Rục rịch tăng thuế và giảm giá xăng dầu

 

Giá xăng dầu có thể giảm ngay trong tuần này

Thuế tăng rồi sẽ tính tới việc giảm giá

Thị trường tài chính Mỹ lao đao, nguy cơ khủng hoảng kinh tế rất lớn bất chấp những nỗ lực giải cứu của chính quyền nước này dẫn tới dự báo nhu cầu về xăng dầu ở thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này sẽ giảm mạnh, từ đó khiến giá xăng dầu liên tục trượt dốc không phanh. Tính tới sáng 14/10, giá dầu thô trên bảng giao dịch điện tử tại thị trường New York chỉ còn 82 USD/thùng, giảm thêm 10 USD/thùng so với tuần trước, khi giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm 500 đồng/lít. Tương tự, chỉ trong một tuần qua giá xăng A92 trên thị trường Singapore giảm 9 USD/thùng xuống 86 USD/thùng; dầu diesel 0,25%S tại Singapore giảm 18 USD/thùng xuống 87 USD/thùng.

Trao đổi với VnMedia chiều 13/10, ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Petrolimex, cho biết trước tình hình giá xăng dầu thế giới hạ, các cơ quan quản lý đang tính tới chuyện tăng thuế nhập khẩu. Bản thân ông đã nhận được thông tin về vấn đề này nhưng vẫn chưa nhận được quyết định chính thức. Cụ thể, dự kiến từ ngày mai, 15/10, thuế nhập khẩu xăng sẽ tăng từ 5% lên 10%; dầu diese từ 0% lên 5%; dầu hoả: từ 5% lên 15%, ma-dút: từ 0% lên 7%.

Theo một số thông tin, nếu với mức giá xăng dầu thế giới hiện nay, các doanh nghiệp đầu mối sẽ lãi khoảng 2.000 - 4.000 đồng/lít, tùy loại. Vì vậy, dù thuế nhập khẩu có tăng thì việc giảm giá cũng hoàn toàn khả thi.

"Căn cứ vào thuế nhập khẩp, giá nhập khẩu và các chi phí kinh doanh, Petrolimex sẽ tính toán để điều chỉnh giá ngay sau quyết định tăng thuế. Chúng tôi sẽ tiên phong trong điều chỉnh giá nhưng ngay tại thời điểm hiện nay thì chưa có quyết định cụ thể" - ông Dũng nói.

Một số doanh nghiệp đầu mối khác cho biết, họ cũng đang chờ quyết định tăng thuế nhập khẩu để cân đối, và đặc biệt là nghe ngóng động thái của "anh cả" Petrolimex để có mức điều chỉnh phù hợp.

"Chưa nên tăng thuế vào thời điểm này"

Trao đổi với báo giới ngày 13/10, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ) Trương Đình Tuyển cho rằng chưa nên thu thuế vào thời điểm này mặc dù nhu cầu thu thuế để bù đắp cho ngân sách là hoàn toàn chính đáng.

"Theo quan điểm của tôi, thời điểm này là chưa nên áp thuế bởi giá xăng dầu thế giới giảm nhưng dân đang chịu giá cao. Giả sử giá giảm nữa thì hãy áp thuế, hoặc khi các doanh nghiệp đã bù lỗ hết rồi, thì lấy 1.000 đồng lãi đó vào thuế" - ông Tuyển nói.

Ông Tuyển phân tích, việc giá dầu thế giới giảm mạnh chỉ còn chưa tới 80 USD/thùng mà doanh nghiệp đầu mối trong nước vẫn chưa chịu giảm tiếp giá bán lẻ có thể hiểu đơn giản do một mặt, doanh nghiệp còn chần chừ, mặt khác ta chủ trương không bù giá xăng, nhưng lại bắt giá bán ra doanh nghiệp tự quyết nhưng phải theo quy định của Chính phủ. Ngay cả thời điểm các đợt tăng giá trước cũng chưa phải tăng giá đủ mức cho doanh nghiệp nên giờ doanh nghiệp mới phải liên tục lý do lấy lãi bù lỗ.

Ông cũng đề cập tới bất cập của cơ chế quản lý giá: doanh nghiệp đã đề nghị khi giảm giá, không cần phải xin giảm nhưng Bộ Tài chính vẫn bắt phải đăng ký 3 ngày. Lẽ thường, khi tăng giá thì mới phải xin để thẩm định, còn giảm thì có thể tự động giảm. Còn cơ quan Nhà nước thấy giảm chưa đủ mức thì có thể bắt doanh nghiệp giảm tiếp.

Tuy nhiên, ông Tuyển cũng nhấn mạnh người dân không nên nhìn một chiều, thấy giá thế giới hạ là yêu cầu hạ giá trong nước ngay bởi lâu nay nhà nước không thu thuế xăng dầu, khoản bù lỗ xăng dầu đã quá lớn. Vì thế, phải kết hợp việc giảm giá và thu thuế để hài hoà lợi ích của cả ba bên: nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây