Trước khi FED họp bàn về khả năng cắt giảm lãi suất : Thị trường chứng khoán nín thở chờ tin...

Hai phiên giao dịch đầu tuần, diễn biến thị trường không có nhiều đột biến khi chỉ số giá CK chỉ tăng nhẹ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18.9, VN-Index nhích thêm 0,43 điểm, lên mức 935,17 điểm chủ yếu nhờ một số CP lớn tăng giá đột biến.

0,5%, 0,25% hay không có gì?

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ hai (17.9) theo giờ Hoa Kỳ, thị trường tài chính Phố Wall đã giảm mạnh khi giới đầu tư căng thẳng và lo lắng chờ đợi quyết định sắp tới của FED về việc cắt giảm lãi suất: Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 39,1 điểm, S&P 500 giảm 7,6 điểm, Nasdaq giảm 20,52 điểm. "0,5%, 0,25% hay không có gì" - bài bình luận của Hãng AP nhận xét "thị trường đang đánh cược với thông tin cắt giảm lãi suất trong khi giới đầu tư không hoàn toàn chắc chắn điều đó sẽ xảy ra.

Hơn nữa, các báo cáo quý III của các Cty môi giới lớn chưa được công bố khiến NĐT không biết được mức độ suy giảm của thị trường, tình trạng tồi tệ của các khoản vay cũng như tình trạng thắt chặt tín dụng sẽ tác động đến lĩnh vực ngân hàng (NH)".

Hiện tại, tất cả mọi lời đồn đoán trên thị trường đều cho rằng FED sẽ cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, nếu để đánh cược về việc "có cắt giảm hay không?" thì không ai dám mạo hiểm. Khả năng FED không cắt giảm một điểm phần trăm lãi suất nào vẫn có thể xảy ra, nếu các thành viên Ban giám đốc FED cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang phát triển đúng hướng và lạm phát vẫn đang là một thách thức.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán FED sẽ cắt lãi suất cơ bản ít nhất 0,25%, khi trong vài tuần gần đây, các số liệu về kinh tế Mỹ đều không tích cực, mà mới đây nhất là thông tin về việc giảm 4.000 việc làm trong tháng 8 và tình hình bán lẻ giảm sút nhiều hơn mong đợi.

Một vài chuyên gia còn nhận định FED sẽ cắt giảm lãi suất 0,5%. "Tỉ lệ 0,25% quả là thất vọng" - Ryan Detrick - nhà phân tích kỹ thuật tại Trung tâm Nghiên cứu đầu tư Schaeffer - bình luận. Theo các chuyên gia tài chính, FED đang ở tình thế khá khó khăn.

TTCKVN: Tác động sẽ thế nào?

Theo ý kiến của bộ phận phân tích của một số CTCK, mặc dù TTCK VN chưa hoàn toàn liên thông với TTCK thế giới, nhưng không thể phủ nhận sự tác động nhất định sẽ xảy ra. Trước hết là yếu tố cầu của NĐTNN.

Thực tế trong 5 phiên gần đây, giao dịch mua của nhóm NĐT này rất yếu với khối lượng trung bình khoảng trên 700.000 CK/phiên, trong khi cường độ mua tháng 8 và một số phiên đầu tháng 9 luôn ở mức trên 1 triệu CK/phiên.

Giao dịch bán ra cũng suy giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, với khối lượng trung bình 5 phiên gần nhất chỉ đạt xấp xỉ 250.000 CK/phiên.

Căn cứ theo số lượng dư mua hàng ngày của NĐTNN cũng cho thấy một sự suy giảm rõ ràng: Khối lượng dư mua trung bình trượt 5 phiên đang ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8 (thời điểm Sở GDCK TPHCM bắt đầu công khai số liệu này) với khoảng 800.000 CK/phiên. Như vậy lượng cầu thực sự của NĐTNN (tính cả dư mua lẫn khớp lệnh thành công) đang giảm mạnh.
 
Một yếu tố tác động nữa là tâm lý của NĐTTN. Giao dịch của NĐTNN thường là chỉ báo được nhóm NĐT này theo dõi khá sát. Thực tế biến động sức mua của NĐTNN cũng sẽ ảnh hưởng đến sức mua chung của thị trường. Đó là chưa kể đến các giao dịch của NĐTNN thường tập trung vào một số mã chủ chốt có ảnh hưởng đến VN-Index.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính (VAFI), những biến động của TTCK thế giới sau sự kiện cắt giảm lãi suất cũng có thể tác động đến TTCK VN và chỉ mang yếu tố, ngắn hạn. Vấn đề vẫn nằm ở bản chất của TTCK VN khi việc phát triển thị trường liên quan đến nhiều yếu tố, mà trong đó, tác động của TTCK quốc tế chỉ là một phần.

Theo ông Hải, có thể lật ngược vấn đề: Khi TTCK thế giới khởi sắc, liệu TTCK VN có tăng trưởng theo hay không? Điều này chưa thể chắc chắn vì còn phụ thuộc vào các yếu tố nội tại của TTCK VN.

Quy mô dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào VN không đồng nhất với quy mô giải ngân. Mặc dù TTCK thế giới ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho TTCK tại các nước đang phát triển, nhưng mấu chốt vấn đề là khả năng hấp dẫn nguồn vốn từ bên ngoài.

Các biến động theo chiều hướng tốt của TTCK quốc tế có thể tạo một số thay đổi tích cực trên thị trường VN, nhưng chỉ là những tác động ngắn hạn. Ở một khía cạnh ngược lại, nếu TTCK quốc tế diễn biến xấu nhưng TTCK VN có những chính sách tốt, chẳng hạn đẩy nhanh hơn tiến độ cổ phần hoá, tăng quy mô thị trường bằng những hàng hoá có chất lượng, minh bạch, ổn định chính sách thì vẫn thu hút được nguồn tiền đổ vào. Trong điều kiện đó, diễn biến xấu của TTCK quốc tế lại là cơ hội cho TTCK VN.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây