Dự kiến đầu tháng 10 tới, Ngân hàng Ngoại thương (VCB) sẽ chọn đối tác chiến lược và xác định thời điểm phát hành CP lần đầu (IPO), chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình NHTM cổ phần.
Hấp dẫn từ chỉ số tài chính
Với 44 năm hoạt động, VCB là NHTM nhà nước phục vụ đối ngoại lâu đời nhất tại VN, cũng là NH đầu tiên tại VN thực hiện việc quản lý vốn tập trung, kinh doanh ngoại tệ, phát hành và thanh toán thẻ quốc tế Visa, American Express, MasterCard, JCB...
Đến nay, VCB vẫn là NHTM hàng đầu VN trong lĩnh vực tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối, và ứng dụng công nghệ vào các hoạt động NH.
Dễ dàng thấy, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản và lợi nhuận của VCB là rất lớn và liên tục tăng trưởng qua các năm, lớn nhất trong khối NHTM và đạt mức mà không một ngành nào có được (xem bảng dưới). Các chỉ tiêu về an toàn vốn cũng khá cao và được cải thiện qua các năm.
Sẽ chuyển đổi căn bản sau CPH
Theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, VCB sẽ phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính sau CPH. Ngoài hoạt động chính là thực hiện các nghiệp vụ NH như: Tín dụng (đặc biệt là mảng tín dụng XNK), thanh toán, VCB còn mở rộng sang các lĩnh vực tài chính khác như bảo hiểm, bất động sản... thể hiện qua việc góp vốn liên doanh hoặc là đối tác chiến lược trong một số NH, Cty bảo hiểm, thành lập Cty TNHH cao ốc Vietcombank 198 hay Cty liên doanh Vietcombank - Bonday (kinh doanh cao ốc văn phòng).
Nền tảng tài chính vững mạnh chính là lợi thế lớn nhất của VCB. Do đó, VCB luôn là một thương hiệu lớn không chỉ trong nước mà cả ở quốc tế với những khách hàng lớn và lâu dài.
Bên cạnh đó, VCB có điều kiện và đang áp dụng những tiêu chuẩn quản trị DN theo chuẩn mực quốc tế, thực hiện mục tiêu chuyển đổi một cách căn bản sau CPH. Việc chuyển giao quyền sở hữu, hoạt động theo hình thức DN cổ phần đang được kỳ vọng là sẽ tạo cơ chế linh hoạt hơn cho VCB trong việc đưa ra các quyết định của mình.
Giá nào cho cổ phiếu VCB?
VCB và tiếp theo đó là một loạt NHTM nhà nước khác chuẩn bị CPH sẽ IPO theo hình thức mới: Lựa chọn và bán cho các đối tác chiến lược rồi mới thực hiện IPO - phát hành CP ra bên ngoài.
Như vậy, vấn đề chỉ là lựa chọn được đối tác chiến lược phù hợp, xác định gắn bó lâu dài với VCB, và đi đến thoả thuận một mức giá phù hợp, mang lại quyền lợi cho cả 2 bên.
Khi đó, giá IPO của VCB sẽ dựa trên rất nhiều căn cứ: Giá bán cho đối tác chiến lược, giá trị sổ sách của VCB được định giá theo chuẩn quốc tế, mà chủ yếu cung - cầu hay là kỳ vọng của thị trường vào thời điểm phát hành.
Thực tế, kỳ vọng của NĐT vào CP NH là rất lớn, không chỉ vì đây là một ngành có lợi nhuận khổng lồ và tương đối ổn định mà còn vì sức bật của các CP này còn khá mạnh khi những giới hạn về tỉ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài sẽ dần được dỡ bỏ - ít nhất là theo lộ trình mở cửa lĩnh vực tài chính.
Chưa kể, với việc áp dụng cách thức định giá DN theo chuẩn mực quốc tế sẽ khiến NĐT an tâm và được lợi nhiều hơn từ những giá trị vô hình của DN.
Nếu theo đúng tiến độ đã được phê duyệt, trong khoảng tháng 10-11 năm nay, CP VCB sẽ IPO. Đây là một yếu tố tâm lý rất lớn kích thích thị trường vốn đang có dấu hiệu phục hồi trở lại, mở đường cho các đợt IPO lớn của các DN nhà nước khác.
Các NĐT ngoại, đặc biệt là các quỹ đầu tư cũng đang ngóng đợi thời điểm "hàng hiệu" lên sàn, và việc giải ngân của các định chế tài chính nước ngoài sẽ không còn nằm trên giấy nữa.