Vietcombank - một ngân hàng lớn chậm IPO so với dự kiến ban đầu. Ảnh VNN. |
Có vẻ như tiến trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của một số doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn đã được giãn ra với lập luận là thị trường chứng khoán đang ảm đạm, công chúng đã cạn tiền, việc phát hành cổ phiếu lúc này sẽ tăng cung làm cho thị trường đen tối hơn và nhà nước cũng sẽ thu được ít tiền hơn.
Thoạt nhìn thì thấy lập luận này dường như có lý. Tuy nhiên, nếu dựa trên mục tiêu của việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước sẽ thấy có điều gì đó không ổn.
Thứ nhất, nếu tham khảo các văn bản về cổ phần hoá sẽ thấy rất rõ mục tiêu quan trọng nhất của việc cổ phần hoá là để huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hiểu một cách đơn giản, cổ phần hoá là để đưa những doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động kém hiệu quả hoặc chưa phát huy hết năng lực trở nên có hiệu quả và tạo nhiều giá trị gia tăng cho xã hội hơn.
Muốn đạt được mục tiêu đặt ra, hai vấn đề cần quan tâm hơn cả trong quá trình cổ phần hoá là (1) lựa chọn đúng các nhà đầu tư chiến lược, những người hiểu rõ về ngành nghề kinh doanh cũng như tiềm năng phát triển của công ty, cam kết hợp tác lâu hạn để có thể giúp doanh nghiệp trở nên tốt hơn; (2) thay đổi phương thức quản lý, cách thức quản trị doanh nghiệp để khuyến khích đội ngũ nhân sự phát huy tối đa khả năng, cùng nhau tạo ra lợi nhuận lớn nhất cho doanh nghiệp.
Khi hai mục tiêu quan trọng nêu trên được thực hiện một cách chu đáo thì việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng chỉ là một công đoạn cần phải hoàn tất, chứ không phải là một công việc quan trọng. Vì về bản chất, công chúng có bỏ tiền vào doanh nghiệp hay không tuỳ thuộc vào tiềm năng của doanh nghiệp, chứ không phụ thuộc vào những thông tin đồn thổi. Trong trường hợp thông tin bị đồn thổi hay đánh bóng thì hậu quả như thế nào, thực tế đã chứng minh.
Việc bán được với giá bao nhiêu không phải là vấn đề lớn, mà điều quan tâm hơn cả là trong tương lai doanh nghiệp có thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội hay không. Tuy nhiên, cũng không được nới lỏng quá trình cổ phần hoá để tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội đánh cắp tài sản của nhà nước và nhân dân.
Thứ hai, lập luận cho rằng việc phát hành IPO ở thời điểm hiện tại sẽ không có lợi vì công chúng đã cạn tiền rồi, nên cần phải giãn tiến độ là không có cơ sở. Nếu so sánh số tiền được dùng để mua cổ phiếu và số người tham gia mua bán cổ phiếu với số dư tiền gửi tiết kiệm và số người có tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng, thì con số này chẳng thấm vào đâu. Nếu so sánh tỷ lệ người chơi chứng khoán với dân số thì Việt Nam còn tỷ lệ này còn kém xa Trung Quốc và nhiều nước khác.
Nói cách khác là tiền trong công chúng vẫn còn rất nhiều, vấn đề là ở chỗ do sự “bát nháo” của thị trường chứng khoán và tình trạng bất cân xứng về thông tin quá trầm trọng. Điều này làm cho những người thiếu thông tin cảm thấy hết sức rủi ro khi đầu tư vào chứng khoán - một cơ chế giống như sòng bài hơn là kênh huy động vốn thực thụ.
Tóm lại, việc ngừng IPO dường như chẳng có tác dụng gì cả mà nó chỉ làm chậm đi tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, mà chậm ngày nào thì các nguồn lực của xã hội còn bị sử dụng chưa hiệu quả ngày đó và đương nhiên mất mát thuộc về số đông.