Đây là khuyến cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trước tình hình lạm phát ở Việt Nam trong "Báo cáo triển vọng kinh tế châu Á 2007" mới được công bố.
Quan ngại trước lạm phát tăng cao
Báo cáo của ADB đã cho thấy lạm phát ở Việt Nam đang có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây. Lạm phát trung bình trung năm 2005 là 8,3%, 2006 là 7,5% và 7,3% tại thời điểm tháng 8 năm 2007. Điều đáng chú ý, mức lạm phát trung bình của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực. Cụ thể, mức trung bình các nước đang phát triển là thành viên của ADB là 3,4% năm 2005 và 3,3% năm 2006.
Theo phân tích của các chuyên gia ADB, trong các nguyên nhân gây lạm phát thì sự tăng giá của nhóm lương thực thực phẩm là nhân tố chính. Mức giá lương thực - thực phẩm ở Việt Nam thường cao hơn và không ổn định hơn so với các nước khác, mức tăng lương thực thực phẩm luôn ở mức cao hơn mức tăng giá tổng thể của CPI.
Trong khi đó, lương thực - thực phẩm chiếm tỷ lệ đến 42,8% trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu loại bỏ yếu tố lương thực - thực phẩm thì lạm phát vẫn ở mức khiêm tốn.
Lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng xấu đến người nghèo. (Ảnh: Phước Hà) |
Phân tích các nhân tố khác, ADB cho thấy có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến lạm phát ở Việt Nam. Trước hết, có thể thấy nhu cầu tiêu dùng đang tăng lên nhờ lượng kiều hối chuyển về nhiều, thu nhập của lao động tăng lên nhất là lao động có tay nghề. Trong khi lượng lao động có chất lượng cao ở Việt Nam tăng đến 40% thì ở khu vực chỉ tăng 17%. Bên cạnh đó, nhu cầu về hàng hóa dịch vụ về nhà ở, xây dựng tăng lên cũng khiến giá cả các mặt hàng này tăng theo.
Nguồn cung hàng hóa lại có những "cú sốc" như cúm gia cầm, dịch bệnh trên đàn lợn khiến giá thực phẩm tăng lên. Quá trình tự do hóa giá cả theo thị trường, theo quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam cũng tác động đến giá cả nói chung. Cụ thể, giá điện tăng 7%, than tăng 20%, nhiên liệu tăng 7,8%. Tuy nhiên, đây chỉ là những hiệu ứng một lần, không phải là liên tục.
Bên cạnh đó, dưới tác động của quá trình ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nên ảnh hưởng từ giá thế giới đến Việt Nam cũng nhanh và rất rõ nét. Việt Nam đang nhập khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như 100% xăng dầu, 70% nguyên liệu dệt may, nhiều vật tư cơ bản khác như phôi thép, phân bón... đây là những mặt hàng tăng giá mạnh trong thời gian qua.
Một nhân tố không thể không nhắc đến trong các yếu tố gây ra lạm phát cao ở Việt Nam trong những tháng đầu năm đó là các nhân tố tiền tệ như: tổng phương tiện thanh toán đã tăng lên mạnh mẽ do nguồn vốn FDI, FII và lượng tiền kiều hối tăng. Luồng vốn vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm là khoảng 7 tỷ USD và cần một lượng tiền tương ứng VND bơm ra lưu thông.
Bên cạnh đó, ADB cũng cảnh báo, lạm phát cũng có lý do từ sự yếu kém của hệ thống phân phối của Việt Nam mà dược phẩm là điển hình cho vấn đề này.
Trước tính hình này, ADB khuyến cáo, ảnh hưởng lạm phát sẽ giảm sức mua của người nghèo và làm tăng bất bình đẳng về thu nhập, có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng. Khi lạm phát vượt qua ngưỡng nhất định thì nó sẽ làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ADB cho rằng, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ và dự báo lạm phát năm 2007 sẽ ở mức 7,8% và giảm xuống 6,8% năm 2008.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh
Không có phép màu từ gia nhập WTO |
Việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO từ tháng 1/2007 chưa đem lại một phép màu nào. Những ai đã kỳ vọng có những phép màu từ việc Việt Nam gia nhập WTO có thể cảm nhận khác nhưng Việt Nam đã có tiến bộ quan trọng trong phát triển và cải cách kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam vẫn phát triển lành mạnh và nhanh chóng. Tuy nhiên, việc hội nhập WTO của VN là một vấn đề lâu dài chứ không phải là một sớm một chiều. Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia ADB tại VN, những ai kỳ vọng phép màu từ việc VN gia nhập WTO có thể nghĩ rằng, VN chưa tận dụng được cơ hội từ sự gia nhập này. Việt Nam gia nhập WTO và tiếp tục hội nhập nền kinh tế đất nước vào mạng lưới kinh doanh toàn cầu sẽ khuyến khích đầu tư nước ngoài và duy trì động lực cho cải cách trong nước. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ và đạt 8,3% năm 2007 và 8,5% trong năm 2008. Lợ ích thương mại từ việc gia nhập WTO dự kiến sẽ giữ mức tăng trưởng xuất khẩu trong mức 22% năm 2008. Ông Omkar Shrestha - Phó Giám đốc ADB tại Việt Nam khi giới thiệu báo cáo của ADB rất ấn tượng về kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với tốc độ 7,9% so với mức 7,4% của năm ngoái. |
Trong tốc độ phát triển đó, ADB nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng phát triển. Cụ thể, tăng trưởng công nghiệp tư nhân lên 20,5%, gấp đôi của khu vực Nhà nước. Nhìn lại 6 năm từ 2000-2006, đóng góp của khu vực ngoài quốc doanh từ 23% lên 38%. Đầu tư của Nhà nước giảm xuống. Như vậy, đóng góp của khu vực tư nhân ngày càng tăng lên.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm có tác động rất lớn từ nguồn đầu tư tăng mạnh, bao gồm 6,4 tỷ USD từ FDI và dự kiến lên đến 13 tỷ USD vào cuối năm. Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh tuy có những yếu tố không thuận lợi như xuất khẩu dầu thô giảm và thủy sản có những lo ngại về chất lượng xuất khẩu.
Theo ADB, trong hai quý của năm 2007 là quý III và IV thì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì. Và thông thường, kinh tế sẽ tăng vào cuối năm. Dự báo, tăng trưởng kinh tế dự kiến cả năm sẽ đạt mức 8,3% năm 2007 và 8,5% năm 2008.
Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng, khi nền kinh tế Việt Nam phát triển từ nền kinh tế thấp lên mức trung bình sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh. Chính phủ không những cần tập trung phát triển về kinh tế mà cần đầu tư phát triển các mục tiêu xã hội với rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Để tăng trưởng một cách hiệu quả thì ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng "cứng" thì còn cần phát triển cơ sở hạ tầng về xã hội. Một vấn đề nóng bỏng hiện nay là Việt Nam còn thiếu nhiều công nhân có trình độ cao và cần có biện pháp để đào tạo kỹ năng và tay nghề cho người lao động.