Ngày 12/9/2007, Hiệp hội thép Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính báo cáo về diễn biến thị trường thép xây dựng.
Căng thẳng giá phôi
Theo đó, giá phôi thép nhập khẩu bình quân năm 2006 chỉ ở mức 389USD/tấn thì từ tháng 5 đến tháng 8/2007 giá phôi thép nhập khẩu lần lượt là 485USD/tấn; 513USD/tấn; 523USD/tấn và 530USD/tấn.
Bước sang tháng 9/2007, do nguồn cung ứng phôi thép bị giới hạn bởi chính sách hạn chế xuất khẩu bán thành phẩm của Trung Quốc, giá phôi thép nhập khẩu đã bị đẩy lên cao chưa từng có trong lịch sử.
Những chào hàng gần đây, giá phôi thép đã ở mức 570-580 USD/tấn CFR. Với giá phôi thép nhập khẩu đã ký hợp đồng ở mức 550-560 USD/tấn mà vẫn duy trì giá bán hiện nay như của Tổng Công ty Thép Việt Nam, chắc chắn sẽ bị thua lỗ như tình trạng năm 2005, không đảm bảo tái sản xuất, có thể dẫn đến thiếu thép cung cấp cho thị trường đang bước vào mùa xây dựng nhu cầu tăng cao.
Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Chí Cường Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết thị trường thép đang rất căng thẳng, trong tháng 8/2007 Tổng công ty Thép Việt Nam đã thua lỗ nặng do không tăng giá bán thép.
Sản xuất thép tại Công ty thép Phú Mỹ. (Ảnh minh hoạ: nguồn Báo Tuổi trẻ) |
Theo ông Mai Văn Tinh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty thép Việt Nam, do hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã khuyến cáo các đơn vị thành viên không nên tăng giá thép trong thời gian qua. Nhưng do giá phôi tăng mạnh liên tục làm cho nhiều doanh nghiệp thành viên gặp khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp thép thành viên thuộc Tổng công ty , kể cả các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài trong tháng 8 bị thua lỗ hoặc hoà vốn. Hiện số lỗ của các doanh nghiệp vào khoảng 10 tỷ đồng. Trong đó có một số doanh nghiệp như Nasteel Vina, thép Việt Hàn (VPS), mỗi doanh nghiệp đã bị thua lỗ tới 2 tỷ đồng trong tháng 8.
Hiện nay giá thép của các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Thép đều thấp hơn giá thép của các doanh nghiệp bên ngoài tới hơn 200.000 đồng/tấn. Cụ thể giá giao tại nhà máy, chưa có thuế VAT của Công ty Gang thép Thái Nguyên đang là 9.645.000 đồng/tấn (thép cuộn) và 9.795.000 đồng/tấn (thép cây), còn với công ty thép miền Nam là 9.500.000đồng/tấn (thép cuộn) và 9.650.000 đồng (thép cây), trong khi đó các doanh nghiệp khác đang bán với mức giá thấp nhất cũng là 9.920.000đồng/tấn.
Do giá phôi thép nhập khẩu tăng mạnh, một số doanh nghiệp đã tăng giá thép lên thêm 100.000 -200.000 đồng/tấn ngay đầu tháng 9/2007. Có nhiều doanh nghiệp đã bán thép với giá từ 10.100.00 - 10.200.000 đồng/tấn.
Các doanh nghiệp thép cho biết sẽ còn tăng giá thép trong thời gian tới. Theo ông Lê Ngọc Sơn - Trưởng Phòng quan hệ Quốc tế công ty thép Việt Ý thì giá phôi thép tại Trung Quốc tuần qua có ngày tăng tới 150 nhân dân tệ/tấn.
Với đà tăng giá này, theo tính toán kể cả Chính phủ có bỏ nốt 2% thuế nhập khẩu phôi thì giá thép vẫn lên tới gần 11 triệu đồng/tấn giao tại nhà máy chưa có VAT, ông Sơn nói.
Vì sao vẫn chưa công bố kết quả thanh tra giá thép?
Liệu giá thép tăng có phải là do nguyên nhân khách quan như doanh nghiệp nói? Nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về vấn đề này. Trong khi đó việc thanh tra các doanh nghiệp thép đã kết thúc được gần 1 tháng nhưng đến nay kết quả vẫn chưa thấy công bố. Rất nhiều người quan tâm đang mong đợi kết quả thanh tra để được biết rõ thực hư giá thép tăng trong thời gian qua như thế nào.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính chỉ cho biết, qua thanh tra nguyên nhân tăng giá mặt hàng này trong những tháng đầu năm có tính chất khách quan là giá thế giới tăng cao. Trong đó, giá phôi thép tăng gần 20%. Tuy nhiên, có nguyên nhân chủ quan là các doanh nghiệp hạch toán chi phí nhiều khoản còn cao và đây là những yếu tố có thể tiết giảm được trong 6 tháng cuối năm.
Các DN mà đoàn đến kiểm tra đều đã cam kết cắt giảm chi phí, trước hết là để giữ ổn định giá đến hết 2007. Tất nhiên là trong trường hợp giá thế giới ổn định hay chỉ tăng lên trong mức có thể chịu đựng được.
Căn cứ trên tình thực tế và yêu cầu của đoàn kiểm tra, nhiều doanh nghiệp đã có những phản ứng tích cực. Cụ thể, Công ty Thép Việt - Úc giảm 200 đồng/kg. Thép Thái Nguyên đã giảm 100 - 200 đồng kg.
Nhưng đến nay thì thép Việt - Úc đã tăng giá trở lại đúng 200 đồng/kg, các công ty khác như Vinakyoei (Thép Việt -Nhật) cũng đã tăng giá thêm từ 100 - 200đồng/kg, chỉ có thép Thái Nguyên và thép miền Nam là chưa tăng giá. Vậy các cam kết cắt giảm chi phí để ổn định giá trong 6 tháng cuối năm 2007 là như thế nào và liệu rằng mức tăng giá phôi như hiện nay trên thị trường thế giới đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp?
Đã có câu hỏi đặt ra về hiệu quả của đợt thanh tra giá thép vừa qua: Khi thanh tra thì các doanh nghiệp giảm giá ngay lập tức và cam kết giữ ổn định giá, nhưng sau thanh tra thì giá lại tăng lên như cũ?