Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM Kenneth Fairfax (giữa) và Tùy viên thương mại William Marshak gặp gỡ Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng Lâm Quang Minh bên lề hội nghị Ảnh: HC |
Bên lề Hội nghị thương vụ Hoa Kỳ khu vực ASEAN 2007 tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 19-22/9, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với các ông Kenneth Fairfax, tân Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM và Dan Harris, Phó trợ lý Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, về quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư VN - Hoa Kỳ kể từ khi VN gia nhập WTO.
- Xin ông cho biết mục tiêu của Hội nghị thương vụ Hoa Kỳ khu vực ASEAN 2007?
Ông Kenneth Fairfax: - Hội nghị thương vụ Hoa Kỳ khu vực ASEAN 2007 là cuộc tập hợp của hơn 60 viên chức thương mại và kinh tế của Hoa Kỳ làm việc tại 11 nền kinh tế trên khắp châu Á (gồm VN, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia, Philippines, Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan và đại diện đến từ Mỹ).
Mục tiêu của hội nghị lần này nhằm đưa ra các phương pháp mới sao cho Chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân Hoa Kỳ có thể cùng nhau thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn giữa Hoa Kỳ và ASEAN thông qua thương mại và đầu tư.
- Nguyên nhân nào khiến Đà Nẵng được chọn làm nơi tổ chức hội nghị này?
Ông Kenneth Fairfax: - Việc chọn Đà Nẵng làm nơi tổ chức hội nghị năm nay phản ánh những viễn cảnh tươi sáng mà Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ nhìn thấy ở TP phát triển nhanh chóng này. Vị trí rất cao của Đà Nẵng trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh các tỉnh, thành cũng như con số doanh nghiệp Hoa Kỳ và của các nước khác đầu tư vào đây cho thấy Đà Nẵng là một trung tâm kinh tế khu vực đang phát triển nhanh chóng và có vị thế thuận lợi để hỗ trợ thương mại quốc tế. Đà Nẵng càng đáng chú ý hơn vì TP có quyết tâm tuyệt vời trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng mà các doanh nghiệp cần có để thành công.
- Đánh giá của ông về kết quả hoạt động của Văn phòng Thương vụ Hoa Kỳ tại VN thời gian qua?
Ông Kenneth Fairfax: - VN là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, vừa hội nhập vào nền kinh tế thế giới, vừa phát triển nội bộ. Văn phòng Thương vụ Hoa Kỳ tại TP.HCM và Hà Nội đã làm việc rất nỗ lực nhằm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và công nghệ Hoa Kỳ vào VN. Họ đang thành công trong công việc đó. Từ khi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực năm 2001, lượng hàng hóa Hoa Kỳ xuất khẩu sang VN đã tăng gấp hơn 2 lần.
Ngoài việc xúc tiến thương mại, các viên chức thương mại của chúng tôi tại VN cũng tích cực đóng góp vào việc phát triển quan hệ song phương Việt - Mỹ thông qua việc tham gia các chương trình như dự án STAR để giúp VN chuẩn bị kỹ càng hơn khi hội nhập kinh tế toàn cầu. Việc ký kết Hiệp định thương mại song phương cũng như thực hiện dự án STAR không chỉ làm bùng nổ thương mại hai chiều mà còn giúp chuẩn bị sẵn cơ sở cho VN gia nhập WTO.
Hiện chúng tôi tiếp tục những hoạt động này bằng các chương trình nhắm vào các vấn đề quan trọng như quyền sở hữu trí tuệ, chất lượng quản lý doanh nghiệp… Tất nhiên các viên chức thương mại của chúng tôi không đơn độc. Họ là một phần của thành tựu có được nhờ sự đóng góp của hàng ngàn người VN và người Mỹ - những người đã góp tay cải thiện quan hệ Việt - Mỹ và giúp VN đạt được mục tiêu xây dựng một nền kinh tế theo hướng thị trường, có thể cạnh tranh thành công trên thị trường toàn cầu và cải thiện đời sống của nhân dân.
- Hiện VN xếp ở vị trí nào trong ASEAN với tư cách là đối tác thương mại, đầu tư của Hoa Kỳ?
Ông Dan Harris, Phó trợ lý Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Ảnh: HC |
Ông Dan Harris:
Chúng tôi đã làm việc ở nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia đang phát triển. Có thể không nhớ ngay các con số nhưng khi nhận thấy những điều hay, tốt thì nhận ra ngay. Tôi nghĩ rằng mọi người đều công nhận ở VN nói chung, Đà Nẵng nói riêng có nhiều cơ hội cho kinh doan h. Đây là nơi chúng tôi muốn đến, muốn thấy nhiều công ty Hoa Kỳ đầu tư vào.
Ông Kenneth Fairfax: - Như tôi đề cập ở trên, quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và VN đang mở rộng nhanh chóng trong suốt thập niên qua. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 1,2 tỷ USD năm 2001 lên gần 10 tỷ USD năm 2006. Sự bùng nổ thương mại này có được nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của VN cũng như việc các công ty Hoa Kỳ cung cấp thiết bị, nguyên liệu, công nghệ và kỹ năng quản lý vào cơ sở công nghiệp đang phát triển của VN.
Ngày nay, VN đang nằm trong số các thị trường châu Á tăng trưởng nhanh nhất đối với hàng hóa Mỹ, và Hoa Kỳ hiện cũng là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ 6 của VN và là quốc gia phương Tây duy nhất trong nhóm các quốc gia cung cấp hàng hóa nhiều cho VN, các thành viên còn lại là khối ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
- Các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm gì về tiến trình cải cách kinh tế của VN sau khi vào WTO?
Ông Dan Harris: - Chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đều đánh giá tiến trình dẫn tới việc VN gia nhập WTO là rất nhanh. Trong quá trình làm việc với một số nước khác, chúng tôi nhận thấy có những nước cố gắng mãi mà vẫn chưa đưa ra được những cải cách đủ để gia nhập WTO. Trong khi VN nhanh chóng đạt được những cải cách đáp ứng yêu cầu gia nhập WTO và mọi người đều hài lòng về điều đó.
Sau khi gia nhập WTO, VN còn một số cam kết phải thực hiện từ nay đến năm 2012 như tự do hoá nhiều khu vực, doanh nghiệp nước ngoài có quyền có kho hàng riêng, có kênh phân phối riêng… Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đang quan sát kỹ tiến trình Chính phủ VN thực hiện các cam kết này. Họ sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh tại thị trường VN trên cơ sở giá cả, chất lượng, dịch vụ… Chúng tôi tin VN sẽ tiếp tục các cải cách kinh tế, hành chính để tạo thuận lợi hơn nữa cho các công ty nước ngoài đầu tư làm ăn.
Ông Kenneth Fairfax: - Khi nói chuyện với chúng tôi, một số công ty Hoa Kỳ có lo ngại VN sẽ mang tâm lý vào WTO rồi, thành công rồi thì thôi, không tiếp tục cải cách nữa. Rõ ràng điều đó không đúng sự thật. Bởi trong quá trình gia nhập WTO, các cải cách làm cho nền kinh tế VN trở nên mạnh mẽ hơn. Nói cách khác, quá trình cải cách đó tốt cho VN chứ không chỉ vì VN còn những cam kết phải tiếp tục thực hiện.
Khi VN cải cách kinh tế, gia nhập WTO, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng mở rộng, đà tăng trưởng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Khi VN tiến hành các cải cách đầy tham vọng trên các lĩnh vực như thị trường tài chính, quản lý doanh nghiệp và thể chế pháp trị, tôi dự đoán nền kinh tế VN sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân và các đối tác thương mại của mình được hưởng những lợi ích mà sự sôi động về kinh tế đó mang lại.
- Là tân Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, ông nhận định như thế nào về sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ nói chung?
Ông Kenneth Fairfax: - Chúng tôi có mặt tại đây để bàn thảo những cách thức xúc tiến thương mại và tăng trưởng kinh tế, nên tôi muốn nhấn mạnh vai trò của thương mại và đầu tư trong mối quan hệ song phương Việt - Mỹ nói chung.
Mỗi ngày đều có thêm nhiều công ty Hoa Kỳ bước vào thị trường VN để đóng vai trò tích cực trong tương lai của đất nước này. Người Mỹ không chỉ mang hàng hóa, đồng đôla đầu tư đến đây mà còn mang theo cả trái tim họ. Những thành viên của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Đà Nẵng là điển hình tuyệt vời cho thấy những người đến đây đầu tư đã yêu mến VN, nhân dân VN như thế nào. Khi hợp tác với nhau trong kinh doanh, các doanh nhân Mỹ và VN cũng xây dựng sự hiểu biết và tình hữu nghị, vốn là cơ sở thực sự cho mối quan hệ nồng ấm, ổn định và lâu dài giữa hai nước.
Thay mặt tất cả những người Mỹ đại diện cho Chính phủ Hoa Kỳ tại đây hôm nay, tôi xin cảm ơn các doanh nhân VN và Hoa Kỳ vì những gì họ đã làm nhằm xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả chúng ta. Xin cảm ơn tất cả các cán bộ Chính phủ VN về những gì đã làm tại Đà Nẵng và nhiều nơi khác ở VN nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tư nhân và khuyến khích những người khác nữa trở thành đối tác với VN trong tương lai.
- Xin cám ơn ông!
- Chúng tôi không có sẵn số liệu để đưa ra những so sánh chính xác, nhưng có thể nói hiện VN chưa phải là đối tác thương mại, đầu tư lớn nhất của Hoa Kỳ tại ASEAN. Tuy nhiên, VN lại đang là thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất của Hoa Kỳ ở khu vực này.