Dầu khí Việt Nam tìm đường ra thế giới

Đi theo mô hình đã được chứng minh của những công ty dầu khí quốc doanh thành công của Trung Quốc như CNOOC, CNPC-PetroChina và Sinopec, đồng thời đã ký một thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí với công ty dầu khí quốc gia Petronas Malaysia, Petro Vietnam đang sử dụng vị thế tại thị trường trong nước để vươn ra thị trường dầu khí nước ngoài.

Những lĩnh vực mới

Với sản lượng dầu thô 360.000 thùng/ngày, Việt Nam hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia và Indonesia. Do chưa có nhà máy lọc dầu, Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất trong khu vực.

Với việc Petro Vietnam xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam tại Dung Quất, tiềm năng của Việt Nam trong việc cung cấp các sản phẩm lọc hóa dầu cho thị trường khu vực và nội địa tăng lên nhanh chóng. Đây là một dự án nhà máy lọc dầu trị giá 2,5 tỷ USD với công suất 130.000 thùng mỗi ngày dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2009. Bên cạnh đó, hai nhà máy lọc dầu khác mà Petro Vietnam tham gia đầu tư cũng đang được tiến hành.

Đến nay, Petro Vietnam vẫn xuất khẩu toàn bộ sản lượng dầu lửa của tập đoàn khai thác được cũng như lượng dầu được chia phần từ sản lượng của các nhà thầu nước ngoài và các liên doanh với nước ngoài.

Có nhiều đối tác nước ngoài đã làm việc với Petro Vietnam trong vòng nhiều thập kỷ. Trong số đó, có liên doanh Vietsopetro giữa Petro Vietnam với công ty Zarubezhneft của Nga, hiện đang hoạt động tại các mỏ Bạch Hổ ở ngoài khơi phía Nam. Những công ty dầu khí thượng nguồn nước ngoài hàng đầu khác ở Việt Nam bao gồm Conoco Phillips, BP, Petronas, Chevron, Tập đoàn Dầu lửa Quốc gia Hàn Quốc, và Talisman Energy. Những công ty này hoạt động với tư cách là nhà thầu cho Petro Vietnam và chia sản lượng dầu khai thác được theo thỏa thuận.

Trong ngành công nghiệp khí đốt đang phát triển của Việt Nam, Petro Vietnam vừa là đầu mối tập hợp khí đốt, vừa vận hành hệ thống đường ống dẫn khí. Petro Vietnam còn vươn sang lĩnh vực hóa dầu còn non trẻ của Việt Nam và hiện đang sản xuất các sản phẩm phân bón. 

Sản xuất điện là một lĩnh vực khác hoạt động khác của Petro Vietnam. Tập đoàn hiện đang điều hành một nhà máy nhiệt điện công suất 700MW ở Cà Mau và mới đây đã hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xây dựng nhà máy điện ở Campuchia và Lào.

Việc Petro Vietnam ngày càng tham gia nhiều vào lĩnh vực sản xuất điện năng cho thấy một hướng đi lớn của tập đoàn, khi mà phần lớn các công ty dầu khí hàng đầu thế giới có xu hướng chỉ coi điện năng là một lĩnh vực bên lề. Nhu cầu điện năng của Việt Nam hiện rất lớn, do Chính phủ có kế hoạch tăng công suất lắp đặt của các nhà máy điện từ mức 12.000 MW như hiện nay lên mức 51.000 MW vào năm 2015. Để đạt được mục tiêu này, chi phí vốn ước tính (ở mức giá cả như hiện nay) phải bỏ ra cho các nhà máy điện mới lên tới 60 tỷ USD.

Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty nhà nước như Petro Vietnam và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tham gia vào lĩnh vực sản xuất điện năng để cùng với EVN đạt được những mục tiêu trên. Ngoài ra, các tập đoàn sản xuất điện nước ngoài cũng được khuyến khích đầu tư.

Mục tiêu ở thị trường nước ngoài

Việc xuất khẩu dầu thô đã thực sự thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam và trở thành mặt hàng xuất khẩu số một của nước này. Chính phủ Việt Nam đang tiến hành mở cửa nhiều mỏ dầu mới cho các công ty nước ngoài tiến hành thăm dò.

Mặc dù vậy, các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ Việt Nam có một chiến lược năng lượng rộng lớn hơn, trong đó, hoạt động của Petro Vietnam trên thị trường quốc tế đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Trong khoảng thời gian từ năm 2006 - 2010, tập đoàn này đã lên kế hoạch ngân sách 6,7 tỷ USD cho việc thăm dò ở nước ngoài. Khoản ngân sách này được tăng thêm 9,7 tỷ USD cho giai đoạn 2011 - 2015.

Trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, Petro Vietnam tiến hành thăm dò dầu khí ở Cuba và Peru và hiện đang tiến hành đấu thầu để thăm dò dầu khí ở Nigeria và Kazakhstan trong năm nay. Đến nay Petro Vietnam đã tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí ở Algeria, Iraq, Madagascar, Venezuela, Mông Cổ, cũng như tại Indonesia và Malaysia, nơi tập đoàn lần đầu hoạt động tại nước ngoài vào năm 1998.

Thành lập năm 1975 và hiện có hơn 30 chi nhánh và công ty con, Petro Vietnam hiện là công ty nhà nước hoạt động có lãi nhất ở Việt Nam, với doanh thu hàng năm vào khoảng 9 tỷ USD và là doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước. Với sản lượng dầu thô lớn của Việt Nam và dầu ở mức cao trên thị trường thế giới, doanh thu của Petro Vietnam ở mức tương đối lớn so với các công ty khác trên thế giới.

Cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam muốn giảm sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài trong việc phát triển nền công nghiệp trong nước. Do đó, Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy cải cách và hiện đại hóa nhiều công ty Nhà nước lớn, đưa những công ty này trở thành những công ty có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, trong đó có Petro Vietnam.

Các công ty Nhà nước của Việt Nam đang được khuyến khích thu hút vốn nước ngoài thông qua cổ phiếu và trái phiếu trên thị trường chứng khoán đang phát triển nhanh của Việt Nam. Nhiều công ty con của Petro Vietnam đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước, đồng thời, việc niêm yết ở nước ngoài cũng đã được bàn đến.

Trong khi đó, việc xếp hạng tín dụng quốc tế của Việt Nam được cải thiện cũng thúc đẩy những khoản đầu tư mới vào ngành dầu khí của Việt Nam. Petro Vietnam đang có kế hoạch phát hành trái phiếu ra nước ngoài để huy động thêm nguồn tài chính vào năm tới.

Có thể nói, chiến lược hướng ra thị trường nước ngoài của Petro Vietnam cũng giống như chiến lược của nhiều công ty dầu khí quốc doanh lớn của các nước Đông Nam Á khác, như Pertamina của Indonesia, PTTEP của Thái Lan, Tập đoàn Dầu lửa Singapore và Tập đoàn Dầu lửa Quốc gia Brunei, và nhất là tập đoàn Petronas của Malaysia.

Thành lập năm 1974, Petronas là công ty lớn nhất của Malaysia, với doanh thu 44 tỷ USD trong năm 2006 từ 60 liên doanh ở 26 quốc gia. Không tính lượng dầu xuất khẩu đi từ Malaysia, sản lượng dầu khai thác ở nước ngoài đem về cho Petronas 35% tổng doanh thu của tập đoàn này.

Mặc dù hiện đang được hưởng lợi nhiều từ hoạt động khai thác dầu ở nước ngoài, Petronas cũng đã phải nỗ lực rất nhiều ở những giai đoạn đầu để phát triển năng lực cạnh tranh quốc tế. Tương tự, Petro Vietnam cũng đang nỗ lực nâng cao khả năng hoạt động của mình thông qua quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, với những thỏa thuận hợp tác như thế, PetroVietnam và nhiều công ty dầu khí quốc doanh khác đang dần trở thành những thách thức mới đối với các tập đoàn dầu khí đa quốc gia.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây