Thị trường OTC bất ngờ "sốt"

Lại tâm lý đám đông

Hầu hết mọi người chưa kịp hiểu vì sao OTC lại đảo chiều nhanh đến thế. Chẳng kịp nghĩ ngợi gì nhiều, cứ thấy mọi người xôn xao là sốt ruột toan tính tranh thủ mua trước khi giá có thể lên tiếp.

Điện thoại lại í ới. Người cần mua gọi môi giới. Môi giới gọi nhau. Bạn bè, anh chị em vừa báo tin mừng giá CP nhích lên vừa rủ mua một loại CP nào đó vì ai cũng ít tiền... Nhưng cũng khá nhiều người sẵn tiền hỏi mua các lô lớn từ 10 đến 20 nghìn CP.

Một số CP lên đến 3-4 giá trong khoảng vài giờ đồng hồ. Ví dụ, VPBank từ chỗ 35.000 đồng/CP cách đây gần hai tuần, sáng 19.9 lên giá 43.000 đồng và đến cuối chiều thì khó mua được với giá 46.500 đồng và đến 20.9 thì đã thấy rao bán đến 47.000 đồng - 48.000 đồng.
 
Các trang web mua bán CP OTC hai ngày nay nhộn nhịp hẳn lên. Từng giờ có rao mua, rao bán cập nhật liên tục (ký hiệu New). Anh Thuỷ (một môi giới) cho biết: "Tự dưng dân tình nháo nhác hết cả lên, có người hỏi mua cả những CP đã lâu chẳng ai nhìn ngó đến".

Các NĐT trên diễn đàn mạng sôi nổi hẳn, có người thốt lên: "Lâu lắm mới thấy đông vui thế này,  qua sóng gió trời lại hừng sáng. Chúc mừng các bác!". Khác mọi lần hoài nghi, tâm trạng chung lần này là phấn chấn và hy vọng...

CP ngân hàng vẫn là đầu tàu

CP các ngành dầu khí, đầu tư hạ tầng & xây dựng, thuỷ hải sản, bảo hiểm, caosu được quan tâm, nhưng nhu cầu  mua  nhiều nhất là CP NH. Cùng với ACB và STB trên sàn, những ngày qua người ta thấy hiện tượng CP NH "đồng khởi".
 
Tại thị trường Hà Nội, các loại CP  được quan tâm là Habubank, VPBank, Quân đội, An Bình, Phương Nam, Phương Đông, Sài Gòn-Hà Nội. Với Habubank, VPBank, Quân đội thì phần lớn là do NĐT đánh giá khá cao chất lượng hoạt động và khả năng thanh khoản CP của các NH này. CP các NH còn lại được mua vì đã quá rẻ.

CP NH được quan tâm vì những con số công bố lợi nhuận 8 tháng đầu năm rất ấn tượng, mọi người vẫn biết là hoạt động NH là một lĩnh vực ổn định và tăng trưởng tốt (niềm tin của NĐT và lượng giao dịch của ACB và STB là một ví dụ).

Bên cạnh đó, những thủ tục quản lý, chuyển nhượng CP khá chặt chẽ, ít rủi ro. Một nguyên nhân nữa là sự an tâm hơn của NĐT khi những ngày gần đây lại liên tục có những nhận định khuyên đã đến lúc nên mua vào (time to buy).

Sẽ tăng hay hạ nhiệt?

Đã có một vài lý giải về hiện tượng "sốt" của thị trường OTC. Mọi người bắt đầu tin là thị trường đã đến kỳ hồi phục vì chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến cuối năm (thời điểm TTCK luôn ở mức hưng thịnh).

VN-Index đang có dấu hiệu tiến vững. Mức lợi nhuận 8 tháng đầu năm do các DN VN công bố khá ấn tượng. FED cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5%...

Bên cạnh đó cũng có tin đồn về khả năng có thể có một số điều chỉnh của Chính phủ và NHNN sẽ tác động mạnh đến TTCK như: Mở thêm room cho các NĐTNN, điều chỉnh hoặc gia hạn thời điểm  thi hành quy định mức cho vay đầu tư và kinh doanh CK dưới 3%...

Vì những lý do trên nên đa phần NĐT cho là OTC sẽ tiếp tục tăng. Đến trưa ngày hôm qua (20.9), tuy giá các CP OTC tiếp tục nhích lên (khoảng 2-3 giá nữa) nhưng phổ biến là tình trạng  người mua  đã khá hăm hở, lùng sục thì đa phần người bán lại găm hàng chưa muốn bán.

Những người đã "ôm" CP từ lúc giá cao nhất thì chưa bán vì còn xa mới đến điểm hòa vốn. Những người đã kịp bán cắt lỗ thì nay muốn mua ngay vào để chờ giá lên. Một số người (đa phần và dân công chức) tuy vẫn còn "ôm" nhiều CP chưa giải quyết được nhưng "máu cờ bạc" nổi lên lại muốn mua thử vận may...

Giai đoạn điều chỉnh thị trường đã đi vào thời kỳ kết thúc, những tín hiệu nhen nhúm cho một thị trường bùng nổ vào cuối năm đã bắt đầu. Tuy nhiên, dù hy vọng, tuyệt đại đa số các NĐT đều cho rằng khởi sắc đến đâu thị trường OTC cũng không trở lại được thời "hoàng kim" như cuối năm 2006, đầu 2007. Nhiều người cho biết chỉ mong giá CP về gần điểm hoà vốn.

Theo thông tin từ một số CTCK, tình hình giao dịch và yêu cầu báo giá CP OTC mấy ngày gần đây khá nhiều chứng tỏ mối quan tâm của NĐT bắt đầu tăng lên. Cùng với sự ấm lại của sàn niêm yết, lệnh chào mua và chào bán CP OTC cũng như những giao dịch thành công đã nhiều hơn.

Các CP NH, Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt... được đặt lệnh mua nhiều nhất với giá có xu hướng tăng lên nhưng chưa có đột biến giá. Theo thông tin từ CTCK Seabank, báo giá CP một số NH ngày 20.9 đã lên giá so với ngày 14.9.
 
Cụ thể, VPBank (mệnh giá 10.000đ) tuần trước dao động trong khoảng 37.500đ-39.500đ đã lên mức 44.500đ-46.500đ. CP NH An Bình (mệnh giá 100.000đ) cũng tăng lên 370.000đ-380.000đ, CP Hòa Phát (mệnh giá 10.000đ) từ 72.000đ-74.000đ tăng lên 80.000đ-82.000đ.

Ngày 20.9, các giao dịch thành công với CP NH Quân đội ở mức 55.500đ-57.000đ/CP (sau chia tách), Phân đạm hoá chất dầu khí (PVFCCo) mức 59.500đ-61.500đ.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây