Nhìn lại kinh tế Tp.HCM 9 tháng

Các số liệu thống kê được công bố chính thức cho biết: mức tăng trưởng kinh tế chung trong 9 tháng đạt mức 11,7%. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 22,5% (cùng kỳ tăng 17,3%); thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngòai với kỷ lục 1,32 tỷ USD tương đương mức thu hút 9 tháng đầu năm 2006.

Trong ngành vận tải, tốc độ luân chuyển hàng hoá và hành khách đều có mức tăng khá hơn mức tăng của năm truớc, doanh thu vận tải và dịch vụ vận tải tăng 29,5%. Xuất khẩu trừ giá trị dầu thô tăng 11,7% (cùng kỳ tăng 12,6%). Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 27,1%, nếu loại trừ yếu tố biến động giá vẫn còn tăng 16,9% (cùng kỳ năm 2006 tăng 12,3%).

Khách du lịch quốc tế đến thành phố ước 9 tháng đạt hơn 1,9 triệu lượt người, tăng 13,7% so cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 32% (cùng kỳ tăng 11,9%), chi ngân sách địa phương tăng 9,5% (cùng kỳ chỉ tăng 1,8%)...

Đầu tiên, về giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn, 9 tháng đạt 155.655 tỷ đồng (theo giá thực tế), tăng 11,7% so với cùng kỳ và là mức tăng cao nhất trong 9 tháng của các năm qua (9 tháng đầu năm 2004 tăng 10,4%, năm 2005 tăng 11,4% và năm 2006 tăng 11,5%); trong đó khu vực ngoài nhà nước có mức tăng cao nhất (16,1%), và tiếp theo là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (10,5%). Trong 11,7% tăng trưởng chung, khu vực thương mại dịch vụ đóng góp 6,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng, đóng góp 5%.

Đây là lần đầu tiên suốt nhiều năm qua khu vực thương mại - dịch vụ có mức đóng góp cao nhất (57%) trong mức tăng GDP của thành phố. Giá trị tăng thêm khu vực nông lâm thủy sản đạt 1.479 tỷ đồng, chỉ chiếm 1% GDP, tăng 2,1%.Giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 74.006 tỷ đồng chiếm 47,5% GDP, tăng 10,3%.

Trong đó, công nghiệp tăng 9,8%, mức tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2006 (11,3%) do sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn cả về đầu vào lẫn đầu ra; ngành xây dựng có mức tăng cao 15,0% so với cùng kỳ năm 2006 (11,0%). Như vậy, năm 2007 sản xuất ngành xây dựng có xu hướng tăng cao hơn ngành công nghiệp.

Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ đạt 80.171 tỷ đồng, chiếm 51,5% GDP tăng 13,4%... Dự ước GDP cả năm đạt 228.106 tỷ đồng, tăng 12,3% so năm trước, chủ yếu do khu vực dịch vụ tăng trưởng nhanh (+14,1%). Đáng chú ý là các ngành thương mại - dịch vụ đã đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là tài chính- ngân hàng, du lịch, bưu chính viễn thông và vận tải hàng hóa.

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn 9 tháng đầu năm đạt 4,465 tỷ USD, tăng 11,7% (cùng kỳ tăng 12,6%). Nếu tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,227 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 117.852 tỷ đồng, tăng 27,1% so cùng kỳ.

Nếu loại trừ yếu tố biến động giá, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 16,9%, trong đó hai ngành tăng trưởng mạnh là thương nghiệp (29,6%) và khách sạn - nhà hàng (38,2%). Tổng doanh thu du lịch đạt 15.452 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, đạt 79% kế hoạch, trong đó khối khách sạn nhà hàng đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 35%, khối lữ hành đạt 1.952 tỷ đồng, tăng 57%.

Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 61.779 tỷ đồng, đạt 79,2% dự toán năm và tăng 32% so với cùng kỳ. Chín tháng năm nay vốn đầu tư trên địa bàn ước thực hiện 53.120 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng khá cao (22,5%) và đạt 71,3% kế hoạch năm, trong đó có nhiều dự án đầu tư nước ngoài có vốn lớn đã khởi công xây dựng.

Với kết quả này, ước tính cả năm 2007 tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 84.791 tỷ đồng, so với năm 2006 tăng 24,6% và vượt 13,8% so với kế hoạch.Về đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến ngày 15/9, có 312 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đầu tư 1.139 triệu USD, vốn pháp định 460,8 triệu USD; số vốn bình quân 1 dự án là 3,6 triệu USD. Số dự án được điều chỉnh vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh là 111 dự án với số vốn tăng thêm 179,7 triệu USD.

Như vậy tổng vốn đầu tư trong 9 tháng đạt 1,319 tỷ USD, đây là năm thứ hai, thành phố có mức thu hút vốn đầu tư nước ngoài lập kỷ lục so với những năm trước. Đồng thời có 16 dự án chấm dứt hoạt động với vốn đầu tư 44,9 triệu USD. Như vậy, số dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn là 2.470 dự án, tổng vốn đầu tư 15,830 tỷ USD.

Tuy nhiên, để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cho cả năm 2007 là từ 12,2-12,5%, Chủ tịch UBND Tp.HCM, ông Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo các cấp, ngành và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tại thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp trong những tháng cuối năm như tiếp tục triển khai chương trình của thành phố về hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh công tác xúc tiến, cải cách hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quy hoạch và nhà đất, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây