẽ được định giá dựa trên giá trị trên sổ sách theo thông lệ quốc tế. Giá trị thị trường sẽ được quyết định thông qua đợt IPO. Điều này khiến vốn điều lệ (equity) của VCB không bị pha loãng khiến cổ phiếu VCB trở nên hấp dẫn và đắt giá hơn.
Thứ hai, việc lựa chọn đối tác chiến lược và giá bán cổ phiếu cho đối tác chiến lược sẽ được hoàn tất trước thời điểm IPO. Đây là một quyết định quan trọng và hợp lý, làm tăng tính hấp dẫn của đợt IPO này.
Thứ ba, IPO không chỉ đơn thuần là việc VCB bán bớt cổ phần của nhà nước mà thực sự là một sự đổi mới toàn diện về chiến lược phát triển, quản trị công ty, cách thức tổ chức… của VCB, khiến cho ngân hàng này có sức cạnh tranh mạnh hơn và bước sang một giai đoạn phát triển mới. Cam kết này của ban lãnh đạo VCB là một tín hiệu rất tốt đối với các NĐT, đặc biệt các NĐT chiến lược.
Từ những lý do cơ bản trên, có thể tin tưởng rằng cuộc đấu giá IPO sắp tới của VCB sẽ thành công. Giá đấu giá thành công sẽ ở mức khá cao so với giá cổ phiếu trên thị trường của các ngân hàng đã cổ phần hóa. Do vậy, IPO của VCB sẽ là một lực đẩy quan trọng đối với thị trường nói chung, và cổ phiếu ngành ngân hàng tài chính nói riêng.
Các nhân tố cơ bản khác tiếp tục đáng lạc quan
Tại cuộc họp Chính phủ bất thường ngày 5/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ rằng từ nay đến cuối năm, nếu chỉ đạo quyết liệt và tập trung tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh thì tốc độ tăng GDP có khả năng đạt trên 8,5%. Thủ tướng cũng đã chỉ thị rằng năm 2008 phải đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 9,1-9,2% để đạt GDP bình quân đầu người 1.000 USD, giảm tỉ lệ nghèo xuống còn 11%.
Đây là những mức tăng trưởng khá ngoạn mục, nhưng cũng rất khả thi. Đồng thời, vấn đề lạm phát cũng được được giải quyết khá tốt và các biện pháp thặt chắt tiền tệ đang ảnh hưởng tối thiểu tới tăng trưởng kinh tế. Những tín hiệu vĩ mô tích cực này tiếp tục là bệ đỡ cho thị trường cuối năm và trong cả năm 2008 sắp tới.
Quý IV thường là giai đoạn TTCK có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong một năm khi mà các công ty niêm yết cho thấy thành quả một năm kinh doanh thành công. Trong 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của VN-Index trong quý IV lần lượt là 21,3%, 20,6% và 43,46% (nguồn: Đầu tư chứng khoán). Qua sự thể hiện trong nửa đầu năm 2007, hầu hết các công ty niêm yết sẽ đạt và vượt kế hoạch kinh doanh cả năm. Như vậy hoàn toàn có thể kỳ vọng hợp lý về mức tăng trưởng trên 20% của Vn-Index trong quý 4 năm 2007.
Áp lực giải ngân đang trở nên quá nặng nề với các quỹ đầu tư, cho dù là các quỹ đầu tư nước ngoài hay các quỹ đầu tư và quỹ tự doanh trong nước. Với việc tiến độ IPO các doanh nghiệp lớn chậm lại đáng kể, rõ ràng các quỹ sẽ phải giải ngân nhiều hơn trên thị trường niêm yết. Không loại trừ việc tranh mua sẽ tái xuất hiện trong thời gian tới, khi mà lệnh mua của các NĐT nhỏ sẽ bị hắt hủi một lần nữa và các NĐT nhỏ sẽ lại tiếp tục gánh chịu thua thiệt.
Theo những nguồn tin mà chúng tôi thu thập được, hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy room sở hữu dành cho các NĐT nước ngoài sẽ được điều chỉnh gia tăng trong thời gian gần.
Phân tích kỹ thuật
Tuần qua, thị trường đã có một số bước tiến quan trọng:
Chúng tôi không đi sâu vào phân tích các chỉ số kỹ thuật, mà chỉ điểm qua quan sát đối với một số chỉ số chính. Một ví dụ là chỉ số Aroon (biểu diễn ở khung trên cùng của đồ thị). Aroon có nghĩa là “bình minh ló dạng” chỉ báo sự khởi đầu của một xu hướng mới (new trend). Khi Aroon up ở trên giá trị 70 và Aroon down ở dưới giá trị 30 thì đó là dấu hiệu của một xu hướng tăng giá. Theo khung trên cùng của đồ thị, Aroon up đang ở mức 80 và Aroon down ở mức 20. Các chỉ số MACD, RSI, ADX v.v. cũng đều đang cho các chỉ báo tích cực.
Kết luận và khuyến nghị
Như vậy, tuần tới thị trường nhiều khả năng sẽ đạt mức 950 điểm. Đây là mức có sức kháng cự khá lớn, do vậy VN-Index có lẽ sẽ phải thoái lui khi gặp mức này. Tuy nhiên, đó chỉ là sự thoái lui tạm thời, và ngưỡng cản mạnh thực sự đối với VN-Index là mức 980-1000 điểm.
Trong 3 báo cáo gần đây nhất, chúng tôi liên tục đưa ra khuyến nghị mua vào đối với các NĐT. Khuyến nghị trong báo cáo tuần này của chúng tôi là: NĐT đã mua vào chưa nên vội bán ra, và NĐT nếu vẫn còn quá nhiều tiền mặt thì nên mua vào nhanh chóng trong các phiên điều chỉnh sắp tới. Tránh tình trạng bán ra rồi mua vào với giá cao hơn hoặc mua vào khi cổ phiếu đã tăng giá mạnh và gần đạt mức đỉnh để thu dọn chiến trường cho các NĐT khác.
Cụ thể, các NĐT nên quan tâm nhiều hơn tới nhóm cổ phiếu giá thấp ở sàn TP.Hồ Chí Minh và sàn Hà Nội. Trước mắt, cần chú ý tới các công ty nhỏ có kết quả kinh doanh lạc quan trong nửa đầu năm 2007 và giá cổ phiếu đã sụt giảm nhiều, như VPK, MCV, POT hay NSC. Cổ phiếu ngân hàng, tài chính cũng là một sự lựa chọn đáng cân nhắc.