Bùng nổ giá trị giao dịch

Điều này khác hẳn với những diễn biến của đợt hồi phục nhẹ hồi giữa tháng Bảy, khi VN-Index tăng nhưng KLGD lại ổn định ở mức thấp - lý do khiến các NĐT kinh nghiệm cũng như giới chuyên môn nhận định đợt hồi phục đó chỉ mang tính tạm thời. Liệu với con số ấn tượng mà TTCK vừa mới thiết lập, NĐT cùng các chuyên gia đã có đủ cơ sở để khẳng định cho một chu kì tăng trưởng bền vững của thị trường?

Bùng nổ giá trị giao dịch

Lần đầu tiên kể từ sau giai đoạn hồi phục cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, TTCK mới lại có được không khí sôi động như vậy, VN-Index có bước tăng trưởng “ngoạn mục” khi mức điểm 1.000 bị vượt qua sớm hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia. Nhưng, tín hiệu khiến NĐT vui mừng, và các chuyên gia bất ngờ là tổng giá trị giao dịch tăng mạnh một cách đột biến, vượt mức 1.200 tỷ trên sàn HOSE ngày hôm thứ Ba 25/9 - một con số đã vắng bóng trên các bản tin CK từ tháng Ba đến nay.

Cũng cần lưu ý rằng, có thể nói đây là lần đầu tiên các diễn biến của TTCK Việt Nam được coi là “chung nhịp đập” với TTCK khu vực và trên thế giới. Nếu chỉ tính trong giai đoạn TTCK thăng hoa vào cuối 2006, đầu 2007, gần như VN-Index luôn “một mình một đường”, tăng trưởng nóng bất kể tình huống “sập sàn” tại Thái Lan, Trung Quốc, châu Âu hoặc Mỹ, và "ế ẩm" cho dù tình hình thế giới đang "nóng bỏng". Nhưng trong mấy ngày vừa rồi, một trong các lý do được nhiều chuyên gia gián tiếp “buộc” vào sự hồi phục của VN-Index là quyết định giảm lãi suất cơ bản của FED.

Tất nhiên, sự đóng góp của các NĐTNN vào biến động của TTCK Việt Nam là không nhỏ, nhưng có thể thấy rằng, suốt một tháng qua, khi các NĐTNN tăng cường mua vào, đặc biệt tại sàn HaSTC, nhìn chung phản ứng của thị trường cũng không quá tích cực. Áp lực giải ngân hàng tỷ USD của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài được nhắc đến nhiều lần cũng không cải thiện tình hình là bao. Có thể nói, động lực chính cho đợt đảo chiều mạnh mẽ lần này của TTCK là các NĐT nội. Vấn đề gây ngạc nhiên mấy ngày qua chính là sự tăng trưởng đột biến của giá trị giao dịch, hay nói cách khác là lượng tiền dồi dào được bung ra.

TTCK Việt Nam cũng như thế giới thường có chu kì tăng trưởng mạnh vào 3 tháng cuối năm, nhất là với đặc điểm riêng của Việt Nam, khi lợi nhuận của các công ty niêm yết nói riêng và nền kinh tế nói chung thường đặt trọng tâm vào những tháng này. Và cũng đến thời điểm đó, dòng tài chính các NĐT nội có khả năng rót vào TTCK sẽ tăng lên, nhất là khi các kênh đầu tư khác như BĐS, vàng, lãi ngân hàng… kém hấp dẫn. Nhưng quả thật, sự “bùng nổ” của giá trị giao dịch đến sớm hơn dự đoán rất nhiều.

Tiền ở đâu?

Ghi nhận tại nhiều sàn giao dịch, đa phần nguồn tiền mà NĐT cá nhân bung ra trong mấy ngày vừa qua là tiền nằm “phục” trong tài khoản từ trước, lượng tiền mặt mà NĐT đổ thêm vào hiện chưa đáng kể. Dường như các NĐT đã quá sốt ruột, và đồng lòng cho rằng đã đến thời điểm thay đổi cơ cấu CP - tiền 30 -70 của mùa hè vừa qua. Tâm lý lướt sóng hay xả hàng cũng không thường thấy nữa. Cũng không thể không tính đến một lượng đáng kể tiền từng được các NĐT “để dành” cho các đợt IPO lớn mà kế hoạch đã bị lùi lại, nay được huy động tham gia thị trường. NĐT cũng như các Ngân hàng cũng đã phần nào khắc phục được ảnh hưởng từ chỉ thị 03. Bên cạnh đó, trong tháng qua nhiều mã CK mới với giá trị vốn hóa rất lớn như PVI, PVS, PET, VIC cùng tham gia niêm yết, tăng đáng kể tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường.

Nhưng đóng vai trò chủ đạo hiện nay là các NĐT tổ chức, các “quỹ đầu tư” nhỏ, bộ phận tự doanh của các CTCK cũng như các đơn vị kinh doanh tài chính của các doanh nghiệp - nhất là khối ngân hàng và bảo hiểm. Đặc biệt phải kể đến các thể chế đầu tư tài chính do các Tập đoàn, Tổng công ty lớn liên kết thành lập từ trong năm, nay mới bắt đầu đi vào hoạt động chính thức. Theo thông tin từ các CTCK, gần đây các khách hàng VIP này đã gia tăng giao dịch đáng kể trên TTCK, và trong thời gian tới, nguồn tài chính được họ lên kế hoạch đầu tư còn lớn hơn rất nhiều. Đây có thể sẽ là một yếu tố khiến TTCK sôi động hơn trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Tuấn, chuyên gia của một quỹ đầu tư, thị trường bất ngờ tăng nhiệt có phần mang yếu tố tâm lý trước các tin đồn, nhất là các tin đồn liên quan đến sự “nới lỏng” quy định từ các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu các tin đồn này không thành sự thật, nhiều NĐT liều lĩnh có thể bị ảnh hưởng. Mặt khác, để khẳng định nguồn tài chính trong mấy ngày qua được đầu tư vào thị trường là thực ổn định, còn phải chờ hết thời gian của chu kì dịch vụ “vay ứng trước” mà hiện nay các CTCK và Ngân hàng bắt đầu tăng cường cung cấp cho khách hàng như một cách lách Chỉ thị 03.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây