Thương trường khốc liệt

Bộ phim như hồi chuông báo động về vấn đề đạo đức của những người làm việc trong lĩnh vực chứng khoán. Đồng thời, cảnh tỉnh những ai ảo mộng làm giàu nhanh chóng bằng CP, giúp họ có cái nhìn sáng suốt hơn trong quá trình đầu tư.

Hình Kiếm Phong với những chiêu thức “làm giá”

Nhân vật chính của bộ phim là Hình Kiếm Phong, nhân viên công ty môi giới chứng khoán Việt Hưng, một công ty có nhiều hoạt động phi pháp. Trong quá trình thao túng CP, Công ty Việt Hưng đã gặp nhiều rủi ro và đứng trên bờ vực phá sản. Với tư chất thông minh, nỗ lực của một nghiên cứu sinh mới ra trường, Kiếm Phong đã cứu Việt Hưng và được bổ nhiệm là người trực tiếp điều hành CP của công ty. Để khống chế giá, Hình Kiếm Phong cấu kết với một số công ty, NĐT có tiềm lực về tài chính và sử dụng tài khoản của nhiều người ở nhiều địa phương giao dịch nhằm tạo ra cung-cầu giả trên thị trường. Khi CP đang trên đà tăng giá, Hình Kiếm Phong đồng loạt bán ra khiến giá CP tụt giảm và các NĐT khác không kịp trở tay.

Xem phim khán giả thấy được sự khốc liệt trên TTCK. Trước giá trị siêu lợi nhuận, các NĐT, từ chuyên nghiệp đến mới tham gia thị trường, đều chạy đua trong việc mua bán CP, bất chấp sự “thất thường” của TTCK non trẻ, bất chấp sự thiếu hiểu biết về kinh nghiệm và thông tin. Nhiều người đã trở thành “con thiêu thân” trong những canh bạc cuộc đời. Vì tiền, một Quách Hân yếu đuối liều lĩnh lấy tiền khách hàng gửi trong ngân hàng nơi cô làm việc để chơi chứng khoán. Vì tiền mà anh công nhân Đại Gia đã dùng tất cả tài sản để chơi chứng khoán. Vì tiền, Thiết Thục Ngọc đã không từ thủ đoạn nào với triết lý “có thể tin bất cứ cái gì trừ tin con người; có thể quan tâm bất cứ cái gì trừ quan tâm con người; có thể thương hại bất cứ điều gì trừ thương hại con người” nhưng cuối cùng, người thì tán gia bại sản, người chịu cảnh tù tội và có kẻ trở nên điên loạn.

Có hay không sự thao túng trên TTCK Việt Nam?

Tại hội nghị triển khai hoạt động chứng khoán năm 2007, ông Trần Bắc Hà - Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã đặt vấn đề có hay không sự liên minh, thao túng trên TCCK Việt Nam? Câu hỏi đó đã được trả lời, khi thời gian gần đây, Thanh tra UBCKNN liên tục ra quyết định phạt các cá nhân về hành vi thao túng giá chứng khoán. Như vậy, sau 7 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã có 3 trường hợp được xác định có hành vi thao túng. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn cho rằng đó chỉ là “tảng băng nổi” và còn rất nhiều sự việc tương tự chưa bị phát hiện.

Nhiều NĐT hẳn vẫn chưa quên sự điều chỉnh bất thường giá cổ phiếu REE, GMD, VNM, NKD, PNC, TNA trong những năm đầu của TTCK Việt Nam. Lúc đó, thuật ngữ “làm giá” bắt đầu xuất hiện và đã được sử dụng đến nay. Tuy nhiên, đến cuối năm 2006 và đầu năm 2007, khi cổ phiếu BMC, TCT, LBM, SGH tăng giá liên tục kèm theo những diễn biến giao dịch không bình thường và sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì hiện tượng thao túng giá mới được dư luận và NĐT quan tâm.

Một số nhà phân tích cho rằng, sự tăng giá của các CP trên là hiện tượng “thao túng tự nhiên”, đặc biệt là với thị trường còn non trẻ như Việt Nam. Hiện tượng này được xác định với hai điều kiện. Thứ nhất, số lượng CP lưu hành trên thị trường quá ít và được nhiều NĐT kỳ vọng; Thứ hai, lượng cầu lớn hơn nhiều lượng cung, khiến người nắm giữ CP càng không muốn bán ra để kéo dài quá trình tăng giá.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán – Tài chính – Ngân hàng, Đại học mở TP.HCM cho biết, để “làm giá”, NĐT phải có vốn lớn, nhiều tài khoản khác nhau, có mối quan hệ với nhân viên CTCK. Đối với giao dịch khớp lệnh định kỳ, việc làm giá tương đối đơn giản. Với phương thức khớp lệnh liên tục, việc làm giá vẫn có thể xảy ra nhưng khó khăn hơn. Nếu như trước đây, NĐT có thể làm giá trong một phiên thì nay họ có thể bỏ tiền mua CP trong nhiều phiên liên tiếp nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Theo một số NĐT, việc làm giá trên TTCK Việt Nam diễn ra thường xuyên. Biểu hiện rõ nhất là giá một số CP khi thị trường mở cửa được đẩy lên cao, nhưng khi giao dịch thì thấp hơn nhiều. Nhiều lệnh đặt mua bán lớn và được huỷ vào những phút cuối của đợt khớp lệnh. Có trường hợp, NĐT tung tin tốt về một CP nào đó, sau đó đặt mua với giá trần trong vài phiên liên tiếp khiến các NĐT khác giao dịch theo. Khi CP đang trên đà tăng, NĐT này đột ngột bán ra với số lượng lớn hơn rất nhiều số mua vào. Việc làm giá không chỉ diễn ra với các CP đã niêm yết mà còn với cả những CP trên OTC hoặc chuẩn bị niêm yết.

Lời kết

Hệ thống pháp luật giám sát, điều chỉnh của TTCK Việt Nam chưa thật sự chặt chẽ, phương thức đầu tư còn theo phong trào… là những điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thao túng thị trường. Thiết nghĩ, UBCKNN cần sớm có những giải pháp đồng bộ nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các hoạt động trên để TTCK Việt Nam không sản sinh ra những NĐT như Hình Kiếm Phong, Thiết Thục Ngọc.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây