Ngày 12-9, ông Abe tuyên bố sẽ từ chức thủ tướng trong cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp toàn quốc. Không hề che giấu vẻ mệt mỏi của một người đã đầu hàng số phận, ông Abe, 52 tuổi, thừa nhận vào thời điểm này chính phủ hầu như không thể đưa ra những chính sách giành được sự ủng hộ của công chúng.
Mệt mỏi thể xác
Theo Itar-Tass, ông Abe từng thú nhận trước các đồng sự: "Tôi mệt mỏi. Nghị lực chính trị trong tôi đã kiệt". Chánh văn phòng nội các Nhật Kaoru Yosano nói trên Bloomberg rằng ông Abe gặp "một số vấn đề về sức khỏe", trong khi nhà phân tích quân sự Kazuhisa Ogawa nói "ông Abe không đủ sức khỏe thể chất và đã mất ý chí tinh thần để tiếp tục (điều hành đất nước)".
Ông Taro Aso tự tin vào khả năng của mình - Ảnh: Reuters |
Nguồn tin Kyodo cho biết ông Abe quyết định từ chức khi chủ tịch đảng Dân chủ đối lập Ichiro Ozawa từ chối gặp ông để thảo luận về dự luật chống khủng bố. Ông Abe muốn quốc hội gia hạn đạo luật chống khủng bố, cho phép lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản tiếp tục nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu cho tàu chiến và máy bay Mỹ trong chiến dịch chống khủng bố của Mỹ tại Afghanistan.
Nó được xem là một phần quan trọng trong nỗ lực của ông Abe nhằm thúc đẩy vai trò quốc tế của Nhật. Mỹ cũng từng khẳng định quan hệ giữa Washington và Tokyo sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu Nhật không tiếp tục hỗ trợ nhiệm vụ Afghanistan. Tuy nhiên, đảng Dân chủ đối lập nắm quyền kiểm soát thượng viện phản đối gay gắt dự luật này vì cho rằng nó vi phạm hiến pháp hòa bình của Nhật.
Cạn vốn chính trị
Ông Abe ra đi vì không thuyết phục được quốc hội gia hạn đạo luật là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, thời điểm tuyên bố từ chức vẫn gây không ít ngạc nhiên. "Ông ấy (Abe) từng nói sẽ quyết tâm để đạo luật được gia hạn, nhưng không hiểu sao ông ấy lại bỏ cuộc trước khi lâm trận" - nhà nghiên cứu Koichi Haji nhận định. Còn ông Ozawa không công nhận mình từ chối gặp ông Abe và cho biết sẵn sàng tiếp xúc với thủ tướng mới về vấn đề trên.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Eiken Itagaki, trong thời điểm nhuệ khí đã nhụt, ông Abe sợ rằng mình không còn đủ ảnh hưởng để thuyết phục quốc hội thông qua dự luật. "Abe đã hết sạch "vốn" chính trị, do đó ông thoái lui với hi vọng người thay thế sẽ cứu vãn được tình thế" - ông Eiken nhận định.
Dẫu sao đạo luật chống khủng bố cũng chỉ là cái đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài chôn vùi sự nghiệp chính trị của ông Abe. Yếu tố cốt lõi, như ông tự thừa nhận, chính là việc cả nội các mới lẫn cũ đều không giành được sự ủng hộ của người dân Nhật.
Trong một năm giữ cương vị thủ tướng, ông Abe đã phải chứng kiến tổng số bốn bộ trưởng trong cả hai nội các từ chức, và một bộ trưởng nông nghiệp tự sát, đều vì các xìcăngđan tài chính. Lòng tin của công chúng càng mất đi vì vụ bê bối mất hơn 50 triệu hồ sơ hưu trí. Trong khi đó, ông Abe cứ mải mê theo đuổi những mục tiêu xa vời như khôi phục vị thế toàn cầu, nâng cao tinh thần dân tộc mà lại lơ là chính sách kinh tế, vấn đề "cơm, áo, gạo, tiền" mà người dân quan tâm nhất. Hậu quả là thất bại cay đắng tại cuộc bầu cử thượng viện mới đây.
Ông Abe sẽ giữ vị trí thủ tướng tạm quyền cho đến khi đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền chọn được người thay thế. Nguồn tin đài truyền hình NHK cho biết LDP sẽ nhóm họp vào ngày 19-9 để chọn chủ tịch mới của đảng LDP, người sẽ lên nắm quyền thủ tướng.
Ai sẽ thay ông Abe? Theo các nhà quan sát, đương kim tổng thư ký Đảng LDP Taro Aso hiện đang là ứng cử viên số một cho chiếc ghế thủ tướng. Ông Aso, 66 tuổi, từng giữ cương vị bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng kế hoạch kinh tế, là đồng minh thân cận và luôn ủng hộ các chính sách của ông Abe. Cũng giống như ông Abe, ông Aso xuất thân từ một gia đình chính trị có truyền thống. Uy tín của ông trong đảng LDP cũng rất lớn. Năm 2006, ông Aso chỉ xếp sau ông Abe trong cuộc đua đến chiếc ghế chủ tịch LDP. Ông Aso cũng tạo nên một hình ảnh chính trị gia thân thiện, gần gũi khi tự nhận mình là một độc giả trung thành của manga (truyện tranh Nhật). Ông đặc biệt hâm mộ loạt truyện tranh Rozen Maiden, do đó được đặt biệt danh "Rozen Aso". Ngoài ông Aso còn một vài nhân vật khác có khả năng lên chức thủ tướng Nhật. Đó là cựu bộ trưởng tài chính Sadakazu Tanigaki, cựu chánh văn phòng nội các Yasuo Fukuda và bộ trưởng ngoại giao Nobutaka Machimura. Thậm chí nhiều người đã đặt cược rằng cựu thủ tướng Junichiro Koizumi có thể được triệu hồi trở lại để nắm quyền. |
Quan sát & bình luận Tự điều chỉnh Với bốn bộ trưởng phải từ chức trong vòng chín tháng qua, rõ ràng ông Abe không còn gì để tự biện hộ. Rồi một chính khách khác sẽ lên thay ông Abe, lập một chính phủ mới. Từ sau Thế chiến thứ hai, Nhật và Ý luôn dẫn đầu về số lần thay đổi nội các do từ chức và tai tiếng. Ở Hàn Quốc, từ những năm 1990, sau khi giới quân nhân buộc phải rũ áo ra đi, nhường chỗ cho giới dân sự, không ít vụ tai tiếng đã vỡ lở, dính líu đến thân nhân các tổng thống. Rõ ràng là ở các nước ấy, tham nhũng cũng như rươi. Thế nhưng, không vì "như rươi" mà để xã hội "thối như mắm". Trong các xã hội ấy có những cơ chế tự điều chỉnh để không diễn ra tình trạng "không bị trừng phạt" kéo dài. Có thể qua việc truy tố ra tòa, có thể qua lá phiếu cử tri, cũng có thể như thường thấy ở Nhật, là bản thân các đương sự ấy từ chức. Trong những trường hợp này, ngoài yếu tố bản thân tự trọng tự xử, thậm chí tự tử vì "muối mặt", cũng có thể do trong nội bộ đảng LDP "vận động" đương sự từ chức cho khỏi "rầu cả nồi canh". Một sự tự trọng tập thể. Hậu quả là gì? Nước Nhật có vì thế mà yếu đi không? Nước Ý cũng có yếu đi không? Hàn Quốc có yếu đi không? Hai trong ba nước đó vẫn đang đường hoàng nằm trong nhóm G7, đứng đầu thế giới về kinh tế - không phải kết nạp "vớt" kiểu "G7+1"... Năm ngoái, Nhật vẫn được xếp hạng "sạch" thứ 17 trên bảng xếp hạng cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, trên cả Pháp (hạng 18) và Mỹ (hạng 20). Hàn Quốc và Ý vẫn ở vị trí 42 và 45/163. Các kết quả xếp hạng này càng cho thấy ý nghĩa và tác dụng của cơ chế tự điều chỉnh tại các nước này. Sẽ là ngớ ngẩn nếu tin rằng trên thế giới này có những nơi không có tham nhũng hoặc hủ hóa. Nhân vô thập toàn, phương Đông quan niệm như thế. Thậm chí phương Tây còn tuyên xưng "quyền sai sót" (droit à lerreur). Vấn đề là có tự điều chỉnh? Nếu nhớ rằng điều chỉnh chính là bản chất của sự tiến hóa của con người, từ loài hầu nhân bò bốn chân lượm hái đến thẳng lưng cày cấy, trước khi trở nên béo phì vì ngồi một chỗ như ngày nay (và sẽ tự điều chỉnh để không yểu mạng), thì càng hiểu được tại sao người Nhật cũng dính tham nhũng mà vẫn cứ hùng cường. Tự điều chỉnh chính là để tiến hóa. |